Sốt xuất huyết khiến 50 người tử vong, nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng

Thứ tư, 30/10/2019, 15:46 PM

Hiện nay trên 63 tỉnh thành phố đều có bệnh nhân sốt xuất huyết, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn do muỗi truyền bệnh có ở khắp nơi.

sot-xuat-huyet-khien-50-nguoi-tu-vong-nguy-co-bung-phat-dich-tren-dien-rong
Nguy cơ bùng phát dịch khi số ca mắc sốt xuất huyết năm 2019 cao gấp 3 lần 2018.

Trong thời gian dài phòng chống bệnh sốt xuất huyết từ đầu năm tới nay, số ca mắc không những không giảm mà tình hình bệnh đang có triều hướng phức tạp. vào sáng nay (30/10) ThS.BS Phạm Hùng - Trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 27/10, cả nước có khoảng 200.000 ca mắc sốt xuất huyết, 50 trường hợp tử vong.Dịch sốt xuất huyết đã chững lại nhưng số mắc vẫn rất cao, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Hiện, 63 tỉnh thành phố đều có bệnh nhân sốt xuất huyết, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn do muỗi truyền bệnh có ở khắp nơi.

Tuy nhiên theo ThS.BS Phạm Hùng nhận định trình độ kinh nghiệm và khả năng điều trị của các bác sĩ là rất cao nên số ca tử vong của Việt Nam trong khu vực thuộc nhóm thấp. 

So sánh với nước láng giềng Philippines có số dân tương đương với Việt Nam đã ghi nhận gần 400.000 ca bệnh sốt xuất huyết từ đầu năm 2019 đến nay, với gần 2 nghìn ca tử vong.

Vị Trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế) cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến số ca tử vong và mắc dịch cao như vậy là do tâm lý chưa biết sợ căn bệnh này, cho đến nay sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.

sot-xuat-huyet-khien-50-nguoi-tu-vong-nguy-co-bung-phat-dich-tren-dien-rong
Lực lượng phun mù nóng chống muỗi mang virut gây bệnh sốt xuất huyết. (Ảnh Chí Hiếu)

Về điều trị bệnh sốt xuất huyết, ông Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đa số bệnh nhân sốt xuất huyết không có biến chứng nặng song một số trường hợp hiếm gặp là xuất huyết não.

Do vậy, nếu bệnh nhân không có dấu hiệu nặng thì có thể theo dõi cho điều trị ngoại trú, mỗi ngày tái khám tại các phòng khám hoặc bệnh viện. Còn nếu bệnh nhân có những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết, hoặc các trường hợp có nguy cơ cao thì mới nhập viện.

Bên cạnh đó, ông Kính cảnh báo, thực tế cho thấy có một số bệnh nhi khi nhập viện đã bị sốc sốt xuất huyết rất sâu, khiến cho công tác điều trị rất khó khăn. Vì vậy, cần phải có sự chẩn đoán bệnh sớm, để có chiến lược theo dõi đúng và kịp thời. Thông thường, trẻ bị sốc là do máu cô đặc quá, nên phụ huynh không được tự ý điều trị cho trẻ, mà cần đưa đến các cơ sở y tế để được theo dõi.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, vừa qua Bộ Y tế đã chỉ đạo thành lập 8 đoàn kiểm tra, giám sát và chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại 20 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đại diện Cục Y tế dự phòng khuyến cáo cách duy nhất giảm nguy cơ bùng phát bệnh là diệt các ổ bọ gậy. "Các đoàn công tác của chúng tôi tỏa đi khắp cả nước, nhất là ở những vùng trọng điểm, đôn đốc công tác phòng chống dịch. Đến nay, dịch sốt xuất huyết đã chững lại nhưng số mắc vẫn rất cao, cao gấp 3 lần năm 2018, chúng tôi rất lo ngại", ông Hùng cho hay.