'Rừng còn quan trọng hơn trời'

Thứ sáu, 06/11/2020, 18:33 PM

Phát biểu về rừng trước Quốc hội chiều 6/11, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: "Đại biểu hỏi tôi rừng quan trọng thế nào so với trời, tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn trời”.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nói

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nói "rừng quan trọng hơn trời".

Rừng quan trọng hơn trời

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khi trả lời chất vấn của ĐBQH về vai trò của rừng trong chiều 6/11 tại nghị trường Quốc hội.

Theo đó, đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT, ĐBQH Ksor H’Bơ Khăp đề nghị giải thích về câu nói "thủy điện nhỏ không có lỗi trong đợt bão lũ, sạt lở vừa qua mà do địa chất bị đứt gãy".

Đồng thời đề nghị Bộ trưởng trả lời câu hỏi: "Ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có mối quan hệ gì với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam? Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm gì với thực trạng đó?".

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, ông không nói thủy điện nhỏ không phải nguyên nhân, mà chúng ta không tận dụng được thủy điện một cách thân thiện môi trường như nhiều quốc gia văn minh khác.

“Đại biểu hỏi tôi rừng quan trọng thế nào so với trời, tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn trời”, Bộ trưởng Hà hướng về phía đại biểu Ksor H'Bơ Khắp nói.

Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Ông cho biết ông hít thở khí oxy, thở ra CO2 là nhờ có rừng. Rừng còn là nơi cung cấp 70% các tài nguyên cho con người, rừng cho sinh thủy, trong chiến tranh thì rừng che bộ đội.

Ông nhắc lại câu nói của mình tại phiên làm việc hôm qua “thủy điện không phải nguyên nhân” và cho rằng hậu quả là do con người khai thác các tài nguyên mà không dựa vào các quy luật tự nhiên.

Mất rừng không có nghĩa là do thủy điện, ông Hà cho rằng mất rừng là do con người có tư duy sai trái khi "trong nhà dùng toàn đồ gỗ, sử dụng các động vật hoang dã”.

Ông cho biết Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT sẽ xem xét cùng Quốc hội, rà soát từng m2 đất bị chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Đối với những nơi nào không còn rừng mà chức năng của nó là phòng hộ thì phải phục hồi.

Độ che phủ rừng ở Việt Nam thấp hơn các nước xung quanh

Trước đó, tại phiên sáng 6/11, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển, phản ánh, qua Google map ông thấy rõ diện tích rừng của Việt Nam thấp hơn các nước xung quanh. "Phải chăng chúng ta bảo vệ rừng không tốt, năng lực quản lý hay nguyên nhân gì khác?", ông Hiển đặt câu hỏi.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói rằng, việc theo dõi trên bản đồ Google của đại biểu "là hoàn toàn chính xác". Độ che phủ rừng của Lào hiện là 58%, Campuchia 47%, trong khi Việt Nam gần 42%.

"Hai nước Lào, Campuchia đều có dân số ít, diện tích tự nhiên bình quân cao và rừng tự nhiên nhiều. Còn ở Việt Nam, hiện diện tích rừng tự nhiên 10,3 triệu ha, trong đó 1,3 triệu ha phục hồi trong 30 năm qua", ông Cường nói và cho hay độ che phủ rừng ở Việt Nam thấp hơn hai nước bởi nguyên nhân lịch sử. Bên cạnh đó, đương nhiên có trách nhiệm về công tác quản lý.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Theo Bộ trưởng: Tới đây, lãnh đạo ngành nông nghiệp đề nghị tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn dân để bảo vệ và phát triển rừng. Với rừng tự nhiên, ông đề xuất kiên quyết không cho can thiệp, hạn chế thấp nhất việc chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên.

Bằng cơ chế chính sách, nhà nước tiếp tục tăng cường quản lý, bảo vệ, phục hồi chất lượng rừng tự nhiên. Trên các khu vực trọng yếu như Lâm Đồng, Tây Bắc, ven biển có chương trình riêng để phục hồi rừng. Chính phủ cũng có giải pháp cho vấn đề 24.000 hộ di dân ở Lâm Đồng.

"Hiện diện tích rừng trồng của Việt Nam 4,3 triệu ha nhưng chủ yếu là keo, sinh khối nhanh nhưng độ bền vững, chống chịu thiên tai kém. Do vậy, phải thay dần bằng các cây bản địa để thay đổi cơ cấu, tăng giá trị, độ che phủ và chất lượng bền vững trước thiên tai", ông Cường nói.

Đồng thời, nhà chức trách phải tăng cường quản lý từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là áp dụng chế tài mạnh trong xử lý hình sự vi phạm về rừng.

"Năm 2019 đã xử lý 373 vụ, khởi tố 48 vụ. Nhưng cần kiên quyết xử lý hơn nữa, vì năm 2019 vẫn còn hơn 2.500 ha rừng bị xâm hại", ông Cường nói.

Bài liên quan