Tác dụng trị cảm và hôi miệng của hương nhu

Thứ bảy, 23/11/2019, 06:46 AM

Hương nhu là thảo dược làm thuốc chữa bệnh rất quen thuộc trong nhân dân. Đặc biệt, nó được đánh giá cao trong việc giải cảm và trị hôi miệng.

Trong Y học cổ truyền , hương nhu khí hơi ôn, vị tân, không độc. Công hiệu của loại cây này là làm tan độc khí nóng ở bì phu, giải tán được chỗ bí kết ở tâm phúc. Sách cổ nói rằng hương nhu thuộc kim và thủy, có công năng điều hòa từ trên xuống dưới. Ở trên, nó thanh được phế khí, chữa được chứng nắng, trừ được phiền nhiệt và chứng phế uất khiến cho trọc khí bóc lên gây hôi miệng. Ở Việt Nam có 2 loại cây mang tên hương nhu:

Hương nhu tía: Còn có tên là é rừng, é tía, là loại cây nhỏ sống nhiều năm, cao 1,5-2 m. Thân và cành màu tía, có lông quặp. Lá mọc đối có cuống dài; lá thuôn hình trứng hay hình mác, mép răng cưa, 2 mặt đều có lông. Hoa màu tím, mọc thành chùm đơn, xếp thành vòng 6-8 hoa. Lá và hoa vò nát có mùi thơm của đinh hương. Cây này thường được trồng trong các vườn thuốc gia đình

Hương nhu trắng: Còn gọi là é lớn lá, húng giổi tía. Cây này cao hơn cây hương nhu tía. Lá mọc đối có cuống, phiến lá dài 5-10 cm; hình trứng nhọn, phía cuống thon, mép khía tai bèo hay răng cưa thô. Gân chính của lá có lông. Hoa mọc thành chùm đơn. Hương nhu trắng mọc hoang ở nhiều nơi, hiện được trồng để cất lấy tinh dầu.

Tác dụng trị cảm và hôi miệng của hương nhu

Để làm thuốc chữa bệnh , người ta thường thu hái hương nhu phần trên mặt đất, chủ yếu là cành có hoa, phơi ở nơi ít ánh nắng nhưng thoáng gió, nhiệt độ 30-40 độ C (gọi là phơi âm can). Hương nhu cũng chữa được chứng má cam, hạ lợi tiểu tiện, tiêu thủy thũng, khoan được trường vị tiêu hóa thức ăn, hạ được khí xuống. Với những chứng đau bụng, thổ tả, hương nhu cũng là một vị thuốc cốt yếu. Người bị đứt tay chân, tay, lấy ngay lá hương nhu nhai nhuyễn, đắp vào chỗ đau rất nhanh khỏi. Dùng lá hương nhu nấu nước tắm gội vừa sạch vừa thơm. Khi cây đang có hoa, người dân có thể cắt lấy bỏ gốc rễ, chỉ dùng hoa lá phơi ở chỗ mát cho khô, kiêng sấy, để lâu dùng dần.

Chữa cảm mạo, nhiễm lạnh do đi mưa

Bài thuốc 1: Hương nhu 500g, Hậu phác tẩm gừng nướng 200g, Bạch biển đậu (Đậu ván trắng) sao vàng 200g đem tán thành bột mịn, trộn đều với nhau. Mỗi lần dùng, lấy khoảng 8 – 10g pha với nước sôi để uống. Mỗi ngày uống 2 lần vào trưa và tối, uống sau bữa ăn. Dùng liên tục tử 2 – 3 ngày.

Bài thuốc 2: Hương nhu 100g tán thành bột mịn, pha với nước sôi uống ngày 2 lần, mỗi lần 8g. Uống cho đến khi mồ hôi ra hết, bệnh sẽ khỏi.

Để giúp bệnh tình nhanh chóng thuyên giảm, người bệnh nên kết hợp với bài thuốc xông: Dùng Hương nhu, lá Sả, lá Bưởi (nếu không có lá có thể dùng vỏ bưởi, bỏ cùi trắng và thái lát mỏng), Ngải cứu, lá Khuynh diệp, lá Tre, lá Tía tô, lá Gừng, lá Húng chanh, cành lá Thanh táo, mỗi vị 15g đem rửa sạch rồi cho vào 5 – 6 lít nước đun sôi. Đặt nồi nước xông trong phòng kín gió. Người bệnh cởi bỏ quần áo, ngồi trước nồi nước xông còn đậy kín, trùm chăn đơn (vỏ bọc chăn bông, bằng vải) cho kín người và nồi nước xông. Ngẩng cao đầu, nghiêng sang một bên để tránh hơi nước nóng phả mạnh vào mặt, rồi từ từ hé vung nồi cho hơi nước thoát ra, sao cho độ nóng vừa ở mức chịu đựng được. Hít thở mạnh và sâu để hương tinh vào sâu trong phế nang. Thời gian xông hơi khoảng 15 phút. Lau sạch mồ hôi bằng khăn khô sạch. Pha thêm nước ấm sao cho đạt 37-38 độ rồi tắm trong phòng kín gió, lau khô cơ thể, mặc quần áo sạch. Nước xông giải cảm rất đơn giản, dễ làm và hiệu quả trong việc điều trị bệnh. Lưu ý: Không được áp dụng liệu pháp này cho người ra nhiều mồ hôi, mất nước, mất máu nhiều, chóng mặt, già yếu lú lẫn, bệnh nhân parkinson, Trẻ em dưới 12 tuổi...

Trị cảm sốt, đau nhức đầu

Hương nhu tươi một nắm đem giã nát, cho vào môt ly nước ấm để vắt lấy nước cốt uống. Phần bã còn lại dùng để đắp lên đầu, trán và thái dương sẽ nhanh chóng dứt cơn đau đầu, cảm sốt. Trong trường hợp sốt ra mồ hôi nhiều, người bệnh có thể dùng thêm 200g sắn dây tươi giã nát, vắt lấy nước uống.

Giúp tóc nhanh dài, bóng mượt

Tác dụng trị cảm và hôi miệng của hương nhu
Hương nhu, lá bưởi (có thể dùng vỏ bưởi), quả Bồ kết khô, mỗi vị 10g. Tất cả đem đốt sơ qua trên lửa than rồi nấu cùng 3 lít nước, pha ấm rồi gội đầu. Mỗi tuần nên gội 2 – 3 lần sẽ giúp tóc nhanh dài và rất bóng mượt.

Chữa phù thũng, đục nước tiểu

Hương nhu 9g, rễ cây cỏ tranh 30g, Ích mẫu thảo 12g tất cả đem sắc với 600 ml nước cho đến khi cô lại còn khoảng 200 ml. Dùng nước này uống thay cho nước trà hằng ngày, uống liên tục trong 10 ngày.

Chữa tiêu chảy do lạnh bụng

Hương nhu 12g, Tía tô (cả lá và cành) 9g, Mộc qua 9g đem sắc với 3 bát nước cho đến khi đặc lại còn 1 bát. Uống trong ngày sau bữa ăn sáng.

Trị viêm đường hô hấp ở trẻ nhỏ

Hương nhu, Bán hạ, Hoắc hương, Hoàng cầm, Kinh giới, Phục linh, Đẳng sâm mỗi vị 10g, Cam thảo 5g sắc nước uống. Mỗi ngày uống từ 4 – 6 lần cho đến khi hết bệnh.

Chữa chậm mọc tóc ở trẻ

Hương nhu 40g sắc cùng với 200 ml nước rồi trộn với một ít mỡ lợn đã nguội bôi lên đầu. Phương pháp này sẽ giúp tóc mọc rất nhanh.

Trị hôi miệng

Tác dụng trị cảm và hôi miệng của hương nhu

Hương nhu 10g sắc với 200 ml nước cho đến khi còn lại còn 100 ml. Dùng nước này để súc miệng và ngậm hằng ngày, liên tục trong 15 ngày để thấy hiệu quả bất ngờ mà nó mang lại. Nên dùng vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ để thuốc phát huy được hiệu quả tối ưu.

Chữa đau bụng, tiêu chảy

Thức ăn các đồ ăn lạnh dễ dẫn đến đau bụng, tiêu chảy. Lúc này, có thể lấy lá Tía tô, Hương nhu, Mộc qua, mỗi vị 12g sắc uống, những cơn đau bụng sẽ nhanh chóng dứt điểm và tiêu chảy cũng vì thể ngưng hẳn.

Chữa cảm mùa hè

Mùa hè thường dễ bị cảm nắng với các triệu chứng như phát sốt, tim hồi hộp, tiểu tiện màu vàng đỏ, miệng khát, đau đầu,…Người bệnh có thể dùng lá Hương nhu tía, Diếp cá, Điền cơ hoàng, Cát căn, mỗi vị 12g, Mộc hương 4g, Thạch xương bồ 8g đem sắc nước uống sẽ nhanh chóng giải bệnh.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/tac-dung-tri-cam-va-hoi-mieng-cua-huong-nhu-142094.html