Số phận Dự án Luật giao thông vừa bị 67% ĐBQH 'nói không' sẽ ra sao?

Thứ tư, 18/11/2020, 06:36 AM

Sau khi bị đa số ĐBQH phản đối, Dự án tách Luật giao thông Đường bộ sẽ được Chính phủ sẽ tiếp thu, chỉnh lý để trình Ủy ban TVQH quyết định xem có đủ điều kiện đưa vào kỳ họp tiếp theo không.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí tại buổi họp báo. (Ảnh: Dân Trí).

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí tại buổi họp báo. (Ảnh: Dân Trí).

Tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp Quốc hội thứ 10, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đây là 2 dự luật mà đa số các ĐBQH không tán thành khi được lấy ý kiến, đồng thời, nhận được nhiều ý kiến trái chiều khi bàn thảo tại tổ cũng như hội trường Quốc hội.

Trước câu hỏi của báo chí về "kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội sẽ quyết định thế nào đến việc trình các dự án luật ở kỳ họp tiếp theo", Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, giữa hai kỳ họp, nếu còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể xin ý kiến đại biểu.

Tiếp theo, Chính phủ sẽ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật trình Ủy ban TVQH quyết định xem có đủ điều kiện đưa vào chương trình ở kỳ họp tiếp theo hay không. Ủy ban TVQH quyết định đưa vào chương trình sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc này. Khi đó, thẩm quyền xem xét, quyết định thuộc về Quốc hội.

Ông Giang cho rằng việc xin ý kiến đại biểu là kênh quan trọng để quyết định có trình luật ra Quốc hội hay không.

Đại diện cơ quan thẩm tra các dự án luật này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Thanh Hồng cũng cho rằng ý kiến đại biểu là cơ sở để các cơ quan tiếp tục hoàn thiện dự án luật giữa hai kỳ họp.

Nếu Ủy ban TVQH xét thấy Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý đạt yêu cầu của đa số đại biểu đặt ra, dự án luật vẫn có thể trình Quốc hội tại kỳ họp tiếp theo. Nếu không đạt sẽ phải rút khỏi chương trình.

Trả lời câu hỏi xoay quanh dự án luật vừa được Quốc hội thảo luận, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá, điều này cho thấy có “cả tiến, cả lùi”. Theo ông Phúc, đây là nội dung liên quan đến vấn đề an ninh trật tự, an toàn giao thông.

“Chúng ta hay các cơ quan Chính phủ rất muốn bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhưng thời gian gấp nên cần thời gian xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. Còn quy trình rất đúng, bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội. Khi ra Quốc hội thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội” - ông Phúc cho biết.

Ý kiến của đại biểu sẽ là cơ sở cho Ban soạn thảo, Chính phủ tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật này. Tổng Thư ký cũng lưu ý, đây mới chỉ là bước cho ý kiến, chưa phải bước thông qua, nên rất cần lấy ý kiến xem xét, đề xuất đại biểu Quốc hội.

Trong phiếu lấy ý kiến, ngoài việc đồng ý hay không đồng ý còn có việc xin ý kiến những vấn đề rất cụ thể. “Chúng tôi chuyển toàn bộ những nội dung này cho Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện”, ông Phúc nói.

Kết quả xin ý kiến về việc có tách thành hai luật hay không, có 110 đại biểu tán thành, tương đương 21,62% tổng số đại biểu Quốc hội. 302 ý kiến không tán thành việc tách luật, tương đương 62,79% tổng số đại biểu Quốc hội.

Nội dung thứ hai được nêu ra trong phiếu xin ý kiến là việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Có 86 phiếu chọn phương án chuyển, chiếm 17,88% tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu chọn phương án “không chuyển” cao hơn: 321 phiếu, tương đương 66,74% tổng số đại biểu Quốc hội.

Nội dung thứ ba được đưa ra lấy phiếu thăm dò là việc chuyển dự thảo luật này sang xem xét tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội nhiệm kỳ sau (khoá XV). Có 251 phiếu xin ý kiến thể hiện quan điểm tán thành phương án này, tương đương 52,18% tổng số đại biểu Quốc hội.

Bài liên quan