Sự thật về đảo Gạc Ma: Cuộc thảm sát đau thương nguyên vẹn sau 31 năm

Thứ ba, 12/03/2019, 14:49 PM

Người dân Việt Nam sẽ luôn ghi nhớ sự thật về đảo Gạc Ma hay vụ thảm sát Gạc Ma đã diễn ra ngày 14/3/1988. Đó là ngày 64 chiến sĩ của chúng ta đã hy sinh.

Sự thật về đảo Gạc Ma
Người dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự thật về đảo Gạc Ma hay vụ thảm sát Gạc Ma đã diễn ra ngày 14/3/1988. Bức tranh vẽ các chiến sĩ Việt Nam quyết tâm bảo vệ lá cờ của tổ quốc.

Sự thật về đảo Gạc Ma

Ngày 14/3/1988, Trung Quốc xua quân tấn công các chiến sĩ công binh của Việt Nam tại khu vực Trường Sa. Cách gọi “hải chiến Trường Sa” được cho là mô tả không chính xác sự thật về đảo Gạc Ma vào ngày hôm đó.

Trung Quốc dùng hải quân trang bị vũ khí tấn công, gồm cả pháo tầm xa, còn các chiến sĩ công binh của ta chỉ có vũ khí bộ binh phòng vệ.

Do vậy, miêu tả đúng nhất sự thật về đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 là hải quân Trung Quốc đã gây ra một cuộc thảm sát những người lính công binh Việt Nam. 64 chiến sĩ của chúng ta đã ra đi mãi mãi.

31 năm đã qua đi nhưng nỗi đau, mất mát vẫn còn đó.

Bối cảnh diễn ra thảm sát Gạc Ma

Đầu năm 1988, sau khi chiếm giữ trái phép các bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Tư Nghĩa (Huy Gơ), Ga Ven và Xu Bi, quân Trung Quốc chuẩn bị thôn tính ba bãi cạn Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.

Đầu tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc triển khai lực lượng xuống quần đảo Trường Sa. Số lượng tàu thường trực ở đây không ngừng tăng.

Ngày 9/1/1988, Đảng ủy Quân chủng đã họp khẩn cấp và một chiến dịch mang mật danh CQ-88 đã được khẩn trương triển khai để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trung Quốc đã chọn thời điểm Việt Nam đang khó khăn nhất để ra tay.

Khi đó đất nước vừa mới thống nhất, khó khăn chồng chất, vừa phải đối đầu với quân Khmer đỏ khi chúng tấn công biên giới Tây Nam, cũng như vừa bảo vệ tổ quốc ở biên giới phía Bắc.

Việt Nam cũng đang gần như bị cô lập do các lệnh cấm vận của Mỹ.

Dù khi đó, vụ thảm sát Gạc Ma không được dư luận thế giới quan tâm nhưng sự thật về đảo Gạc Ma, sự hy sinh của 64 chiến sĩ sẽ luôn được người Việt Nam ghi nhớ.

Diễn biến của trận Gạc Ma

Sáng 14/3/1988 khi các chiến sĩ công binh Việt Nam đang làm nhiệm vụ ở Gạc Ma thì tàu chiến Trung Quốc ập tới.

Sau đó, tàu Trung Quốc thả ba chiếc xuồng máy, chở 50 lính, trong đó có 48 người đeo súng AK bên hông, đeo băng đạn và có dao lê cài ở dưới chân, tiến vào Gạc Ma. Viên chỉ huy của nhóm này cầm súng ngắn trên tay.

Chúng tạo thành đội hình vòng cung bao vây xung quanh các chiến sĩ Việt Nam.

Trong khi đó, một chiếc xuồng máy của Trung Quốc được trang bị đại liên chạy vòng quanh tàu HQ 604 và chĩa súng lên tàu khiêu khích.

Các tàu chiến khác của Trung Quốc cũng mở bạt súng, pháo chĩa về phía hai tàu HQ 604 và HQ 505.

Trung Quốc liên tục bắc loa yêu cầu bộ đội Việt Nam rời khỏi bãi đá Gạc Ma.

Sau đó, đám quân Trung Quốc tiến đến giật cờ Việt Nam đang cắm trên bãi đá. Thiếu úy Trần Văn Phương, Hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội dũng cảm giành lại cờ.

Lính Trung Quốc nổ súng bắn vào bộ đội ta, khiến Thiếu úy Trần Văn Phương hy sinh và Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị thương.

Bộ đội ta kiên cường bảo vệ lá cờ tổ quốc

Khoảng 7h30 ngày 14/3, hai tàu Trung Quốc bắn pháo 100 ly gây hỏng nặng tàu 604, cho quân xông về phía tàu.

Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội, dùng các loại súng AK, RPĐ, B40, B41 đánh trả quyết liệt. Tàu Trung Quốc nã pháo dồn dập, làm thủng nhiều lỗ và chìm dần.

Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Trần Đức Thông và cùng một số cán bộ, chiến sỹ tàu đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ 604 ở khu vực đảo Gạc Ma.

Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép kể từ đó.

Sau trận hải chiến ở cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, Việt Nam bị chìm hai tàu vận tải, 64 chiến sĩ hy sinh, 9 người bị bắt làm tù binh.

 

Sách 'Gạc Ma - Vòng tròn bất tử' đính chính nhiều thông tin

NXB Văn học và First News - Trí Việt vừa phát đi thông tin đính chính nhiều nội dung trong cuốn sách “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử”.

 

Cựu binh Gạc Ma và ký ức hơn 1.000 ngày đày ải trong nhà tù Trung Quốc

Sống sót trong trận chiến lịch sử Gạc Ma - Trường Sa và trở về sau gần 4 năm bị giam tại nhà tù Trung Quốc, suốt 30 năm qua, cựu binh Lê Minh Thoa vẫn nhớ như in trận hải chiến đẫm máu năm ấy đã cướp đi mạng sống của 64 đồng đội.

 

Đưa sự kiện Gạc Ma vào SGK Lịch sử sau 30 năm: Vì sao?

GS Phạm Hồng Tung, Chủ biên chương trình môn Lịch sử của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, sự kiện Gạc Ma sẽ được đưa vào chương trình môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới một cách khách quan, trung thực và nhân văn.