Tại sao người biểu tình Hong Kong phải đeo mặt nạ?

Thứ sáu, 13/09/2019, 15:47 PM

Mặt nạ đã trở thành đồng phục của những người biểu tình Hong Kong kể từ khi họ xuống đường hồi cuối tháng 6/2019 để phản đối dự luật dẫn độ. Vậy họ sợ điều gì?

Nhiều người Hong Kong đeo mặt nạ khi biểu tình.
Nhiều người Hong Kong đeo mặt nạ khi biểu tình.

CNN ngày 12/9 cho hay, khi được hỏi tại sao phải che giấu danh tính, những người biểu tình ở Hong Kong thường đề cập đến một thứ gọi là "khủng bố trắng", thuật ngữ mô tả các hành động ẩn danh tạo ra bầu không khí sợ hãi. Đây cũng là từ vốn chỉ được dùng khi những người cầm quyền đàn áp người dân bất đồng chính kiến.

Trong biểu tình Hong Kong, các phi công và nhân viên của hãng hàng không Cathay Pacific Airlines cho rằng họ bị 'khủng bố trắng' khi bị sa thải và bị giới chức Trung Quốc kiểm tra điện thoại vì tham gia biểu tình.

Một người biểu tình cho biết cô đeo băng đô che cả mũi và miệng để tránh bị nhận dạng. Theo người này, nếu một bức ảnh của cô được đăng lên mạng hoặc đưa cho chính quyền đại lục, cô có thể bị kiểm tra lý lịch, hoặc gặp một số khó khăn khi đi qua biên giới Trung Quốc. Cô cũng cho rằng chắc chắn sẽ bị chủ lao động, một nhà thầu xây dựng, sa thải nếu bị phát hiện là người biểu tình.

Trong một cuộc biểu tình, nhiều người giận dữ với một người đàn ông lớn tuổi vì cho rằng ông này là gián điệp được giao nhiệm vụ chụp ảnh cho chính quyền Trung Quốc dù ông này phủ nhận. Sau đó, người đàn ông này bị buộc phải xóa các bức ảnh đã chụp.

Trong khi đó, đang có tin đồn rằng các quan chức Trung Quốc đang xây dựng một cơ sở dữ liệu ảnh của những người biểu tình. 

Cảm thấy đang bị theo dõi

Hiện đã có hàng chục ngàn camera an ninh đang được lắp đặt tại các đường phố và tòa nhà ở Hong Kong, nhưng hầu hết các camera này không được thiết kế để nhận dạng. Và mặc dù bất kỳ máy ảnh chất lượng cao nào cũng có thể đưa hình ảnh vào cơ sở dữ liệu mà cuối cùng có thể được sử dụng để nhận dạng, theo pháp lệnh bảo mật của Hong Kong, các nhà lắp đặt camera phải xóa cảnh quay càng sớm càng tốt.

Ngoài các camera an ninh, có khoảng 50 cột đèn "thông minh" được lắp đặt xung quanh thành phố. Đây là những cột đèn thông minh đầu tiên trong số 400 chiếc được lên kế hoạch lắp đặt nhằm thu thập dữ liệu về giao thông, thời tiết và ô nhiễm, chúng được kết nối WiFi và Bluetooth, cảm biến và camera. Chúng cũng có khả năng phân tích và theo dõi trực quan.

Tuy nhiên, theo Nicholas Yang, người phụ trách về công nghệ và đổi mới của Hong Kong, những chức năng đó chưa bao giờ được kích hoạt. Ông nói rằng mọi người đã hiểu lầm khi nghĩ rằng các cột đèn có thể giám sát. Chính vì vậy, cách đây hai tuần, một nhóm người biểu tình đã kéo đổ một chiếc cột đèn như vậy.

Yang nói với CNN rằng các cột đèn tuân thủ đầy đủ luật bảo mật của Hong Kong và dữ liệu từ các cột này được phân tích, ẩn danh, bất kỳ dữ liệu thô nào cũng sẽ bị xóa ngay lập tức. Văn phòng của ông cũng đã thành lập các ủy ban tư vấn để theo dõi dự án này.

Thế nhưng, những người biểu tình vẫn tỏ ra nghi ngờ về chức năng của những chiếc cột.

"Chính phủ Hong Kong có thể đảm bảo rằng họ sẽ không bao giờ cài đặt các công nghệ nhận dạng khuôn mặt vào cột đèn thông minh không? Họ không thể hứa điều đó và họ sẽ không hứa vì áp lực từ Bắc Kinh”, thủ lĩnh phong trào biểu tình Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) cho hay.

8 trong số 10 thành phố được giám sát nhiều nhất trên thế giới là ở Trung Quốc (dựa trên tỷ lệ camera trên số dân). Ở khu vực xa xôi phía tây Tân Cương, Bắc Kinh đang sử dụng hệ thống giám sát dày đặc.

"Mọi người nhận thức mạnh mẽ rằng trong kịch bản tồi tệ nhất, Hong Kong có thể là Tân Cương tiếp theo", Hoàng Chi Phong cho hay.

Hoàng cũng bày tỏ lo ngại về một kịch bản ít cực đoan hơn. Đó là việc Trung Quốc mở rộng hệ thống chấm điểm công dân sang Hong Kong. Hệ thống này tìm cách xếp loại công dân dựa trên hành vi của họ, ví dụ, trừng phạt một số người vì chi tiêu phù phiếm và thưởng cho những người khác tuân theo các quy tắc.

Mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy các kịch bản đó có thể xảy ra ở Hong Kong nhưng người Hong Kong vẫn lo ngại.

Hệ thống pháp lý độc lập của Hong Kong bao gồm pháp lệnh bảo mật mạnh mẽ về việc sử dụng dữ liệu và camera quan sát. Tuy nhiên, như ở nhiều quốc gia, quyền riêng tư bị lấn át bởi an ninh quốc gia. Có những sắc lệnh cho phép dùng dữ liệu cá nhân mà không có sự đồng ý của cá nhân trong các trường hợp phạm tội hoặc bị giám sát.

Hơn nữa, luật pháp luôn có thể bị thay đổi, Stuart Hargreaves, phó giáo sư luật tại Đại học Hong Kong Trung Quốc cho hay.

Hargreaves nói: "Những lo ngại về các cột đèn thông minh thể hiện nỗi sợ hãi về tình trạng tự do dân sự đang xấu đi ở Hong Kong nói chung".

Hiện tại, dường như những người biểu tình Hong Kong cảm thấy có rất ít lý do để từ bỏ mặt nạ của mình.

 

Canada đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan

Ngày 10/9, chính phủ Canada cho biết nước này đã đưa một tàu chiến qua eo biển Đài Loan, ba tháng sau một hoạt động tương tự và trong bối cảnh mối quan hệ Bắc Kinh và Ottawa đang căng thẳng ở một loạt các vấn đề.

 

Nữ sinh gốc Việt lấy gốc cây làm bàn học được Bộ trưởng Giáo dục Đài Loan tặng quà

Dù gia cảnh nghèo khó, phải lấy gốc cây làm bàn học nhưng nữ sinh gốc Việt vẫn thi đỗ vào trường top đầu Đài Loan, khiến Bộ trưởng nước này cảm phục.

 

Lãnh đạo 'phong trào Ô' Hong Kong sang Đài Loan kêu gọi sự ủng hộ

Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) - lãnh đạo phong trào Ô của Hong Kong đã bay sang Đài Loan và có một buổi nói chuyện tại đây để tìm kiếm sự ủng hộ từ một khu tự trị khác của Trung Quốc.