Sự thật trạm thu phí BOT là 'mua hàng trả góp'

Thứ năm, 22/02/2018, 05:51 AM

Cụm từ BOT, trạm thu phí BOT được dư luận, báo chí và truyền thông nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Vậy sự thật BOT giao thông, trạm thu phí BOT giao thông là gì?

su-that-tram-thu-phi-bot-la-gi
Dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 6 một trong rất nhiều dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT bị dư luận người dân phản ứng khi mới đưa vào thu phí - ảnh: H.Lực

Vì sao có trạm thu phí BOT

BOT giao thông, trạm thu phí BOT được nhắc đến nhiều thời gian qua, thuật ngữ BOT là viết tắt của cụm từ (Build – Operate - Transfer) hay còn gọi là Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao trong kinh tế.

Theo Khoản 3, Điều 3, Nghị định 30 về Đầu tư theo hình thức Đối tác Công tư Hợp đồng thì Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hình thức đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT ở nước ta chủ yếu áp dụng trên lĩnh vực giao thông đường bộ, nhằm huy động nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Phát triển giao thông theo hình thức BOT là chủ trương đúng đắn được thực hiện thành công ở nhiều quốc gia.

Thay vì nhà nước phải bỏ vốn ngân sách để xây dựng, nâng cấp các tuyến đường, bằng hợp đồng BOT ký với doanh nghiệp, tuyến đường sẽ được doanh nghiệp đầu tư, xây dựng. Sau khi hoàn thành để hoàn vốn, doanh nghiệp được phép lập trạm thu phí tiến hành thu phí phương tiện đi trên tuyến đường đó. Chỉ đến khi thu phí đủ hoàn vốn, doanh nghiệp mới bàn giao tuyến đường cho nhà nước quản lý.

su-that-tram-thu-phi-bot-la-gi
Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ từng gây bức xúc khi mức thu phí thực tế cao hơn mức báo cáo. Ảnh: Tạ Tôn

BOT giao thông mang lại lợi ích lớn giúp giảm chi phí đầu tư công từ ngân sách cho các dự án nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đường. Chính vì thế trong 5 năm  2011-2015, Bộ Giao thông vận tải đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT.

Trong đó đã hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác 26 dự án với tổng mức đầu tư 74.806 tỷ đồng, chưa kể 18 dự án với tổng mức đầu tư 37.212 tỷ đồng được đưa vào khai thác trong giai đoạn 2011-2015. Ngành Giao thông vận tải cũng đang triển khai đầu tư 36 dự án khác với tổng mức đầu tư 111.854 tỷ đồng.

Phát triển với số lượng ồ ạt, hình thức đầu tư BOT áp dụng tràn lan từ đầu tư xây dựng tuyến đường mới, đến nâng cấp mở rộng tuyến đường cũ. Doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư, quyền lợi được hưởng chính là được đặt trạm thu phí thực hiện thu phí.

Mục đích thu phí để hoàn vốn đầu tư cho tuyến đường, nói nôm na đóng phí BOT giao thông giống như hình thức mua hàng – trả góp, có nghĩa doanh nghiệp ứng tiền ra trước làm đường sau đó người dân di chuyển trên tuyến đường đó phải đóng phí. Trong mức phí đó doanh nghiệp đã hưởng lợi nhuận. Việc thu phí chỉ dừng lại khi doanh nghiệp thu đủ số tiền bỏ ra đầu tư. Khi hết thời hạn thì lúc đó nhà đầu tư mới chuyển giao cho nhà nước quản lý.

Về nguyên tắc trạm thu phí BOT giao thông được xây dựng với chức năng thu phí đường bộ của các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường đó. Số tiền thu được từ người tham gia giao thông sẽ được dùng vào việc chi trả, bảo trì và nâng cấp các tuyến đường. Hiện nay, mức tiền thu phí được nhà nước quy định và điều chỉnh theo từng thời điểm, từng loại hình phương tiện và từng tuyến đường khác nhau.

Mức thu phí tại các trạm BOT được quy định theo thông tư số 159/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ. Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh. Đối với các dự án đầu tư khác thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính (đối với đường quốc lộ) hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (đối với đường địa phương).

Xe biển xanh, biển đỏ được miễn phí

Đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ bao gồm: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

Các trường hợp được miễn phí bao gồm: Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh gồm: xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, xe chở lực lượng vũ trang đang hành quân.

Ngoài ra, đối với xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng còn bao gồm các phương tiện cơ giới đường bộ mang biển số: Nền màu đỏ, chữ và số màu trắng dập chìm (dưới đây gọi chung là biển số màu đỏ) có gắn các thiết bị chuyên dụng cho quốc phòng (không phải là xe vận tải thùng rỗng) như: công trình xa, cẩu nâng, téc, tổ máy phát điện. Riêng xe chở lực lượng vũ trang đang hành quân được hiểu là xe ô tô chở người có từ 12 chỗ ngồi trở lên, xe ô tô tải có mui che và được lắp đặt ghế ngồi trong thùng xe, mang biển số màu đỏ (không phân biệt có chở quân hay không chở quân). Xe chuyên dùng phục vụ an ninh của các lực lượng công an (Bộ Công an, Công an tỉnh, thành phố, Công an quận, huyện).

su-that-tram-thu-phi-bot-la-gi
Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng được miễn phí BOT. Ảnh Báo QĐND

Xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng sử dụng vé “Phí đường bộ toàn quốc” được quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính không phải nộp phí khi qua trạm thu phí.

Ngoài ra đoàn xe có xe hộ tống, dẫn đường cũng được miễn phí BOT.

Bên cạnh đó xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm;

Xe cứu thương, bao gồm cả các loại xe khác chở người bị tai nạn đến nơi cấp cứu; Xe cứu hỏa; Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp gồm: máy cày, máy bừa, máy xới, máy làm cỏ, máy tuốt lúa; Xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ khẩn cấp về chống lụt bão; Đoàn xe đưa tang cũng được miễn phí

Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe hai bánh gắn máy, xe ba bánh gắn máy được miễn phí sử dụng cầu, đường bộ quốc lộ đầu tư theo hình thức BOT.

Nút thắt chưa được giải quyết

Chủ trương đầu tư BOT giao thông đúng đắn nhưng do thiếu giám sát trong việc thực hiện dẫn đến việc đưa hình thức BOT áp dụng một cách tràn làn trên hầu hết các tuyến giao thông đang khiến người dân “nghẹt thở” vì phí. Từ đó đưa đến người dân bức xúc, từ bức xúc dẫn đến phản ứng tiêu cực.

Ngay tại TP Hà Nội, theo tìm hiểu của phóng viên hầu hết các tuyến quốc lộ đi các địa phương đều được nâng cấp, mở rộng bằng hình thức BOT. Lẽ tất nhiên khi những dự án này hoàn thành, chủ đầu tư dựng trạm thu phí.

Hiện tại có tới 8 tuyến đường huyết mạch chính nối Hà Nội đi các tỉnh được cải tạo nâng cấp theo hình thức BOT. Trong đó ngoại trừ cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội – Thái Nguyên là được xây mới hoàn toàn còn lại đều được cải tạo từ đường quốc lộ.

Trong đó có nhiều tuyến quốc lộ khi triển khai theo hình thức BOT gây bức xúc dư luận điển hình như việc đặt trạm thu phí hoàn vốn dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 6. Trạm thu phí cao tốc Hà Nội – Bắc Giang (được nâng cấp từ Quốc lộ 1), trạm thu phí để thu phí hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ở quốc lộ 5, trạm thu phí BOT cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (vốn là tuyến đường Quốc lộ 1 được nhà nước đầu tư xây dựng cách đây hơn 10 năm).

TS Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia nghiên cứu giao thông đô thị cho rằng, hình thức kêu gọi BOT giao thông thời gian qua áp dụng tràn lan, phát triển thiếu quản lý, thiếu nguyên tắc và quy hoạch.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy người dân có quyền đi lại. Nếu BOT tất cả, người dân đi bằng gì? Như vậy có nghĩa chúng ta thương mại hóa đường giao thông. Không thể bắt người dân đi đâu cũng phải đóng phí.

“Cái thiếu hiệu nay là không có nguyên tắc đường nào được làm BOT. Đáng lẽ phải có nguyên tắc chỉ rõ đường nào được làm BOT, đường nào không, thậm chí phải được Quốc hội thông qua.

Ví dụ, trên một hướng đi nếu có hai đường trở lên thì làm đường BOT để người dân được lựa chọn đi đường BOT hay không, chứ không phải làm BOT trên tuyến đường độc đạo rồi bắt buộc người dân phải đi”, TS Thủy nhấn mạnh.

Bên cạnh nguyên tắc đầu tư BOT, điều khiến dư luận bức xúc chính là vị trí đặt trạm thu phí. Người dân đồng ý nguyên tắc đã đi đường BOT phải đóng phí. Nhưng phải phân tác mức phí BOT cho đường mới và đường nâng cấp sửa chữa.

Thực tế vị trí đặt trạm thu phí BOT hiện nay thiếu minh bạch nhằm mục đích tận thu, thu phí cả xe không đi trên đường BOT hoặc thu phí kiểu bình quân, có nghĩa thu phí trên đường BOT nâng cấp sửa chữa với đường BOT mới như nhau.

 

Bộ GTVT bác phương án miễn giảm phí ở BOT Ninh An

Chủ đầu tư BOT Ninh An xác nhận phương án miễn, giảm phí qua trạm đã bị Bộ GTVT bác bỏ. Trong khi đó, các tài xế lại gây áp lực, buộc BOT Ninh An xả trạm.

 

Bộ trưởng GTVT ra 'tối hậu thư' cho nhà đầu tư BOT QL6

Trong vòng 10 ngày (tính từ ngày 31/1), các nhà đầu tư không đóng đủ 100% vốn chủ sở hữu, Bộ GTVT sẽ hủy hợp đồng BOT tại dự án BOT QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình.

 

Bột ớt vẫn bày bán đầy chợ Đồng Xuân, hỏi giấy tờ thì không ai có!

Sau kết luận thông tin 100% bột ớt nhiễm nấm Aflatoxin (loại nấm có thể gây ung thư gan), tại các quầy hàng khô, bột ớt vẫn được các tiểu thương bày bán tràn lan dù không có giấy tờ đảm bảo thực phẩm đạt chuẩn.