Sự xuất hiện gây hoang mang của Trung Quốc trong kế hoạch dời thủ đô Indonesia

Thứ bảy, 19/10/2019, 09:30 AM

Kế hoạch dời thủ đô của Tổng thống Indonesia Widodo sẽ yêu cầu xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, với số tiền ước tính lên tới 33 tỷ USD. Và các công ty Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm đến dự án này.

Tổng thống Joko Widodo
Tổng thống Joko Widodo

Tổng thống Joko Widodo đang có kế hoạch chuyển thủ đô Indonesia từ Jakarta đến Đông Kalimantan. Chắc chắn chính phủ sẽ không tự chi toàn bộ chi phí 33 tỷ USD. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đối với kế hoạch này.

Theo thống đốc Đông Kalimantan Isran Noor, Indonesia mở cửa cho các khoản đầu tư nước ngoài, bao gồm từ Bắc Kinh, để giúp họ xây dựng cơ sở hạ tầng của thủ đô mới trên một khu vực rộng 180.000 ha.

Tuy nhiên, ông Isran Noor nói thỏa thuận phải được cân bằng cho cả hai bên và cung cấp việc làm cho lao động địa phương.

“Đối với tôi, đầu tư từ Trung Quốc rất quan trọng bởi vì chúng tôi cần nó để xây dựng cơ sở hạ tầng và các cơ sở khác nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi người. Nhưng quan trọng nhất, chúng ta cần tạo ra một thỏa thuận không đặt gánh nặng lên vai chính phủ”, ông nói.

Nguồn quỹ cho sự phát triển ở thủ đô mới được thiết lập dựa nhiều hơn vào các giao dịch với các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, trong nước hoặc nước ngoài, hơn là các kho bạc nhà nước của Indonesia, vị thống đốc cho biết.

Đông Kalimantan là nơi sinh sống của 3,5 triệu người và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, bao gồm dầu khí, gỗ và cọ dầu.

Đây cũng là nơi sản xuất than lớn nhất của Indonesia, chiếm 62% sản lượng than quốc gia năm 2018 và đóng góp lớn nhất cho GDP của đất nước trong số 5 tỉnh ở đảo Borneo của Indonesia.

Bên cạnh sức mạnh kinh tế và vị trí chiến lược, Tổng thống Jokowi cũng chỉ ra rằng tỉnh này không dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai như động đất và núi lửa, khiến nơi đây trở thành nơi lý tưởng nhất để trở thành thủ đô của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Thủ đô mới được thiết kế để trở thành một trung tâm hành chính như Putrajaya của Malaysia hay Canberra của Australia.

Lo ngại bị Trung Quốc xúi giục

Thủ đô Indonesia sẽ được chuyển từ Jakarta tới Đông Kalimantan.
Thủ đô Indonesia sẽ được chuyển từ Jakarta tới Đông Kalimantan.

Theo tờ South China Morning Post, quyết định dời thủ đô gây nhiều tranh cãi. Bên cạnh những người ủng hộ, nhiều người phản đối vì nguồn quỹ cao dành cho việc này cũng như những tác động lớn đến môi trường. Bên cạnh mức giá cao và tác động đến động vật hoang dã, không ít người cảnh báo quyết định của chính quyền Jokowi đã bị Trung Quốc thúc đẩy như một phần trong tham vọng cai trị thế giới.

Về phần mình, các công ty Trung Quốc rất muốn đầu tư vào Đông Kalimantan. Hôm 2/9, Tập đoàn xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC) thuộc sở hữu nhà nước nói với Luhut Pandjaitan, một bộ trưởng cấp cao của Indonesia được giao nhiệm vụ tăng cường đầu tư từ Trung Quốc, rằng họ rất muốn giúp nước này xây dựng công nghệ giao thông ở thủ đô mới.

Cũng trong cuộc họp này, CRCC cũng khẳng định với ông Luhut rằng họ quan tâm đến dự án đường sắt tốc độ cao Jakarta – Surabaya. Tuy nhiên, hôm 25/9, Indonesia đã chính thức trao dự án trị giá 60 nghìn tỷ rupiah (4,2 tỷ USD) cho nhà đầu tư lâu năm Nhật Bản.

Trong khi đó, Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc, Tập đoàn Xây dựng Truyền thông Trung Quốc và Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đối với việc tham gia đấu thầu xây dựng đường cao tốc có thu phí kết nối thành phố cảng Balikpapan với Penajam Paser Utara.

Bắc Kinh cũng đã cung cấp khoản vay 848,55 tỷ rupiah cho chính phủ Indonesia xây dựng một phần tuyến đường thu phí Balikpapan - Samarinda, tuyến đường đầu tiên của hòn đảo, sẽ được khai trương vào cuối tháng này.

Cả hai tuyến đường bộ sẽ được kết nối với thủ đô mới, khiến chúng trở thành một khoản đầu tư sẽ thu được lợi nhuận cao khi 2 triệu công chức Jakarta chuyển đến Borneo.

Các công ty Trung Quốc cũng điều hành hai nhà máy điện ở Kutai Kartanegara. Một công ty Trung Quốc khác gần đây đã đề xuất giúp quản lý và làm sạch lưu vực sông Mahakam, con sông dài thứ hai của Indonesia.

Trong khi đó, công ty sản xuất Xi măng Hongshi khổng lồ của Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch thành lập một nhà máy trị giá 2,1 tỷ USD tại Kutai Kartanegara, nơi có khả năng gặt hái những lợi ích từ động lực phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ của thủ đô mới.

Những hệ quả đã phát sinh

Sự xuất hiện của các công ty Trung Quốc đã bắt đầu thể hiện những tác động. Tháng 8/2019, một liên đoàn lao động tại Semen Padang, nhà sản xuất xi măng lâu đời nhất của Indonesia, đã khiếu nại các nhà sản xuất xi măng Trung Quốc lên Cơ quan chống Độc quyền Quốc gia KPPU. Họ cho rằng công ty Trung Quốc đã bán phá giá, bán sản phẩm của họ với giá rẻ nhất có thể trong bối cảnh tình trạng dư cung xi măng hiện nay.

Trước sự ngấp nghé của Trung Quốc, ông Andre Rosiade, một thành viên mới của Đảng Phong trào Indonesia vĩ đại của Indonesia, cho biết hồi tháng Chín: “Tôi nghĩ sự phát triển của thủ đô mới sẽ đem lại lợi ích cho nhà máy xi măng mới của Trung Quốc ở Đông Kalimantan. Chỉ cần tưởng tượng, chúng ta đang chi gần 500 nghìn tỷ rupiah cho thủ đô mới này. Vì vậy có khả năng lớn xi măng sẽ được cung cấp bởi nhà máy Hongshi”.

Ông Andre đặt câu hỏi: “Nhà máy xi măng này sẽ phục vụ lợi ích của quốc gia (Indonesia) hay tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Trung Quốc ở Indonesia?”.

Một dòng đầu tư ra nước ngoài cũng có thể làm tăng số lượng lao động nước ngoài ở Đông Kalimantan, hợp pháp và bất hợp pháp. Năm 2016, 23 công nhân nước ngoài bất hợp pháp, chủ yếu là người Trung Quốc làm việc trong nhà máy Muara Jawa, đã bị trục xuất khỏi Indonesia sau một cuộc truy quét. Hàng trăm công nhân Trung Quốc bất hợp pháp được cho là đã trốn trong những ngọn đồi trong thời gian đó.

Số lượng lao động nước ngoài có khả năng gia tăng ở Đông Kalimantan sau khi thủ đô chuyển đến đây gây lo ngại bởi vì họ có thể đe dọa cơ hội việc làm của công nhân địa phương. Nếu một công ty phải sử dụng lao động nước ngoài, họ phải hợp pháp và đáp ứng tất cả các yêu cầu do luật pháp Indonesia quy định.

Trong khi đó, Slamet Brotosiswoyo, chủ tịch chi nhánh địa phương của Hiệp hội chủ lao động Indonesia bày tỏ hy vọng rằng các nhà đầu tư nước ngoài ở Đông Kalimantan sẽ đầu tư vào các ngành công nghiệp đang phát triển, chứ không chỉ hút tài nguyên thiên nhiên của tỉnh này.