Sau lùm xùm khu ngoại giao đoàn: Công ty Cổ phần Hancorp lại vướng 'tai tiếng' nợ thuế Hà Nội

Thứ ba, 19/03/2019, 06:00 AM

Cục Thuế thành phố Hà Nội vừa tiếp tục công khai đợt tháng 3/2019 danh sách 86 đơn vị nợ thuế, phí. Đáng chú ý trong đó là Công ty Cổ phần Hancorp một doanh nghiệp bất động sản nổi danh với nhiều tai tiếng

sau-lum-xum-khu-ngoai-giao-doan-cong-ty-co-phan-hancorp-lai-vuong-tai-tieng-no-thue-ha-noi
Công ty Cổ phần Hancorp bị cư dân Đoàn Ngoại giao phản ứng. Ảnh Infonet

Cục Thuế TP Hà Nội vừa tiếp tục công khai đợt tháng 3/2019 danh sách 86 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất, với số nợ hơn 40,5 tỷ đồng. Trong số 86 doanh nghiệp nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất, có 23 doanh nghiệp nợ thuế phí với số tiền hơn 38,2 tỷ đồng, 1 đơn vị nợ tiền thuê đất với số nợ gần 2,3 tỷ đồng. Đứng đầu danh sách này là Công ty cổ phần Hancorp (MST 0104818223), với số nợ tính đến ngày 31/1/2019 là hơn 3,7 tỷ đồng.

Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty Cổ phần là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng được thành lập năm 1982 trên cơ sở hợp nhất 5 đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng về Tổng công ty gồm: Công ty Xây dựng số 1, Công ty Xây dựng số 3, Công ty Xây dựng số 11, Nhà máy Bê tông đúc sẵn Hà Nội, Xí nghiệp Một Bạch Đằng. Ngành nghề kinh doanh chính của Hancorp là xây dựng, thi công xây lắp; đầu tư bất động sản.

Tuy nhiên, trong một năm trở lại, Hancorp liên tiếp vướng phải lùm xùm tại các dự án công ty này thực hiện, trong đó có dự án Khu đô thị Ngoại Giao Đoàn nằm phía Tây hồ Tây...

Tháng 10/2017, hàng trăm cư dân đang sinh sống tại Khu Đoàn Ngoại giao ở phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã cùng nhau căng băng rôn với những dòng chữ phản đối chủ đầu tư Hancorp, phản đối điều chỉnh quy hoạch…

Theo thông tin trên Infonet, sở dĩ cư dân xuống đường, tuần hành quanh khu đô thị là vì quá bất ngờ trước quy hoạch mới của khu đô thị vừa được Hà Nội phê duyệt mà cư dân không hề được tham vấn ý kiến.

Khu Đoàn Ngoại giao do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư, với quy mô 62,8ha nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển khu Đoàn ngoại giao cho Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, văn phòng của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, khu ở cho người nước ngoài tại Hà Nội…

sau-lum-xum-khu-ngoai-giao-doan-cong-ty-co-phan-hancorp-lai-vuong-tai-tieng-no-thue-ha-noi
Công ty Cổ phần Hancorp nợ 3,7 tỷ đồng tiền thuế.

Dự án nổi tiếng là khu đô thị có mật độ xây dựng thấp, 30-33%, còn lại 70% là khu công viên cây xanh, hồ điều hòa, công trình công cộng… đây cũng chính là lý do mà hàng nghìn cư dân bỏ tiền mua căn hộ tại khu đô thị này.

Thế nhưng, ngày 22/5/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2905/QĐ-QHKT về việc Phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu Đoàn Ngoại giao tại Hà Nội khiến các cư dân bất ngờ và bức xúc và lo lắng.

Lo lắng ở chỗ, các ô đất được điều chỉnh là các ô có ký hiệu CC2, CC3-4, CC5, ĐMKT1 vốn có chức năng đất công cộng, dịch vụ, đất đầu mối kỹ thuật, có mật độ xây dựng thấp thì nay điều chỉnh đều được tăng mật độ xây dựng lên rất nhiều.

Cụ thể, ô đất ký hiệu CC2 có diện tích khoảng 9.549m2 trước đây được phê duyệt có chức năng công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng 20,5%; nay được điều chỉnh với mật độ xây dựng tăng lên 40%. Tầng cao công trình 5 tầng + 1 tầng hầm.

Ô đất ký hiệu CC3-4 có diện tích 4.044m2, trước đây có chức năng đất công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng 20,5%, tầng cao trung bình là 5 tầng. Nay được được chuyển đổi sang mục đích sử dụng là đất công cộng đô thị (công cộng, dịch vụ thương mại văn phòng), nâng mật độ xây dựng lên 35% với tầng cao công trình là 15 tầng + 3 tầng hầm.

Hay ô đất CC5 trước đây có diện tích 8.664m2 được quy hoạch là đất công cộng, dịch vụ, thương mại với mật độ xây dựng 30%, tầng cao trung bình là 7 tầng thì nay được điều chỉnh thành lô đất có ký hiệu HH1, chức năng là đất hỗn hợp (dịch vụ, thương mại, văn phòng, nhà ở) với mật độ xây dựng nâng lên 41%, tầng cao công trình 27 tầng + 3 tầng hầm với dân số khoảng 1.505 người…

Nhất là ô đất ký hiệu ĐMKT1 theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt có chức năng đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế điện) với quy mô 4.801m2, không xác định chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc. Nay điều chỉnh thành ô đất có ký hiệu BV có chức năng đất công cộng đô thị, với mật độ xây dựng 40%, tầng cao công trình 12 tầng + 2 tầng hầm.

Nhiều người dân tỏ ra vô cùng lo lắng trước việc Hà Nội đồng ý phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Việc điều chỉnh này sẽ khiến khu đô thị tăng dân số, rồi tắc đường lại xảy ra và nhiều hệ lụy khác.

Cuối năm 2017, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị xử lý hàng loạt các vấn đề xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty Cổ phần (Hancorp).

Theo Bộ Tài chính, năm 2016, doanh thu của Tổng công ty này là 2.776 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu kinh doanh bất động sản, xây dựng chiếm 94%, lợi nhuận năm 2016 đạt 128 tỷ đồng. Các chỉ số tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản là 1,95%; tỷ suất lợi nhuận/doanh thu là 4,6%; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ 7,4%...

Với số liệu này, Bộ Tài chính cho rằng kết quả sản xuất kinh doanh của Hancorp chưa cao.

Về đầu tư ra doanh nghiệp bên ngoài, hết tháng 12/2016, tổng giá trị đầu tư ngoài ngành đạt 1.280 tỷ đồng, trong đó có 6 công ty con, 20 công ty liên kết, 14 công ty khác (theo kiểu đầu tư dài hạn)... trong đó nhiều doanh nghiệp, dự án bất động sản lớn tại Hà Nội.

"Đầu tư ngoài ngành của Hancorp không hiệu quả, tỷ suất cổ tức/vốn đầu tư thấp, vốn tập trung chủ yếu tại công ty liên kết khác mà Hancorp không có quyền chi phối, rủi ro mất vốn", Bộ Tài chính nhận định.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, tình hình tài sản, nợ phải thu của công ty này không đảm bảo. Cuối năm 2016, tổng tài sản của Hancorp là hơn 6.560 tỷ đồng, nợ phải thu chiếm 51% là 3.341 tỷ đồng (gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu), trong đó nợ quá hạn 1 năm tồn tại ở một số công ty như Đèo Cả, Đầu tư Phú Mỹ… Hancorp sẽ gặp khó khăn trong thanh toán nợ đến hạn.

Về nợ phải trả, Bộ Tài chính cảnh báo, nợ phải trả chiếm 77% tổng nguồn vốn khoảng 5.039 tỷ đồng, cơ cấu nợ ngắn hạn chiếm 68% tổng nợ phải trả.

 

Thủ tướng: Tháo gỡ vướng mắc thể chế không để tình trạng 'ngâm lâu'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của năm “bứt phá” 2019.

 

Charmvit nói gì khi bị 'tố' cắt điện nước, bảo vệ tòa nhà đánh người?

Công ty Charmvit (Trung Hòa, Hà Nội) vừa lên tiếng trước thông tin bị Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam tố cắn điện nước, bảo vệ tòa nhà đánh cán bộ công nhân viên IDJ gây xôn xao dư luận.

 

Hoàng Anh Gia Lai bị phạt, truy gần 11 tỷ đồng do khai sai thuế

Tổng số tiền truy thu thuế và phạt nộp chậm mà Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL-mã: HAG) phải nộp cho Cục thuế tỉnh Gia Lai lên tới 11 tỷ đồng.