Ông Trump chỉ có thể thắng lớn từ việc giết tướng Soleimani?

Thứ ba, 07/01/2020, 10:32 AM

Ian Parmeter, một chuyên gia về Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Ả Rập & Hồi giáo của Đại học Quốc gia Australia, từng là đại sứ của Australia tại Lebanon và cố vấn tại Đại sứ quán Australia ở Moscow, cho rằng ông Trump không giết tướng Soleimani chỉ vì bốc đồng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo Ian Parmeter, khi đánh giá hậu quả của việc Tổng thống Donald Trump ra lệnh ám sát tướng Soleimani, lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo tinh nhuệ của Iran, điều mấu chốt là xem phản ứng của chính phủ Iraq.

Quốc hội Iraq đã thông qua nghị quyết yêu cầu trục xuất quân đội Mỹ khỏi nước này. Nghị quyết không có tính ràng buộc nhưng Thủ tướng Adel Abdul Mahdi khẳng định sẽ thực hiện nó.

Chủ quyền Iraq

Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ám sát tướng Soleimani chỉ là vụ vi phạm chủ quyền Iraq mới nhất (mặc dù chắc chắn là kỳ quặc nhất) của Mỹ trong những năm gần đây.

Vụ việc đã dấy lên lo ngại hơn nữa ở Iraq. Ngoài cuộc xâm lược ban đầu năm 2003 và cuộc chiến tranh 8 năm trên đất Iraq sau đó, các thành viên của quốc hội Iraq đã bày tỏ sự tức giận về việc vi phạm chủ quyền khi ông Trump đến thăm quân đội Mỹ tại nước này vào tháng 12/2018 mà không bận tâm đến gặp Thủ tướng Iraq.

Dường như Mỹ nghĩ rằng họ có thể làm những gì họ thích ở Iraq.

Hơn nữa, vụ giết chết tướng Soleimani diễn ra ngay sau khi Mỹ tiến hành các cuộc tấn công đơn phương nhằm vào nhóm dân quân thân Iran Kata'ib Hizballah, khiến 25 người quốc tịch Iraq thiệt mạng. Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã lên án các cuộc tấn công của Mỹ.

Ngay cả trước khi tướng bị ám sát Soleimani, một bài xã luận trên tạp chí The economist ngày 3/1 đã chỉ trích gay gắt các hành vi vi phạm chủ quyền Iraq của ông Trump, cảnh báo rằng điều đó có thể hủy hoại lợi ích của Mỹ ở Iraq và Trung Đông.

Quân đội ở Iraq

tai-sao-trump-chi-co-the-thang-lon-tu-viec-giet-tuong-soleimani
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cùng Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi tại Tehran, Iran hôm 6/4/2019.

Nhiều người quên lý do cựu Tổng thống Barack Obama rút hết đội quân chiến đấu của Mỹ khỏi Iraq vào tháng 12/2011 không phải vì ông từ bỏ nhiệm vụ ở Iraq. Đảng Cộng hòa khi đó tuyên bố rằng Obama đã để tuột chiến thắng khó khăn của chính quyền Bush ở đó.

Thực tế, ông Obama thực sự muốn để một lực lượng nhỏ quân Mỹ ở Iraq. Nhưng ông không thể bởi vì quốc hội Iraq không đồng ý gia hạn Thỏa thuận về Tình trạng Lực lượng Mỹ và Iraq (SOFA) hết hạn vào cuối năm 2011 và cũng sẽ từ chối cung cấp quyền miễn trừ pháp lý cho các quân nhân Mỹ ở đó.

Không có SOFA, ông Obama không thể giữ nhân viên quân sự ở Iraq mà không thể đảm bảo việc họ sẽ không bị truy tố theo luật của Iraq - điều hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với quốc hội Mỹ. 

Ông James Jeffrey, cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq từng viết trên blog của Viện Washington, rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ hiện tại ở Iraq được định nghĩa là “không chiến đấu” và, theo ông, đó là “một ngoại lệ khẩn cấp đối với chính sách SOFA thông thường”.

“Ăn miếng trả miếng”

Thủ tướng Abdul Mahdi cũng chịu áp lực rất lớn từ Iran về việc loại bỏ sự hiện diện của Mỹ khỏi đất nước này. Nhưng nếu làm như vậy, ông sẽ mất đi viện trợ quân sự và huấn luyện đáng kể mà Mỹ đang cung cấp, vốn rất quan trọng trong việc đẩy lùi và kiềm chế tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) kể từ khi tổ chức này chiếm được phần lớn miền Tây Iraq năm 2014.

Nếu IS lợi dụng sự lộn xộn hiện tại ở Iraq để trở lại, lực lượng Iraq có thể sẽ không có khả năng chống lại mà không cần sự hỗ trợ của Mỹ.

Hơn nữa, không rõ Iran định đánh trả Mỹ bằng cách nào để trả thù cho tướng Soleimani.

Ông Trump cảnh báo đã nhắm sẵn 52 mục tiêu ở Iran nếu Iran trả đũa bằng các cuộc tấn công vào lợi ích của Mỹ ở bất cứ đâu. Trong khi đó, ông Trump được cho là không cần nhiều bằng chứng cứng rắn trước khi hành động.

Nếu nói đến các cuộc tấn công “ăn miếng trả miếng”, Mỹ có khả năng khiến điều đó trở nên khó khăn đối với Iran hơn nhiều so với Iran đối với Mỹ.

Ngay cả khi Iran cố gắng tấn công mạng, Mỹ cũng có thể đánh trả hiệu quả hơn nhiều.

Quân bài mang tính biểu tượng

Các nhà lãnh đạo Iran biết tất cả những điều này và họ cũng không muốn khu vực và người dân Iran thấy rằng họ bất lực trước Mỹ. Họ đã thực hiện những động thái được đánh giá là cứng rắn.

Iran tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Iran với các cường quốc (Kế hoạch hành động toàn diện chung được ký năm 2015 đặt ra những hạn chế lớn đối với việc làm giàu hạt nhân của Iran).

Mặc dù ông Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận, việc Iran rút chính thức mang ý nghĩa là giờ đây họ có thể làm giàu uranium lên cấp vũ khí hạt nhân.

Theo các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, việc làm giàu uranium đến cấp vũ khí có thể được thực hiện tại bất kỳ địa điểm ngầm nào của Iran. Nhưng bất cứ ai biết Tehran sẽ nhận thức được rằng họ sẽ làm điều đó ở phía Nam Tehran.

Tình báo Mỹ có thể thu thập bằng chứng điện tử về hoạt động làm giàu. Nhưng nếu Iran thực sự quyết định phát triển vũ khí hạt nhân sau vụ ám sát tướng Soleimani, thì khó có ai có thể ngăn cản.

Câu hỏi thực sự sẽ là Iran mất bao lâu để sản xuất một thiết bị hạt nhân và liệu nó có thể phát triển một hệ thống phóng vũ khí như Triều Tiên đang sở hữu hay không.

Lợi ích cho ông Trump

Nhưng đó là tương lai. Cho đến bây giờ, nhiều người đặt câu hỏi liệu ông Trump có thể thoát khỏi việc giết tướng Soleimani mà không phải chịu hậu quả bất lợi thực sự nào đối với chính ông và nước Mỹ hay không. Theo Ian Parmeter, câu trả lời là nhà lãnh đạo Mỹ sẽ thu được nhiều lợi ích.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New Yorker vào ngày 4/1, cựu sĩ quan cao cấp của CIA và hiện là nữ nghị sĩ Elissa Slotkin nói rằng cả chính quyền của Tổng thống Bush và Obama đều đã cân nhắc ám sát tướng Soleimani.

Bà nói rằng việc ám sát không khó khăn gì khi Soleimani thường xuyên để lộ mình, như ông ta xuất hiện ở sân bay Baghdad hôm 3/1. Nhưng các cuộc thảo luận luôn kết thúc với kết luận rằng hậu quả bất lợi từ hành động đó không đáng để ám sát.

Bà nhận xét rằng ông Trump rõ ràng đã thực hiện một tính toán lợi ích thay vì hành động theo bản năng, bốc đồng như nhiều người nhận xét. Ông hành động vào lúc này thay vì trong ba năm qua trong bối cảnh đang vướng vào các cuộc luận tội và đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống.

Đảng Cộng hòa, và có lẽ nhiều người thuộc đảng Dân chủ sẽ cực kỳ phấn khích trước một thành công như thế này của quân đội Mỹ. Và ngay cả Mỹ bị đuổi khỏi Iraq, ông Trump và hầu hết người Mỹ, đặc biệt là những người ở các bang Trung Tây Mỹ có tính quyết định đến cuộc bầu cử, đều không quan tâm.

Mỹ vẫn có phạm vi tình báo khổng lồ ở Iraq và có thể tấn công các đối thủ một cách nhanh gọn.

Bất chấp những tiên đoán tàn khốc, người ta không thể loại trừ rằng, vài tháng nữa, ông Trump sẽ được hầu hết người Mỹ và cả các nhà quan sát nước ngoài đánh giá là đã thắng lớn khi giết chỉ huy quân sự hàng đầu của Iran.

 

Nghị sĩ Iran dọa tấn công Nhà Trắng

Nghị sĩ Iran Abolfazl Abutorabi được cho là đã đe dọa tấn công Nhà Trắng để đáp lại việc Tổng thống Trump cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu quốc gia Hồi giáo leo thang hành động thù địch với Mỹ.

 

Tình hình Mỹ và Iran ngày 6/1: Giới chức Iran đồng loạt cảnh báo ‘báo thù khốc liệt’ cho tướng Soleimani

Tình hình Mỹ và Iran vẫn đang rất căng thẳng, dấy lên lo ngại về cuộc đối đầu quân sự giữa hai nước sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân này.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/ong-trump-chi-co-the-thang-lon-tu-viec-giet-tuong-soleimani-148521.html