Giao Shark Liên làm nhà máy nước sạch Xuân Mai: Dân Hà Nội tiếp tục gánh lãi 1.000 tỷ đồng?

Thứ năm, 21/11/2019, 06:52 AM

Trong khi dư luận tranh cãi về việc giá nước sạch của Nhà máy nước mặt Sông Đuống đắt gấp đôi Sông Đà, trong đó người dân phải chịu lãi vay 2.000 đồng/m3 thì việc Hà Nội tiếp tục giao cho doanh nghiệp của Shark Liên làm nhà máy nước Xuân Mai khiến nhiều người lo ngại đặt câu hỏi liệu rằng người dân có tiếp tục phải gánh lãi vay 1.000 tỷ đồng không?

Lãnh đạo Hà Nội cùng doanh nghiệp kiểm tra tại Nhà máy nước mặt Sông Đuống. (Ảnh: IT).
Lãnh đạo Hà Nội cùng doanh nghiệp kiểm tra tại Nhà máy nước mặt Sông Đuống. (Ảnh: IT).

Dư luận đang bàn tán nhiều đến câu chuyện về giá nước sạch Nhà máy nước mặt Sông Đuống của bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống.

Trong đó, giá nước sạch của Nhà máy nước mặt Sông Đuống (10.246 đồng/m3) cao gấp đôi nước sạch Sông Đà và việc người dân Hà Nội mua nước sạch của Sông Đuống đang phải gánh lãi vay thay doanh nghiệp số tiền là hơn 2.000 đồng/m3 đang trở thành chủ đề gây tranh cãi trong dư luận suốt nhiều ngày qua.

Trong khi những câu hỏi băn khoăn của dư luận về những nghi ngờ TP Hà Nội "ưu ái" cho doanh nghiệp của Shark Liên còn chưa được làm rõ và câu hỏi tại sao TP lại chấp nhận mua nước với giá cao còn chưa có câu trả lời làm thỏa mãn nhiều người dân thì thông tin Công ty Aqua One của Shark Liên lại tiếp tục được TP Hà Nội giao triển khai dự án nước sạch Xuân Mai với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng lại khiến người dân băn khoăn hơn bao giờ hết.

Có hay không việc doanh nghiệp của Shark Liên đang tiến tới con đường thâu tóm thị trường nước sạch ở Hà Nội vào đúng thời điểm nước Sông Đà vừa gặp phải sự cố đổ trộm dầu thải? Và rằng liệu người dân có tiếp tục phải gánh lãi vay ngân hàng cho dự án Nhà máy nước mặt Xuân Mai?

Theo thông tin từ báo chí được biết, Dự án Nhà máy nước mặt Xuân Mai là nhà máy có quy mô cấp nước vùng, với công suất: 600.000 m3/ngày đêm; tổng công suất dự kiến: 900.000 m3/ngày đêm.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.255 tỷ đồng, trong đó vốn của nhà đầu tư là 251 tỷ đồng (chiếm 20% tổng vốn đầu tư), còn 1.004 tỷ đồng là vay.

Shark Liên và câu nói
Shark Liên và câu nói "đầu tư không cần lợi nhuận" bị nhiều người đánh giá là giả tạo.

Theo những chuyên gia kinh tế, việc doanh nghiệp tính chi phí lãi vay vào giá thành sản phẩm là câu chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp đi vay đến 80% và tính lãi vay vào sản phẩm thì là hy hữu, nhất là mặt hàng có tính tối thiểu như nước sạch và câu chuyện giá sản phẩm được đẩy cao gấp đôi thì cũng quá hy hữu.

"Liệu rằng ở dự án nước sạch Xuân Mai người dân có tiếp tục phải gánh phần lãi vay 1.000 tỷ đồng không? Đó là câu hỏi hiện hữu mà chúng ta phải đề cập. Việc doanh nghiệp đi vay là dễ hiểu nhưng chuyện TP duyệt mức giá trên trời để mở đường cho doanh nghiệp đi vay đến 80% và rồi tính lãi vay vào giá thành sản phẩm thì phải đặt câu hỏi?", một chuyên gia kinh tế bày tỏ.

Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng: Dự án Nhà máy nước mặt Xuân Mai tái diễn “kịch bản” như Nhà máy nước mặt sông Đuống khi vốn Công ty Aqua One - Shark Liên chỉ có 20% và 80% là số vốn đi vay.

Như lời Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà khi nói về giá nước sạch của Nhà máy nước Sông Đuống cho biết, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, theo đó là khoảng 2.003 đồng mỗi mét khối nước thì người dân lo ngại việc họ sẽ lại “gánh” lãi vay khi sử dụng nước từ Nhà máy nước sạch Xuân Mai cũng là điều dễ hiểu.

Theo luật sư Hoàng Tùng cho biết, về vấn đề các doanh nghiệp tiến hành vay vốn để thực hiện dự án đầu tư như Công ty Aqua One nên trên là hết sức bình thường. Bởi pháp luật không cấm chủ đầu tư đi vay vốn. Do đó việc công ty Aqua One có đến 80% vốn đầu tư dự án nước sạch Xuân Mai là vốn vay vẫn đúng quy định.

“Việc quyết định giá thành nước sạch là sự thỏa thuận giữa bên bán và bên mua (người dân). Gía thành nước sạch do bên nhà máy nước sạch Xuân Mai đưa ra dựa theo sự tính toán của chủ đầu tư thì số tiền lãi hoàn toàn có thể được đưa vào trong giá thành”, Luật sư Hoàng Tùng nêu ý kiến.

Tuy nhiên, Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, bản chất của sự mua bán nước sạch là một giao dịch dân sự bình thường, các bên có quyền thương lượng về giá cả. Nên thực tế người dân có quyền yêu cầu thỏa thuận về một mức giá hợp lý.

“Trong trường hợp các bên không thống nhất được mức giá thành hợp lý cho đôi bên thì theo quy định sở Tài chính sẽ đứng ra hiệp thương, thống nhất một mức giá cụ thể sao cho phù hợp”, Luật sư Hoàng Tùng phân tích.

Dòng chia sẻ gây tranh cãi trên Facebook Madam Liên.
Dòng chia sẻ gây tranh cãi trên Facebook Madam Liên.

Trước đó, thông tin người dân Hà Nội sử dụng nước của Công ty Nước mặt Sông Đuống phải gánh lãi vay hàng ngàn tỷ đồng khi doanh nghiệp này vay tới 80% trên tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí nhiều ĐBQH cũng bày tỏ sự khó hiểu.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, dịch vụ cung ứng nước sạch là một loại dịch vụ công, nên việc tăng giá cần có lý giải hợp lý và minh bạch thông tin.

"Người dân chỉ biết rằng mỗi khối nước sạch đạt tiêu chuẩn thì hết bao nhiêu tiền và giá đó không thể cao hơn mặt bằng chung. Mặt bằng chung hiện nay, giá nước sạch chỉ 7.000 đồng/m3, mà Nhà máy Nước mặt Sông Đuống lại tăng thêm hơn 3.000 đồng/m3 là quá cao, phải có giải thích hợp lý để người dân giám sát. Nếu tăng thì phải có lý giải thuyết phục và minh bạch", Đại biểu Sinh nói.

Vị ĐBQH cũng đồng thời cho rằng, cần cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về giá nước để làm rõ thông tin, cũng như cách tính giá nước hiện nay. Việc này sẽ góp phần tăng cường sự minh bạch, để nhận được sự tin tưởng, đồng thuận của người dân.

Trước đó, trong các trả lời báo chí, Shark Liên cùng lãnh đạo TP Hà Nội liên tục khẳng định chất lượng nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng cần phải công bố các số liệu thực tế để người dân được biết chứ không thể nói suông.

Một số chuyên gia khẳng định việc kinh doanh nước phải đáp ứng tiêu chuẩn vì thế không thể nói nước đạt chất lượng nên có giá thành cao hơn bởi nếu không đạt chất lượng thì doanh nghiệp không được phép bán.

Link gốc:https://baosuckhoecongdong.vn/giao-shark-lien-lam-nha-may-nuoc-sach-xuan-mai-dan-ha-noi-tiep-tuc-ganh-lai-1-000-ty-dong-142422.html