Sốt xuất huyết dễ bùng phát sau mưa lũ

Thứ năm, 23/07/2020, 05:59 AM

Cùng với các bệnh phổ biến khác như tả, lỵ, đau mắt đỏ, cảm cúm… thì bệnh sốt xuất huyết với hội chứng viêm long, thường biểu hiện sốt cao liên tục khó hạ sốt rất dễ bùng phát trong và sau mưa bão, lũ lụt.

Sau mưa lũ ở Hà Giang người dân phải đối mặt với nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết. Ảnh QĐND

Sau mưa lũ ở Hà Giang người dân phải đối mặt với nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết. Ảnh QĐND

Sau những trận lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi rác, chất thải sẽ theo dòng nước gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh ở mức cao. Đáng nói, bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Sốt xuất huyết là gì?

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là loại bệnh mắc phải khi nhiễm virus Dengue do muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn truyền nhiễm cho. Virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 tuýp D1, D2, D3, D4. Khi mắc bệnh thì cơ thể có miễn dịch với tuýp virus đó nhưng không đủ miễn dịch để phòng tất cả các tuýp virus khác. Vì vậy, về lý thuyết một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều lần. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp sốt xuất huyết vào nhóm những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần được quan tâm.

Triệu chứng bệnh

Ở thể bệnh nhẹ người mắc xuất hiện các triệu chứng như sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu. Ngoài ra, có thể có nổi mẩn, phát ban.

Đối với người lớn triệu chứng thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.

Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi). Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp có thể bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc.  

Sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh, chủ yếu phòng bệnh bằng cách diệt muỗi.

Sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh, chủ yếu phòng bệnh bằng cách diệt muỗi.

2 biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết

Hạ tiểu cầu: Biến chứng hạ tiểu cầu không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì. Do đó, nhiều người khỏe mạnh chủ quan, không theo dõi cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt.

Cô đặc máu: biến chứng cô đặc máu có liên quan nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì, thường kéo dài 24 - 48 giờ.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người cần các biện pháp sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

 6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Bài liên quan