Dấu hiệu của một “trạch nữ”

Khoảng vài tháng nay, hàng xóm nhà tôi có khách thuê mới, và dân cư xung quanh vốn vẫn quen với thói sinh hoạt từ thời bao cấp, thích chú ý đến đời sống của cộng đồng xung quanh, đều có một thắc mắc giống nhau: “Thế con bé ấy (khách thuê) làm gì mà nó cả ngày không ra khỏi cửa? Chợ cũng chả đi (nhà cách chợ vài bước chân)”. Gần đây, khi thông tin về vụ giết người đổ bê tông trong thùng nhựa lan tràn trên mạng, các bà già lại đoán: hay nó tu luyện môn phái gì?

Một bác sĩ của Viện tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, gần đây Viện tâm thần đã tiếp nhận một số bệnh nhân được người nhà đưa đến khám với triệu chứng khá giống nhau: cả ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, không ra khỏi cửa, không giao tiếp với người xung quanh, với người nhà cũng ít trao đổi, thời gian chính họ cầm smartphone để lên mạng. Có người một năm không mua quần áo mới, dùng ứng dụng gọi đồ ăn đến tận nhà và sợ hãi khi phải đối mặt với việc đến cơ quan đi làm.

Vị bác sĩ này cũng cho biết, các đối tượng “tự giam mình trong phòng” được đưa đến viện khám chữa có cả nữ và nam. Các bệnh nhân nữ thường nhẹ hơn, trong khi bệnh nhân nam đa số là người nghiện game, cá biệt có người ngồi lâu đến mức cơ thể bị chậm phát triển, 22 tuổi nhưng trông như 14 tuổi.

Trong một diễn đàn truyện ngôn tình, có hẳn một nhóm kín lấy tên “Trạch nữ” gồm gần 5.000 thành viên. Ở đó, họ thoải mái chia sẻ những hình ảnh “căn phòng bừa bộn” của mỗi người. Thậm chí, nhìn vào một góc giường người ta có thể đoán đó là phòng của người bình thường hay trạch nữ, trạch nam.

Triệu Mặc Sênh (nickname) cho biết: “phòng trạch nữ hay trạch nam nhìn chung đều khá giống nhau. Có một cái giường (hoặc đệm), một đống sách và một cái máy tính. Nó na ná giống như căn phòng lý tưởng của Frédéric Beigbeder – một nhà văn đương đại nổi tiếng của Pháp với tuyên ngôn được các trạch lấy làm slogan: “Tôi chỉ thích đọc, viết và làm tình. Vì thế với tôi một căn hộ nhỏ là đủ để sống, với điều kiện nó có một giá sách, một máy vi tính và một cái giường”. Nói là slogan cho sang chứ phải trừ “làm tình” ra vì đa số các trạch đều là “cẩu độc thân” (một thuật ngữ phổ biến của giới trẻ để nói về tình trạng “ế”).

Cũng trong những diễn đàn của người trẻ, cuộc sống của một trạch nữ được tóm lược trong mấy hạng mục cơ bản sau:

1.Đọc tiểu thuyết online

2. Xem phim chuyển thể

3. Ngủ.

4. Đọc tiểu thuyết (bản in). Riêng trong hạng mục sách in này của các trạch cũng có những điều khác thường. Trạch nữ hầu như chỉ đọc tiểu thuyết, không có các loại sách khác. Kèm theo với thói quen này, có đến hàng chục các trang “Trao đổi, mua bán, thanh lý tiểu thuyết” hoạt động vô cùng sôi nổi.

Ba tháng không ra phố

12b_bqww.pngInternet và những dịch vụ “đến tận nhà” tạo điều kiện cho lối sống này lan rộng.

Trong vai một trạch nữ, tôi được chấp nhận vào nhóm kín của các trạch, nhưng cũng phải đến cả tháng sau một số người mới trả lời tin nhắn làm quen với lý do “trao đổi, giới thiệu truyện” của tôi. “Các trạch đều rất lười” – một tuyên ngôn khác của nhóm này.

“Nhóc Miko” (nickname) kể rằng, cô tốt nghiệp Đại học Thủy lợi và đi làm được ba năm, trung bình nửa năm nhảy việc một lần. Sau đó, cô bỏ việc ở nhà cho đến nay.

“Nhóc Miko” sống bằng tiền edit những tác phẩm ngôn tình Trung Quốc (dịch phóng từ bản google dịch) và chăm fanpage thuê. Trung bình một tháng cô kiếm được khoảng 4 triệu. “Rất đủ sống, thậm chí có thể làm giàu, vì tớ có tiêu gì đâu ngoài tiền đặt Grabfood. Mà đặt nhiều nên tuần nào cũng có mã giảm giá”, cô khoe.

Thời gian cao điểm, ba tháng “Nhóc Miko” không ra phố.

Được sự cho phép của cựu bệnh nhân Nguyễn Huy Hoàng (tốt nghiệp ĐH Bách khoa), tiến sĩ Nguyễn Mai Hoa kể: “Hoàng được mẹ dẫn đến chỗ tôi xin tư vấn tâm lý sau ba năm chỉ ở nhà. Khi đó cậu làm thiết kế và cứu chữa dữ liệu. Cả ngày Hoàng không ra khỏi phòng. Số lần cậu ra ngoài trong một năm có thể đếm trên đầu ngón tay, trong đó đa phần là để đi cắt tóc.

Gia đình nhiều lần phản đối, cộng với việc Hoàng quen một cô gái trên mạng nên cậu đồng ý tìm công ty để xin việc. Vì không có các quan hệ xã hội, lại thiếu kỹ năng giao tiếp, Hoàng gặp nhiều khó khăn khi tái hòa nhập cộng đồng. Mất gần một năm điều trị cậu mới trở lại bình thường”.

Trong cộng đồng trạch nữ, Dạ Miên là một gương mặt nổi tiếng bởi khả năng hài hước của cô. Miên kinh doanh online nhưng chỉ tập trung vào những sản phẩm “chỉ dành cho trạch” như: bookmart, lương khô, đèn đọc chuyên dụng, sạc dự phòng v.v... Cô có một đội xe ôm quen chuyên đi ship hàng và nhận hàng từ Quảng Châu gửi về. Miên kể, cô bắt đầu cuộc sống trạch nữ sau khi thất tình. “Chỉ ở nhà loanh quanh với mình, không phiền ai, cũng không bị ai làm phiền. Sáng ra không phải đau đầu hôm nay mặc gì? Giày cao gót vứt mốc. Lâu rồi quen, chỉ là ngày càng lười hơn. Nếu có thể ngồi thì không đứng”. Năm nay Miên 26 tuổi, cô kết luận: “Một trong những điều tuyệt nhất của cuộc sống trạch nữ là tôi ít khi phải đối mặt với những xoi mói kiểu như: Lấy chồng đi chứ! Bao giờ cho ăn cỗ đây?”.

Khác với những “Hikikomori” - là một thuật ngữ phổ biến tại Nhật Bản gọi những người tự giam mình trong phòng, không chịu ra ngoài và tham gia các hoạt động đời sống xã hội và gia đình trong thời gian ít nhất là 6 tháng, các trạch nữ Việt Nam hầu hết đều tự nuôi sống mình bằng những công việc không phải giao tiếp trực tiếp. Số tiền họ kiếm được hàng tháng không cao, “nhưng đủ cho cuộc sống không mua sắm, chỉ phải trả tiền ăn, tiền điện nước” như lời giải thích của Dạ Miên.

Hiện tượng xã hội?

Mới đây, trong chương trình “Bạn muốn hẹn hò” số 207, Nguyễn Thị Ngọc Oanh (28 tuổi, kinh doanh online, hiện sống tại TP. Hồ Chí Minh) tự xưng là “trạch nữ” đã tình nguyện đăng ký tìm bạn trai chỉ vì “đã chán một mình”. Ngọc Oanh khiến khán giả ngạc nhiên khi ở tuổi 28 nhưng vẫn chưa một lần yêu. Lý giải về điều này, Oanh chia sẻ: “Em chỉ đi giao hàng rồi về nhà ôm máy tính chứ không giao tiếp bên ngoài”. Đây có thể coi là trạch nữ hiếm hoi công khai danh tính và tự giác tìm cơ hội hòa nhập.

12c_lqkj.jpg
Không gian sống điển hình của một Hikikomori. 

“Mình thích thì mình sống thôi. Không lộ mặt làm gì, họ hàng lại ồ à đồn đoán. Lúc nào chán sẽ tự đi ra ngoài.” Nguyễn Hoài Thu, thâm niên làm trạch nữ hai năm chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Mai Hoa cho rằng, lối sống “trạch nữ” có nhiều nét tương đồng với lối sống Hikikomori ở Nhật. Hiện nay, thanh niên các nước châu Á đang ngày càng có xu hướng ở nhà, tránh giao tiếp, điều này liên quan trực tiếp tới hiện tượng nghiện internet. Ở Hàn Quốc đã có những trung tâm cai nghiện internet cho thanh thiếu niên để đưa họ trở lại hoà nhập với xã hội.

Chị Hoa cũng khẳng định, đây không phải chứng tự bế, không phải bệnh lý, nó chỉ là một hiện tượng xã hội, nó xảy ra khi tốc độ cuộc sống quá nhanh, mọi người trượt qua nhau và người ta không có cảm giác an toàn trong những mối quan hệ xã giao, không đi vào thực chất. Nó là một vướng mắc về tâm lý. “Cho nên khi điều trị cho các trạch nữ, trạch nam tôi đều không dùng thuốc. Chỉ là trò chuyện, lắng nghe và giải đáp những thắc mắc cho các bạn. Rất nhiều bạn tình nguyện bước chân ra khỏi nhà, để hòa nhập xã hội. Có những bạn từ chối, cho rằng, sống trong phòng dễ chịu hơn”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Maika Elan từng có thời gian gần nửa năm sinh sống tại Nhật để làm dự án về các Hikikomori nhận xét: “Trong khi ngoài kia có quá nhiều người sống chết vì công việc và coi làm việc là điều duy nhất để tồn tại thì những Hikikomori như một cách để kéo nước Nhật về sự cân bằng. Khi tôi hỏi rằng nếu được quay ngược thời gian và có muốn trở thành Hikikomori, họ có muốn sống như vậy nữa không? Các bạn bảo rằng vẫn muốn sống như vậy bởi vì đấy là điều cần thiết để họ cân bằng cuộc sống”.

Rất nhiều “trạch nữ” cũng nói với tôi, họ cần khoảng thời gian một mình ấy để “hưởng thụ, từ chối vướng bận”. “Một năm, hai năm, cũng có thể là mười năm nữa mình sẽ lấy chồng, đi làm, sinh con. Nhưng mà phải là lúc cảm thấy thật cần những việc ấy mới làm như thế. Còn bây giờ, một mình đang ổn, hơn nữa cũng chả phiền hại đến ai” Dạ Miên cho biết.

 

Bất ngờ với chiếc nón làm từ lá bàng rừng

Một người đàn ông ở mảnh đất Cố đô Huế gây tò mò cho biết bao người xem khi chứng kiến những chiếc nón xinh xắn được làm từ lá bàng rừng.