Sân golf Thuận Thành: Thực tế khác xa báo cáo

Chủ nhật, 22/03/2020, 07:01 AM

Diện tích mà Bắc Ninh dự kiến làm sân golf quốc tế Thuận Thành đều là những bờ xôi ruộng mật, những vườn cây ăn trái trù phú ven sông Đuống khác xa so với báo cáo của doanh nghiệp.

Mô hình Dự án Sân golf quốc tế Thuận Thành (Bắc Ninh).

Mô hình Dự án Sân golf quốc tế Thuận Thành (Bắc Ninh).

Báo cáo một đằng thực tế một nẻo

Những ngày gần đây dư luận người dân Bắc Ninh đang đặc biệt quan tâm trước thông Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang ký Công văn gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xin ý kiến thẩm định thực hiện dự án Sân golf quốc tế Thuận Thành quy mô 98ha, với thiết kế 27 lỗ tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành.

Vị trí dự án sân golf là khu đất ven sông Đuống chính vì thế đã gây nhiều lo lắng, tranh luận trong dư luận. Đặc biệt nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về những tác động môi trường. Đây cũng là vấn đề mà không chỉ người dân Thuận Thành quan tâm mà là vấn đề mà người dân ở nhiều huyện tại Bắc Ninh và Hà Nội, nơi dòng sông Đuống đi vào thơ ca cũng đang rất lo lắng.

Lo lắng không chỉ bởi ven dòng sông Đuống là những cánh đồng hoa màu trù phú mà còn rất nhiều những nhà máy nước sạch sinh hoạt phục vụ cả triệu dân.

Đáng chú ý, sau khi thông tin về dự án sân golf này được biết đến, dư luận đã vào cuộc vạch ra nhiều điểm bất ngờ, nhất là việc báo cáo của doanh nghiệp với thực tế khác xa nhau.

Theo đó, Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản HUDLAND và Công ty Cổ phần tư vấn và thương mại Thăng Long (chủ đầu tư dự án) thì hiện trạng sử dụng đất là đất bãi bồi ven sông, được sử dụng để trồng cây hàng năm (mỗi năm chỉ canh tác 2 vụ, 01 vụ ngô vào dịp Đông Xuân, 1 vụ rau vào dịp hè thu), mặt nước, nuôi trồng thủy sản.

Toàn bộ khu đất dự án không có đất lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, không thuộc đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị.

Khu vực dự án nằm ngoài bãi sông Đuống, không có hộ dân sinh sống, hiện chưa có công trình hạ tầng kỹ thuật, khu vực không có công trình văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể và phi vật thể, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Trong đó, đất trồng cây hàng năm khác chiếm 62,8ha, đất tròng cây lâu năm là 2,8 ha, đất nuôi trồng thủy sản là 11,6 ha, đất giao thông, thủy lợi 6,2ha, ngoài ra có 16,6ha đất mặt nước chuyên dùng.

“Nhìn chung với hiện trạng sử dụng đất hiện tại thuận tiện cho công tác giải phóng mặt bằng”, Liên danh HUDLAND – Thăng Long kết luận.

Tuy nhiên, trên thực tế ghi nhận cho thấy: Khu đất ngoài bãi sông Đuống (nơi dự kiến làm sân golf) hiện đang được người dân trồng ngô, chuối và chủ yếu là cam ăn trái. Đáng nói hơn, là những người trực tiếp chịu ảnh hưởng từ dự án nhưng đa phần người dân địa phương đều khẳng định chưa hay biết thông tin rộng rãi về dự án này.

Tạp chí Môi trường và đô thị dẫn lời ông Nguyễn Văn Hường - Trưởng thôn Bút Tháp (xã Đình Tổ) cho biết: người dân nơi đây chưa được cơ quan chức năng tại địa phương thông tin chính thức về dự án.

"Những ai truy cập mạng thì biết là Chủ tịch tỉnh gửi văn bản xin ý kiến các Bộ về việc xây dựng sân golf, chứ đến mình là trưởng thôn chưa được triển khai qua thì người dân làm sao biết được, mình cũng mới biết sơ sơ", ông Hưởng chia sẻ.

Theo người dân địa phương: Trước đây vùng đất này cũng trồng màu, trồng ngô nhưng hiện cho thuê để trồng cam. Một số hộ nhờ học hỏi kinh nghiệm trồng cam của người dân Văn Giang, Hưng Yên cũng thuê lại đất canh tác, kinh tế gia đình khá giả lên nhờ đó.

Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành có quy mô 98ha, dự kiến được triển khai ngoài bãi bồi ven sông Đuống. (Ảnh: Dân Việt).

Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành có quy mô 98ha, dự kiến được triển khai ngoài bãi bồi ven sông Đuống. (Ảnh: Dân Việt).

Sở hữu 12 mẫu đất trồng cam chia thành 3 vườn ông Tuấn một hộ dân chia sẻ: "Một mẫu nhà tôi thu được 15 tấn cam, giá năm nay dao động từ 25 đến 27 rồi 30.000 đồng/kg, ngoài Tết còn bán được giá 38-40.000 đồng/kg. Cây cam đem lại giá trị kinh tế cao, gấp nhiều lần cây ngô. Trừ chi phí khoảng 700-800 triệu thì một mẫu cũng thu được khoảng 75 triệu. Được giá như năm vừa rồi thì vô cùng lắm".

Nhắc đến việc triển khai xây dựng dự án sân golf quốc tế Thuận Thành, ông Tuấn không khỏi lo lắng, “vườn này tôi làm 4 năm vừa mới thu hoạch được một năm, thu hồi để làm sân golf thì thiệt hại kinh tế rất lớn. Nếu đền bù cũng chưa chắc bằng tiền thu về từ một vụ cam.

Tôi bỏ vốn ra nhiều lắm, nào là thuê ruộng, mua cây, nhân công… làm bây giờ mới ăn được năm thứ 2, ảnh hưởng kinh tế cho chúng tôi rất lớn, nếu mà thu hồi muộn thêm vài năm thì đền bù cộng vào việc được thu quả vài năm mới ổn định kinh tế được.

Vườn có cả cây vừa mới trồng, thu hồi thì đền mấy trăm nghìn một cây, trong khi nhân quả ra thì một cây cũng cho tiền triệu, nhà nước lùi lại vài năm còn dễ thở, thu hồi bây giờ chúng tôi tiếc lắm mà mất trắng”, ông Tuấn chia sẻ.

Chia sẻ trên báo Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Đình Tổ đã thừa nhận đến nay chưa biết vị trí cụ thể dự án nằm ở đâu, chỉ biết liên danh nhà đầu tư làm ở khu vực ngoài bài ven sông Đuống, nơi có diện tích đất của 3 thôn trong xã là: Đình Tổ, Bút Tháp và Đại Trạch với diện tích khoảng 200ha.

Qua tiếp xúc với người dân trong xã Đình Tổ, hầu hết mọi người biết về sân golf rất hạn chế. Với họ, sân golf trồng nhiều cỏ, cây, tạo ra không gian xanh, đẹp. Nhưng ít người biết được, để có được mầu xanh mướt, đẹp mê hồn ấy là cả trăm kg thuốc bảo vệ thực vật, rồi khoảng chừng 50 tấn phân bón các loại được sử dụng thường xuyên, liên tục.

Vì sao lãnh đạo Bắc Ninh "sốt sắng?

Theo tìm hiểu, chủ trương làm sân golf quốc tế Thuận Thành đã xuất hiện cách đây 5 năm. Cụ thể, tháng 7/2015, Liên danh nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản HUDLAND và Công ty CP Tư vấn và thương mại Thăng Long đã đề nghị tỉnh Bắc Ninh cho khảo sát địa điểm để lập dự án xây dựng khu sân golf quốc tế tại khu đất ven sông Đuống.

Sau đó ông Nguyễn Tử Quỳnh (khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh) đã có ngay văn bản chấp thuận về mặt chủ trương cho liên danh này nghiên cứu khảo sát khu đất thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, có diện tích 170ha để lập quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng Sân golf quốc tế Thuận Thành, thiết kế 27 lỗ.

Trong vòng 5 năm, đã có không ít văn bản xin ý kiến, thẩm định việc thực hiện dự án do lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, rồi UBND tỉnh Bắc Ninh gửi đi để hoàn thiện thủ tục pháp lý nhằm sớm triển khai thực hiện dự án.

Một vườn cam của người dân. (Ảnh: Môi trường đô thị).

Một vườn cam của người dân. (Ảnh: Môi trường đô thị).

Mới nhất, trong bối cảnh cả nước đang căng mình chống dịch covid-19, bà Nguyễn Hương Giang có công văn gửi Bộ Quốc phòng và Công an xin ý kiến thẩm định thực hiện dự án để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo của dự án theo quy định. Điều ấy thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo đứng đầu tỉnh Bắc Ninh nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện, triển khai dự án sân golf quốc tế Thuận Thành.

Theo báo Dân Việt:  Về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, liên danh nhà đầu tư cho rằng, dự án đầu tư xây dựng sân golf có phương án đền bù giải phóng mặt bằng thỏa đáng, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân trong tương lai. "Hiện tại dự án đang được người dân hoàn toàn ủng hộ, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đang được thực hiện" – báo cáo đánh giá tác động môi trường nhấn mạnh.

Trong khi đó, qua tìm hiểu thì đến nay mới có duy nhất một lần chủ đầu tư về xã họp tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp với 84 người tham gia vào ngày 11/7/2018.

"Đến nay, ngoài 84 người đã dự họp với đại diện chủ đầu tư, hầu hết người dân nơi đây mới chỉ nghe thông tin chứ chưa được liên danh chủ đầu tư mời họp bàn hay thông tin về tiến độ thực hiện dự án".

Theo Báo cáo đầu tư dự án, lượng nước cung cấp cho hoạt động sinh hoạt dịch vụ (trừ nước tưới cỏ) là khoảng 300m3/ngày đêm.

Trong quá trình hoạt động của dự án sử dụng một lượng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ để chăm sóc cỏ trong khu vực sân golf.

Chính vì những lo ngại về môi trường nên đã có nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về dự án sân golf quốc tế Thuận Thành.

Bài liên quan