Sẽ thoái 36% vốn Nhà nước tại Sabeco trong năm 2020?

Thứ năm, 02/07/2020, 15:43 PM

Tính theo thị giá cổ phiếu SAB tại phiên gần nhất, việc thoái 36% vốn còn lại tại Sabeco, Nhà nước có thể thu về khoảng 37.600 tỷ đồng.

Tính theo thị giá cổ phiếu SAB tại phiên gần nhất, việc thoái 36% vốn còn lại tại Sabeco, Nhà nước có thể thu về khoảng 37.600 tỷ đồng.

Tính theo thị giá cổ phiếu SAB tại phiên gần nhất, việc thoái 36% vốn còn lại tại Sabeco, Nhà nước có thể thu về khoảng 37.600 tỷ đồng.

Trong 121 doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc các bộ, ngành trung ương quản lý và 18 doanh nghiệp được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện việc thoái vốn theo danh mục vừa được Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ký quyết định ban hành, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thuộc diện được thoái toàn bộ 36% vốn điều lệ còn lại của Nhà nước theo lộ trình đến hết năm 2020.

Việc chuyển giao Sabeco về SCIC cũng được yêu cầu phải hoàn tất trước ngày 30/8-2020, chuẩn bị kế hoạch thoái hết phần vốn nhà nước còn lại sau khi đã bán 53,59% vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Vietnam Beverage - công ty "con" của Tập đoàn ThaiBev (Thái Lan) - với trị giá lên đến 5 tỉ USD hồi cuối năm 2017. 

Cổ đông Nhà nước hiện sở hữu 36% vốn tại Sabeco, tương đương 230,8 triệu cổ phần. Tính theo thị giá cổ phiếu SAB tại phiên giao dịch gần nhất là 162.800 đồng, tổng giá trị số cổ phiếu này đạt gần 37.600 tỷ đồng, tương đương hơn 1,6 tỷ USD.

Gần đây, trước thông tin từ Bloomberg về việc tỷ phú Thái muốn nhượng cổ phần tại Sabeco sang nhà đầu tư khác, đại diện Bộ Công Thương khẳng định không có chủ trương mua lại cổ phần của doanh nghiệp này. ThaiBev - công ty mẹ của Vietnam Beverage, cổ đông lớn nhất của Sabeco cũng phải lên tiếng phủ nhận chuyện đang tìm kiếm người mua lại mảng kinh doanh tại Việt Nam.

Kết thúc đại hội cổ đông năm 2020 tổ chức ngày 30/6 vừa qua, Sabeco trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu giảm 37% và lợi nhuận sau thuế giảm 39% so với năm 2019, tương ứng còn lần lượt 23.800 tỉ và 3.252 tỉ đồng.

Trình cổ đông mục tiêu khiêm tốn, Hội đồng quản trị Sabeco cho biết, thị trường bia đang đối mặt với những khó khăn lớn từ chính sách khi Nghị định 100 liên quan đến cấm lái xe khi uống rượu bia. Đồng thời, Nghị định 24 có hiệu lực cũng đặt ra các quy định khắt khe hơn với hoạt động tiếp thị, quảng cáo bia.

Ban lãnh đạo doanh nghiệp dẫn đầu thị phần bia tại Việt Nam cũng lo ngại tác động của đại dịch đến hoạt động kinh doanh khi các quán bia rượu, karaoke và câu lạc bộ đêm phải đóng cửa trong thời gian dài. Sự cạnh tranh thị phần cũng gay gắt hơn dù xu hướng tiêu thụ các dòng bia cao cấp có thể tăng nhờ thu nhập người dân được cải thiện.

Trước đó, tập đoàn ThaiBev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi khẳng định nghi vấn doanh nghiệp này đang tìm kiếm đối tác để bán cổ phần Sabeco thông qua kế hoạch IPO mảng bia vào năm 2020 là không chính xác.

"Thông qua công ty con Vietnam Beverage, ThaiBev tự tin về hoạt động kinh doanh ở Việt Nam và giữ vững cam kết đưa Sabeco và thương hiệu Bia Sài Gòn thành niềm tự hào của Việt Nam. Việt Nam là một trong những thị trường cốt lõi và một phần không thể thiếu trong mục tiêu trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành đồ uống ở Đông Nam Á của ThaiBev", văn bản của ThaiBev nêu.

ThaiBev cho biết vẫn đang nghiên cứu về tiềm năng của việc niêm yết mảng kinh doanh bia trên sàn chứng khoán. Công ty nhấn mạnh quá trình này mới chỉ ở giai đoạn đầu và không có gì chắc chắn đảm bảo sẽ có giao dịch nào xảy ra.

Bài liên quan