Sách Tiếng Việt 1: Chuyên gia đề xuất lập Hội đồng thẩm định mới

Thứ tư, 14/10/2020, 15:36 PM

Liên quan đến lùm xùm về sách Tiếng Việt lớp 1, chuyên gia đề xuất lập Hội đồng thẩm định mới, độc lập, khách quan và công bằng.

Sách Tiếng Việt 1: Chuyên gia đề xuất lập Hội đồng thẩm định mới. (Ảnh: Dantri)

Sách Tiếng Việt 1: Chuyên gia đề xuất lập Hội đồng thẩm định mới. (Ảnh: Dantri)

Ngày 14/10, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trả lời trên Báo VTC News, nếu chỉ có vài ý kiến than phiền thì có lẽ không sao, nhưng cả xã hội đều lên tiếng, chủ biên sách, hội đồng thẩm định, Bộ GD&ĐT cần có thái độ cầu thị.

Trên một số phương tiện truyền thông đại chúng, chủ biên bộ sách Cánh diều chia sẻ việc dạy từ “nhá”, từ “chả”.... vì nó có trong từ điển. Tuy nhiên GS Dong bác bỏ lời giải thích đó và cho rằng từ điển là dành cho người lớn tra cứu, đó là quy chuẩn chung của chính tả. Còn với trẻ nhỏ phải cân nhắc sử dụng từ ngữ dễ hiểu, thông dụng, phù hợp với lứa tuổi để các em tập đọc, tập viết và ghép vần; chứ không phải vừa học, vừa tra từ điển như người lớn.

Điển hình như từ "nhá" trong bài tập đọc "Hai con ngựa" có thể thay bằng rất nhiều từ đồng nghĩa cùng mô tả hành động ăn uống gồm: ăn, nhai, đớp, xơi, và.

Từ đó GS Dong cho rằng, cần làm rõ vai trò và trách nhiệm khi để lọt "sạn" ở bộ Cánh diều. Không thể nói Hội đồng thẩm định sách vô can.

"Để có trọng tài giữa Hội đồng thẩm định, quần chúng và những người viết sách, chúng ta nên thành lập Hội đồng thẩm định mới, khách quan hơn và đảm bảo tính công bằng", vị chuyên gia đề xuất.

Trong khi chờ các cơ quan quản lý đưa hướng giải quyết, theo GS.TS Phạm Tất Dong, trước mắt cần tăng cường trách nhiệm của giáo viên, hiệu trưởng để khắc phục sai sót của tác giả làm sách. Giáo viên cần chủ động thiết kế bài giảng theo chuẩn chương trình mới thay vì quá phụ thuộc vào sách giáo khoa.

Đồng quan điểm, TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục và đào tạo của Chính phủ cho rằng, việc Bộ GD&ĐT yêu cầu Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt 1 thẩm định lại cũng là yêu cầu hội đồng phải xem xét trách nhiệm và giải trình.

Việc đó chỉ nên dừng lại ở mức đánh giá, còn nếu để đưa đến một phán quyết mới về số phận của bộ sách Cánh diều thì phải thành lập Hội đồng thẩm định mới, làm việc độc lập mới đảm bảo tính khách quan, công bằng.

Như một số nước trên thế giới đưa ra 3 tiêu chí chính trong đánh giá sách giáo khoa. Thứ nhất, đánh giá trước khi đưa vào sử dụng để dự trù được những lỗ hổng, nguy cơ và tiềm năng của cuốn sách. Sách có phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông hay không.

Thứ hai, đánh giá trong quá trình sử dụng, sẽ xem xét sách và chương trình mới được áp dụng trên diện rộng hoạt động ra sao, có phù hợp với học sinh hay không. Thứ ba, sau khi kết thức năm học đầu tiên, sẽ đánh giá lại toàn bộ hiệu quả và quá trình áp dụng vào các trường học, lớp học.

Với việc đánh giá trước khi đưa vào sử dụng thì Bộ GD&ĐT đã có Hội đồng thẩm định sách. Nếu muốn biết trách nhiệm của hội đồng này trong việc đánh giá sách giáo khoa ra sao, thì phải lập một hội đồng mới. Hội đồng mới phải phát hiện cái hay cái dở, đánh giá thường xuyên, liên tục để đưa ra những lời khuyên kịp thời, rút kinh nghiệm cho năm học sau.

Về nội dung, TS Vinh cho rằng, sách giáo khoa phải đảm bảo tính dân tộc, nhân bản, giáo dục tự do cho học sinh. Trong khi đó, sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều có rất nhiều bài đọc trích từ truyện ngụ ngôn của nước ngoài, trong khi đó ở Việt Nam không thiếu ca dao, tục ngữ, truyện ngắn. Như vậy bộ sách Cánh diều chưa đảm bảo tính dân tộc và giáo dục lòng yêu nước cho học sinh.

TS Giáp Văn Dương - Hiệu trưởng trường Vietschool khi trả lời Báo Tiền phong, nêu rõ không nên sử dụng lại hội đồng trước đây để thẩm định lại bộ sách giáo khoa mình đã thông qua, mà nên lập hội đồng mới để thẩm định lại nếu không kết quả sẽ không khác nhiều so với lần thẩm định đầu tiên.

Ông Dương cho rằng, nếu kết quả của lần thẩm định sau khác với lần đầu, chứng tỏ hội đồng thẩm định trước đây chưa chính xác. Vì vậy, để “tâm phục khẩu phục”, tốt nhất nên lập Hội đồng thẩm định mới.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ: Liên quan sách giáo khoa lớp 1, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiêm túc tiếp thu những vấn đề mà cử tri và đại biểu nêu, cũng như xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Thủ tướng nhấn mạnh sách giáo khoa và sách tham khảo liên quan từng gia đình nên cần phải tiết kiệm cho người dân. Sách tham khảo, sách giáo khoa phải phù hợp văn hóa Việt Nam, trẻ em Việt Nam.

Trước đó, chiều 12/10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT liên quan vấn đề sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh diều.

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong khâu biên soạn, thẩm định và phát hành sách giáo khoa mới. Đây là công việc khó khăn, phức tạp với nhiều ý kiến đa chiều. Ông cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT lắng nghe mọi ý kiến đóng góp của nhân dân.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, một số ý kiến rất gay gắt nhưng đó là thể hiện tâm huyết, lo lắng, mong muốn có sách tốt, dạy tốt nhất cho con cháu.t

Bài liên quan