Sự thật vụ hộ cách ly đòi cấp nho Mỹ, táo New Zealand

Chủ nhật, 22/03/2020, 07:18 AM

Theo lãnh đạo quận 8 (TP HCM), quá trình cách ly 2 khu phố ở đây có 4 hộ yêu cầu cung cấp trái cây là táo Newzeland và nho Mỹ.

Chủ tịch UBND quận 8 (TP HCM) Trần Quang Thảo. (Ảnh: Dân Trí).

Chủ tịch UBND quận 8 (TP HCM) Trần Quang Thảo. (Ảnh: Dân Trí).

Thông tin trên được ông Trần Quang Thảo - Chủ tịch UBND quận 8 (TP HCM) đưa ra tại buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 của lãnh đạo TP HCM vào hôm qua (21/3).

Chủ tịch UBND quận 8 cho biết, hiện địa phương có 2 trường hợp dương tính virus SARS-CoV-2. Trong đó, một phụ nữ ngụ ở đường Nguyễn Thị Tần - bệnh nhân số 64 (phường 2) và một người đàn ông (ngụ đường Dương Bá Trạc, phường 1) dân tộc Chăm - từng đi dự lễ ở Malaysia.

Người đàn ông này tham dự lễ có 16.000 người ở Malaysia. Cơ quan y tế đã lấy mẫu xét nghiệm ngày 17/3 và đến 19/3 cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Quận 8 đã cách ly 140 hộ với 725 dân, đa phần là người Chăm. Ngoài ra, quận 8 cũng có 34 trường hợp đang cách ly tập trung, trong đó có 16 người có tham gia hành lễ tại Malaysia, 5 người về từ vùng dịch và 13 người có tiếp xúc gần với các ca nhiễm.

Chính quyền địa phương đã sắp xếp một khu cách ly riêng biệt cho 16 người tham gia hành lễ tại Malaysia để được ngồi tại chỗ hành lễ. Theo ông Thảo, những người này rất hợp tác, chỉ yêu cầu cho một không gian để hành lễ còn đồ ăn đã có người nhà đem đến.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND quận 8 cho biết gặp khó khăn trong việc cung cấp suất ăn cho đồng bào người Chăm do họ có chế độ ăn và phong tục tập quán riêng. 

Theo ông Thảo, hiện 17 hộ với 71 nhân khẩu ở phường 2 đang bị cách ly, trong đó có 4 hộ yêu cầu quận phải cung cấp táo New Zealand và nho Mỹ nhưng quận chỉ cung cấp được nhu yếu phẩm, tối đa là 50.000 đồng.

Bên cạnh đó, phần lớn người dân là lao động phổ thông nên quận muốn hỗ trợ 60.000 đồng/người/ngày để họ yên tâm cách ly. Tuy nhiên, Thông tư 32 của Bộ Tài chính thì những người bị cô lập không thuộc diện được hỗ trợ, do đó quận 8 không đủ cơ sở pháp lý để chi hỗ trợ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, tại các khu cách ly tập trung, người dân được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày/người. Thời gian tới, thành phố sẽ đề xuất tăng mức hỗ trợ suất ăn và các chính sách hỗ trợ cho người lao động, người nghèo.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ xem xét lại nguồn lực hỗ trợ thức ăn và nhu yếu phẩm cho các khu dân cư bị phong tỏa. Theo ông, việc cách ly tại chỗ nhằm bảo vệ an toàn cho bản thân người cách ly, gia đình và cộng đồng.

“Đừng để những người dân bị cách ly tại khu dân cư nghĩ rằng mình đang bị cô lập. Do người dân không thể tự đi mua thức ăn nên chính quyền mới chủ động cung ứng giúp họ”, ông Phong chia sẻ.

Về cung ứng thực phẩm cho đồng bào người Chăm bị cách ly, ông Phong cho biết hiện có 11 cửa hàng quy mô lớn chuyên cung cấp thức ăn cho người Hồi giáo. Vì vậy, ông đề nghị quận 8 chủ động liên hệ, làm đầu mối giúp người dân có đủ thực phẩm trong thời gian cách ly.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP cho rằng mỗi phường của quận cần có Tổ đáp ứng nhanh gồm cán bộ y tế và công an khu vực để nắm tình hình sức khỏe của từng người dân, từ đó có những giải pháp xử lý nhanh nhất.

Chủ tịch TP nổi nóng vì thông tin thiếu khẩu trang do cán bộ "quên" báo cáo

Đưa tin về buổi kiểm tra, báo Vietnamnet cho hay: Khi nghe Chủ tịch quận báo cáo việc thiếu khẩu trang, nhất là khẩu trang cho đội ngũ y tế làm nhiệm vụ, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm tỏ ra bức xúc: “Sao phải để đội ngũ y tế thiếu khẩu trang, phương án 5 tại chỗ của các anh đâu? Tại sao thiếu mà không báo lên TP ngay, hay báo mà không ai biết”.

Ông Liêm cũng cho biết, khẩu trang dự trữ của TP luôn đủ và sẵn sàng, nhất là cung cấp cho đội ngũ y tế làm nhiệm vụ tuyến đầu. Các quận, huyện khác đều không kêu chuyện thiếu khẩu trang, vậy mà quận 8 bảo thiếu. Việc này cần xem lại để rút kinh nghiệm, nếu thiếu thật thì báo ngay cho TP.

“Chúng ta nói chống dịch như chống giặc, vậy mà giặc đến nhà các đồng chí bảo 'thiếu đạn' là sao? Tôi khá ngạc nhiên về chuyện này”, ông Liêm bức xúc nói.

Lúc này, đại diện Trung tâm y tế quận 8 cho rằng, đã nhận đủ khẩu trang, nhưng quên báo lên cho đồng chí chủ tịch quận biết. Nghe tới đây, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong nổi nóng: “Tôi thấy Trung tâm y tế báo đủ khẩu trang, trong khi chủ tịch quận báo thiếu là sao?

Hôm nay đi thị sát tôi thấy lộ ra chuyện này, Ban chỉ đạo của quận quá yếu, nắm không vững tình hình phòng, chống dịch. Một đằng nói đủ, một đằng nói thiếu, các anh làm ăn kiểu này coi có được không?”.

Theo ông Phong, Sở Y tế đã cam kết không để đội ngũ y tế lây nhiễm chéo. Mà để làm được việc này, đầu tiên phải cung cấp đủ vật tư y tế cho tuyến đầu.

Theo báo cáo của Sở Công thương, khẩu trang không thiếu, chỉ có khẩu trang y tế là hạn chế, vì dành ưu tiên cho đội ngũ y tế làm nhiệm vụ trực tiếp phòng, chống dịch Covid-19.

Riêng khẩu trang vải, trong tháng 3, Sài Gòn Co.opmart đã nhập về 17 triệu cái, đã bán ra thị trường 8 triệu; phần còn lại dành cho HSSV khi trở lại trường và phân phối cho cán bộ, người dân theo nhiều kênh khác nhau.

Đơn vị này còn cho biết, trong thời gian tới sẽ nhập tiếp 25 triệu cái, các hệ thống bán lẻ, siêu thị khác cũng đã có khoảng 10 triệu cái để phân phối ra thị trường.

Theo ông Phong, vậy là rõ việc thiếu khẩu trang là không có, có chăng là do hệ thống phân phối chưa đồng bộ, khiến một bộ phận người dân phản ánh không mua được khẩu trang. Việc này, Sở Công thương cùng với các sở, ngành khác cần xem xét lại.

Bài liên quan