Rắn độc tấn công người ở Hà Tĩnh: Cách sơ cứu rắn cắn như thế nào?

Thứ ba, 27/08/2019, 16:34 PM

Theo các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây có nhiều trường hợp bị rắn độc cắn ở Hà Tĩnh, có trường hợp ngồi xem ti vi cũng bị rắn cắn dẫn đến hoại tử chân.

Liên tiếp các ca bị rắn cắn

Ông Nguyễn Trọng Tuế (sinh năm 1962, xóm Hồ Phượng, xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị rắn cắn khiến chân của ông bị hoại tử phải ra Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Đêm 15/8, ông Tuế có dẫm lên một con rắn nên bị nó cắn. Ban đầu không phát hiện được, về nhà thấy đau và sưng tím nên mới đi bệnh viện để khám thì nọc độc đã phát tác, khiến bàn chân bắt đầu bị hoại tử.

Cháu bé Phan Thị Ngọc Linh (SN 2017, trú tại thôn Khe Giao 1, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) bị rắn cắn nhưng gia đình không biết. Cháu Linh đang ngồi ghế sofa xem ti vi.

ran-doc-tan-cong-o-ha-tinh-cach-so-cuu-ran-can-nhu-the-nao
Cháu Linh đang điều trị tại bệnh viện do rắn cắn

Cháu Linh bỗng khóc thét nên bà nội cháu chạy vào. Thấy có vết cắn chảy máu ở chân, nghĩ cháu dẫm lên mèo nên bị mèo cắn. Gia đình đã lấy lá đắp lên chân cháu cho đỡ sưng. Sáng hôm sau, người lớn thấy bàn chân sưng tím nên gia đình mới đưa đi viện kiểm tra.

Lúc này, ở nhà mọi người cũng phát hiện và bắt được con rắn hổ mang gần 2kg nằm trong gầm ghế.

Khi đến Bệnh viện huyện Thạch Hà, các bác sĩ giới thiệu ra trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai điều trị.Hiện cháu Linh được chuyển sang điều trị tại Viện Bỏng quốc gia do hoại tử từ vết rắn cắn. Về mùa mưa các địa phương đều ghi nhận các ca bị rắn độc cắn.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ cho biết mùa mưa tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do bị rắn độc cắn cũng tăng lên. Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân không biết do rắn cắn hoặc không biết cách sơ cứu dẫn đến biến chứng nặng khi nhập viện.

Chính vì thế, cách nhận biết các loại rắn cắn từ ban đầu để có cách sơ cứu rắn cắn đúng vô cùng quan trọng trong điều trị ngộ độc do rắn cắn.

TS.BS. Lê Xuân Dương - Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Trung ương 108 cho biết khi bị rắn cắn,nạn nhân cố gắng nhận biết hình dạng con rắn.

Hiện nay có nhiều loại rắn nhưng chủ yếu hay gặp một số loại rắn như rắn hổ mang thường: (rắn hổ đất, hổ mang bành, hổ phì, hổ mèo) có cổ bạnh và phát ra âm thanh đặc trưng khi đe doạ hoặc tấn công. Có ở vùng rừng núi, trung du, đồng bằng, thậm chí gần khu dân cư.

Rắn hổ mang chúa: cổ cũng bạnh nhưng không bạnh rộng, có hai vảy lớn ở đỉnh đầu, có ở vùng rừng núi, trung du, đồng bằng, hiện nay còn được nuôi ở nhiều nơi. Kích thước lớn nặng hàng chục kilôgam, thường dài hơn 2,5m.

Các loại rắn cạp nong, cạp nia: khoang đen-trắng rõ (rắn cạp nia), khoang đen-vàng (rắn cạp nong), thường ở vùng trung du, đồng bằng, khu vực gần nước. Khi bị rắn cắn, người bệnh có cảm giác đau, sưng nề, có thể có hoại tử đen da vùng bị cắn (da bị chết do nọc độc), nhiễm trùng (sưng đỏ, sốt, có mủ).

ran-doc-tan-cong-o-ha-tinh-cach-so-cuu-ran-can-nhu-the-nao
Nhận biết các loại rắn để có cách sơ cứu.

Vết rắn cắn do rắn cạp nia, cạp nong cắn thường không có gì đặc biệt. Nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân có thể tử vong do liệt cơ gây khó thở.

Các loại họ rắn lục có đặc điểm nhận dạng đầu rắn thường hình tam giác, mắt có con ngươi hình elíp dựng đứng. Khi bị loài rắn này cắn, vết thường sưng nề, phỏng nước, chảy máu vùng vết cắn, chảy máu toàn thân khó cầm. Tử vong do chảy máu, mất máu.

Sơ cứu rắn cắn như thế nào?

Khi bị rắn cắn, bác sĩ Dương khuyến cáo để người bệnh bình tĩnh, không tự đi lại. Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn). 

Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường), băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.  Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập).

Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,...) cố định chân, tay bị cắn. Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.

Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..). Nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.

Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.…

Tuyệt đối không garô là biện pháp làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch, chân tay rất dễ bị thiếu máu nguy hiểm. Nhiều trường hợp sau đó phải cắt cụt chân tay vì garô. Không chỉ thế, khi đến bệnh viện tháo băng garo ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân bị sốc, đe dọa tính mạng. Không hút, trích vết độc vì không có tác dụng.

Cấp cứu rắn cắn cần theo dõi tại bệnh viện chứ không thể điều trị ở nhà. Chính vì thế, khi bị rắn cắn chưa xác định loài rắn vẫn cần đến bệnh viện để điều trị triệt để.

 

Rợn người hàng chục con rắn cảnh lúc nhúc trong nhà dân chơi 8x Hà Nội

Nguyễn Việt Anh (Hà Nội) chủ nhân bộ sưu tập bò sát độc lạ với nhiều loại từ: rắn, trăn, ếch, rồng đất… Trong số này, chỉ tính riêng bộ sưu tập rắn, trăn cảnh của Việt Anh đã có trên 10 loại với khoảng 30 con như: các loại rắn ngô, rắn sữa, rắn vua, trăn bóng…