Sữa học đường Hà Nội có gì khác biệt với sữa trên thị trường?

Thứ sáu, 28/09/2018, 15:27 PM

Nhiều phụ huynh vẫn lo lắng đặc biệt về chất lượng sữa trong chương trình Sữa học đường Hà Nội liệu có đủ vi chất, dinh dưỡng như quảng cáo, cam kết.

Sua-Hoc-Duong
Nhiều phụ huynh vẫn lo lắng đặc biệt về chất lượng sữa trong chương trình Sữa học đường Hà Nội liệu có đủ vi chất, dinh dưỡng như quảng cáo, cam kết. Ảnh minh họa

Chương trình Sữa học đường Hà Nội có tên gọi đầy đủ “Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020”.Theo đó với đề án này, trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tại Hà Nội sẽ được thụ hưởng chương trình trợ giá uống sữa theo năm học, từ năm học 2018- 2019 đến hết năm 2020.

Cụ thể, học sinh mầm non và tiểu học sẽ được uống sữa tươi 5 lần/tuần (tức mỗi ngày một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml. Chi phí cho mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh đóng góp 50%.

Riêng đối với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách, ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%.

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chương trình hơn 4.180 tỷ đồng. Đặc biệt, chương trình này không ép buộc mà trên tinh thần tự nguyện tham giả của các phụ huynh.

Nếu nhìn tổng thể chương trình như trên rõ ràng có thể thấy mục tiêu mà thành phố Hà Nội hướng đến là rất nhân văn. Thế nhưng nhiều cha mẹ học sinh đã tỏ ra băn khoăn, lo lắng đặc biệt về chất lượng sữa.

Theo VOV, tại cuộc giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều 25/9, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến cho biết, sữa được dùng trong chương trình sữa học đường có sự khác biệt với sữa bình thường đó là được bổ sung thêm một số vi chất theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia để tăng chiều cao và phát triển thể lực cho trẻ và  lượng bổ sung phù hợp với từng lứa tuổi trong học đường.

Chưa biết Hà Nội sẽ phối hợp với nhãn hàng sản xuất sữa đưa những vi chất gì vào sữa học đường để khác biệt với sữa trên thị trường. Tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc bổ sung thêm vi chất vào cho sữa là không đúng và không có thật.

“Không có một quy trình nào sản xuất sữa riêng. Việc triển khai Chương trình sữa học đường nên khuyến khích, nhưng phải tùy thuộc với từng vùng, từng khu vực. Còn nếu như bảo bổ sung thêm vi chất thì hãy chứng minh đi, nếu như chứng minh được thì tôi hỏi bằng cách nào để chứng minh được”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói với VOV.

Cùng với băn khoăn về thành phần, giá trị dinh dưỡng của sữa học đường phụ huynh lo lắng nguồn gốc nguyên liệu sản xuất sữa học đường.

Theo thông tin từ Báo Kinh tế & Đô thị - cơ quan ngôn luận của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, ở Hà Nội, "sữa học đường" là sữa tươi tiệt trùng, có hoặc không đường.

Theo quy chuẩn kỹ thuật sữa tươi tiệt trùng sản xuất chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu có bổ sung vi chất dinh dưỡng khác. Tuy nhiên một điểm đáng chú ý, ngày 5/6/2017 trong bài viết “60% nguyên liệu sữa tươi phải nhập từ nước ngoài” VOV dẫn lời ông Lê Văn Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội chăn nuôi Gia súc lớn, cho biết sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất đạt gần 800.000 tấn/ngày nhưng mới đáp ứng khoảng 39 - 40% nhu cầu tiêu thụ sữa của người tiêu dùng trong nước, trên 60% còn lại phải nhập từ bên ngoài.

Như vậy chỉ nói về việc sữa học đường có phải được sản xuất từ sữa tươi được lấy từ trang trại bò sữa trong nước hay nguyên liệu sữa tươi phải nhập khẩu cũng sẽ khiến phụ huynh băn khoăn. Mặt khác, nếu sản xuất loại sữa chuyên biệt cần phải có một công thức riêng, một bí quyết riêng…vậy những công thức, bí quyết đó cơ quan nào kiểm định?