Status hay ngày 24/2: Y tế - Cần một sự công bằng

Thứ bảy, 24/02/2018, 06:44 AM

Status hay ngày 24/2 xin giới thiệu tới bạn đọc một bài viết với nhiều số liệu thú vị và các vấn đề 'nóng' của y tế Việt Nam của tác giả Lương Tân Hương trên trang Facebook cá nhân Lương Hương.

status-hay-ngay-242-y-te-can-mot-su-cong-bang
Status hay ngày 24/2: Y tế - Cần một sự công bằng. Ảnh minh họa

Trong khi dư luận còn tranh cãi khá nhiều xung quanh các vấn đề như nạn hành hung nhân viên y tế, thái độ của các y-bác sĩ, chuyện 'đòi' phong bao bệnh nhân... thì trên trang cá nhân của mình, nhà báo Lương Tân Hương lại chia sẻ một bài viết với nhiều số liệu, cùng thái độ rõ ràng khi nhìn về ngành y: Y TẾ - CẦN MỘT SỰ CÔNG BẰNG. Status hay ngày 24/2 xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc toàn bộ bài viết.

Y TẾ - CẦN MỘT SỰ CÔNG BẰNG

Sắp sửa đến ngày 27/2 - Ngày thầy thuốc Việt Nam - Ngày mà người ta vẫn gọi là để "tôn vinh những thiên thần áo trắng làm nhiệm vụ cứu người".

Nhưng,

Chỉ trong vòng 10 tháng qua, đã có tới 9 vụ nhân viên y tế bị hành hung, tỷ lệ nhiều gấp 3 lần so với giai đoạn 2010-2017 (theo thống kê của bác sĩ Truong Hong Son - Phó Tổng thư ký Tổng hội y học Việt Nam). Trong đó có những vụ rất đau đớn và khiến những người có lương tri không khỏi xót xa:

- Ngày 29/4/ 2017: sinh viên thực tập tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên bị người nhà bệnh nhân đấm liên tiếp vào mặt khi đang chuyển bệnh nhân bị tai nạn đi chiếu chụp.

- Ngày 19/ 6 tại bệnh viện y học thể thao: Bác sĩ Phạm Đình Vinh bị 2 người đàn ông lao vào đấm, đá liên tục. Sau đó, hai đối tượng này kéo bác sĩ Vinh vào phòng khám tiếp tục hành hung và bắt bác sĩ quỳ xuống xin lỗi. 

- Ngày 23/ 10/ 2017, Bác sỹ Trần Thanh Sơn đang làm nhiệm vụ cấp cứu tại bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) đã bị người nhà bệnh nhân xông vào đánh, khiến bác sỹ Sơn bị bất tỉnh, chảy máu vùng mặt và phải cấp cứu.

- Tối ngày 25/ 12/ 2017 bác sỹ Đỗ Chính Nghĩa – Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình trong khi làm nhiệm vụ cấp cứu bệnh nhân vụ tai nạn giao thông tại huyện Đông Hưng – tỉnh Thái Bình đã bị người nhà bệnh nhân đấm liên tục vào mắt làm gãy xương sống mũi, xước giác mạc, chấn thương sưng nề mặt vùng mắt trái, vùng trán.

- Ngày 20/ 2/ 2018, Hai bác sỹ Phạm Hải Ninh và Hoàng Đức Trung của bệnh viện Sản Nhi Yên Bái sau khi làm nhiệm vụ phẫu thuật lấy thai cho bệnh nhân đã bị chính chồng của sản phụ và người nhà hành hung dã man và có tổ chức, gây thương tích nặng.

Họ có xứng đáng bị đối xử như thế không? Dù rằng đó là những trường hợp đặc biệt và cá biệt nhưng không thể phủ nhận một điều: Sự thiếu tử tế đối với những người làm nghề y đang nhiều lên một cách đáng báo động.

Nhưng sau từng đó sự kiện, các y bác sĩ ở Việt Nam đã được "tăng cường bảo vệ" như thế nào?

Hỏi đã là trả lời.

status-hay-ngay-242-y-te-can-mot-su-cong-bang

Nhà báo Lương Tân Hương được biết tới là một cây viết quốc tế sắc sảo của báo điện tử Infonet. Trên mạng xã hội, anh cũng thường thể hiện quan điểm của cá nhân mình trong những status nhạy bén, có chiều sâu và cái nhìn đa chiều về các vấn đề đang thời sự nhất.

Nhưng chưa hết, ngành y ở Việt Nam còn bị xã hội này định kiến một cách rất bất công: Việc cứu chữa, chăm sóc sức khoẻ, điều trị cho bệnh nhân phải có chi phí thật rẻ, thậm chí là phải miễn phí. Bác sĩ chữa bệnh là phải luôn luôn vui vẻ, tươi cười như hoa, coi bệnh nhân là báu vật của đời và phải kính cẩn dạ thưa như với bố mẹ mình ở nhà.

Cách đây mấy hôm, một cô bạn bác sĩ của tôi lên facebook than nhẹ: Một buổi chiều với 91 bệnh nhân. Thú thực, tôi hình dung với bản thân tôi, cho bắt tay 91 người trong 1 buổi chiều tôi đã ngất ra đấy rồi chứ đừng nói là thăm khám, kê đơn, tư vấn, điều trị cho 91 bệnh nhân.

Vậy ai có thể tiếp 91 bệnh nhân mà vẫn tươi tỉnh, cười như hoa?

Hỏi đã là trả lời.

Mới đây, tờ Tuổi trẻ đăng bài về khảo sát của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng dù đã tăng giá dịch vụ y tế trong năm 2017 nhưng đến nay, chất lượng dịch vụ y tế vẫn "giậm chân tại chỗ".

Và cơn bão chỉ trích lại tiếp tục đổ vào Bộ Y tế và những y bác sĩ với hầu hết lập luận cho rằng "ngành y là bọn chuyên hút máu, chỉ nhăm nhăm tìm cách tăng viện phí chứ chả làm được gì".

OK, fine. Để cho công bằng tôi đi tìm những số liệu về mức chi cho lĩnh vực y tế của Việt Nam trong năm qua.

Theo số liệu của Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tổng chi ngân sách cho lĩnh vực y tế, dân số và gia đình trong năm 2018 sẽ là 17.800 tỷ đồng. Làm một phép tính đơn giản là chia số tiền này cho 96 triệu dân bất kể nam phụ lão ấu, người ta được con số là 185.416,7 đồng. Đây là con số giả dụ là được chi toàn bộ cho công tác chăm sóc sức khoẻ, bỏ qua lĩnh vực dân số và gia đình. (Link: http://datafile.chinhphu.vn/files/dlt/2018/01/PL.pdf)

Điều này có nghĩa là gì? Là mỗi người dân sẽ được chính phủ cấp cho số tiền là 185.416 đồng cho việc đến bệnh viện trong cả 1 năm, bất kể bệnh nặng hay nhẹ, bất kể số lần đến bệnh viện là bao nhiêu. Hãy thử nhớ lại, lần gần đây nhất anh/chị bị cảm cúm và mua thuốc hết bao nhiêu tiền? Có hết số tiền hơn 185k này không?Nếu không có viện phí (đóng góp của người dân) thì các bác sĩ Việt Nam sẽ sống kiểu gì đây thưa các anh/chị - những người đang ra sức rủa xả ngành y và không quên kéo cả cá nhân bà Bộ trưởng Y tế vào.

Giờ thử tham khảo số liệu của nước ngoài nhé.

Theo báo cáo của cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ (CIA) được đăng tải công khai trên Internet với tên gọi: CIA World Factbook (https://www.cia.gov/…/publi…/the-world-factbook/geos/vm.html) thì tổng thu GDP của VN năm 2017 là khoảng 216 tỷ USD, trong đó chi cho lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ là khoảng 7,1% GDP.

Như vậy, mỗi năm VN chi khoảng 15,33 tỷ USD cho lĩnh vực y tế hay trung bình mỗi người dân được thụ hưởng 159,7 USD (khoảng 3,6 triệu đồng). Số tiền này được chi cho tất cả các khoản như đầu tư (mua máy móc), đào tạo, khám chữa bệnh, xây dựng cơ sở vật chất (xây trạm y tế, mua giường bệnh, xây bệnh viện...).

Mức chi này bằng 1/10 của Thái Lan và bằng 1/20 của Singapore, thưa các anh chị.

Với nguồn ngân sách như thế, y tế Việt Nam đã làm được những gì? Cái này mời các anh chị đi hỏi Google hộ tôi kẻo lại bảo tôi PR cho Bộ Y tế. Tôi chỉ kể đơn giản mấy ví dụ thế này:

Năm 2003, khi toàn cầu run rẩy trước đại dịch SARS thì Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công và có phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho căn bệnh này. 

Năm 2010, VN là quốc gia đầu tiên của Khu vực Tây Thái Bình Dương thanh toán được bệnh bại liệt. Năm 2013, Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận đạt các năng lực cốt lõi của Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR). 

Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia trên thế giới được Chính phủ Hoa Kỳ chọn thí điểm tham gia Mạng lưới an ninh y tế toàn cầu. 

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có khả năng thực hiện những kỹ thuật y tế kỹ thuật cao và cực khó như ghép tạng (tim, gan, phổi, ung bướu, nội soi, tách song sinh, tế bào gốc, ứng dụng robot trong phẫu thuật...) và các bác sĩ VN vẫn luôn luôn được đồng nghiệp trên thế giới kính nể vì tay nghề cực giỏi.

Ấy vậy mà họ vẫn tiếp tục được người nhà bệnh nhân hành hung đều đặn và được xã hội 'lên đồng' rủa xả thường xuyên. Thật là hân hạnh.

Chúc mừng các thầy thuốc nhân ngày 27/2.

 

Status hay ngày 23/2: Đức Phật không phải là vị thần linh

Status hay ngày 23/2 xin giới thiệu một bài viết khác, một quan điểm khác nữa về câu chuyện tâm linh và tín ngưỡng của người dân Việt Nam từ Hoàng Anh Sướng - tác giả cuốn "Bùa ngải xứ Mường".

 

Status hay ngày 22/2: Đi chùa làm gì?

Mùa lễ hội, mùa đi đền chùa trong tháng Giêng đang diễn ra. Người Việt nô nức rủ nhau đi đền đi chùa, với hai mục đích chính là đi lễ cầu an cầu may và đi hội trong "tháng ăn chơi". Tuy nhiên, ngày nay, việc đi chùa, đi đền đã biến tướng với nhiều suy nghĩ sai lệch. Ban biên tập xin gửi tới độc giả những suy ngẫm của nhà báo Phạm Ngọc Dương trên trang cá nhân, quanh câu chuyện "Đi chùa làm gì?"