'Suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp cũng là bạo lực gia đình'

Thứ tư, 01/06/2022, 06:44 AM

"Chồng đi làm về nhưng im lặng không nói gì cả, giận cá chém thớt hoặc suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo... cũng là hành vi bạo lực gia đình".

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Ảnh: Quochoi.vn).

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Ảnh: Quochoi.vn).

Đó là ý kiến được ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) nêu ra khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) chiều 31/5.

Theo Đại biểu Dung, có những hành vi bạo lực gia đình cụ thể, rất dễ nhận biết; nhưng cũng có những hành vi không nghĩ đó là bạo lực gia đình mà lại gây khủng hoảng về tâm lý, tinh thần... thực tế đó cũng là biểu hiện của bạo lực.

"Chồng đi làm về nhà nhưng im lặng suốt, không nói gì cả, hoặc suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo; rồi "giận cá chém thớt", giận dỗi vô cớ... cũng là hành vi bạo lực gia đình, làm cho đối tượng bị tác động khủng hoảng về mặt tâm lý" - bà Dung lấy ví dụ và cho rằng những hành vi này diễn ra khá phổ biến nhưng rất khó nhận biết, nhất là văn hóa người Việt không muốn vạch áo cho người xem lưng, xấu chàng thì hổ thiếp.

Chính vì vậy, để Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả thì giải pháp đó là sự chia sẻ, tư vấn để giải tỏa tâm lý. Những người bị khủng hoảng về mặt tâm lý, tinh thần trong gia đình cần phải chia sẻ được với Hội Phụ nữ, bác sĩ tư vấn, Hội Người cao tuổi...

"Chính nạn nhân phải tự chia sẻ, làm sao để cho họ mạnh dạn nói tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình với những người xung quanh", bà Dung nói.

ĐBQH Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, không chỉ phụ nữ mà trẻ em cũng là đối tượng bị bạo lực gia đình. Ngoài việc đánh đập, đe dọa, hành vi bạo lực còn có phát tán hình ảnh, thông tin riêng tư lên mạng xã hội. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sức khỏe, học tập của trẻ em.

Để không bị gián đoạn học tập, nhất là những tổn thương về mặt tâm lý của trẻ em thì những đối tượng này cần được bảo vệ thông tin cá nhân để trẻ không bị xa lánh, chễ giễu…, cần phải bí mật thông tin của trẻ”, Đại biểu Vân kiến nghị.

ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) băn khoăn dự thảo luật nêu một trong các hành vi bạo lực được quy định có việc cưỡng ép vợ hoặc chồng mang thai, lựa chọn giới tính thai nhi.

Bà Tuyết bày tỏ sự khó hiểu về hành vi “cưỡng ép vợ hoặc chồng mang thai, phá thai”. Điều này có thể xảy ra trường hợp người chồng không muốn có con nhưng người vợ ép buộc phải có con. Mặc dù vậy, bà Tuyết cho rằng nếu quy định như vậy thì phải viết lại trong điều luật cho rõ ràng.

Vợ ép chồng kiếm thật nhiều tiền, lên chức, có phải bạo lực gia đình?

Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, bạo lực về thể xác, bạo lực về kinh tế thì nhận diện được ngay, nhưng bạo lực về tinh thần không hề đơn giản để nhận ra được. Việc biểu hiện ra ngoài như nào để lượng hóa cho hết, cho đầy đủ là không giản đơn.

Theo Bộ trưởng, chúng ta nói nhiều về bạo lực tình dục, nhưng đây là vấn đề tế nhị, ít được đề cập đến nên khó nói được hết những gì cần phải nói.

Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng.

Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng.

“Khó như vậy thì dựa vào gì là chính?”, Bộ trưởng nêu câu hỏi và cho biết, cơ quan soạn thảo đã bắt đầu từ Hiến pháp 2013, đó là quyền con người.

Với cách tiếp cận như vậy, cơ quan soạn thảo lựa chọn 18 hành vi được quy vào bạo lực gia đình. Ông mong các ĐB từ góc độ thực tiễn, tiếp cận có thể đóng góp thêm, nhất là góc độ bạo lực tinh thần.

Bộ trưởng VHTT&DL kể thêm, khi ông báo cáo trước UB Xã hội để thẩm tra sơ bộ và thẩm tra chính thức dự án luật, chính các thành viên cũng kể: “Bây giờ sức ép của các bà vợ cứ bảo phải đi làm cho có thật nhiều tiền, rồi phải lên chức nọ chức kia, đấy có phải hình thức bạo lực không?” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng đấy là câu chuyện rất thực tế.