Tạm dừng phạt xe khách giảm chuyến vì dịch Covid-19

Thứ sáu, 20/03/2020, 13:47 PM

Bộ GTVT tạm thời gỡ bỏ quy định xử lý xe khách chạy không đủ chuyến để tạo điều kiện cho nhà xe giảm tần suất trong đợt dịch Covid-19.

Bộ GTVT tạm thời gỡ bỏ quy định xử lý xe khách chạy không đủ chuyến để tạo điều kiện cho nhà xe giảm tần suất trong đợt dịch Covid-19.

Bộ GTVT tạm thời gỡ bỏ quy định xử lý xe khách chạy không đủ chuyến để tạo điều kiện cho nhà xe giảm tần suất trong đợt dịch Covid-19.

Bộ GTVT vừa có công văn hỏa tốc gửi các sở GTVT địa phương liên quan đến hoạt động của xe khách tuyến cố định trong thời gian có dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố tạm thời không xử phạt các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện dưới 70% số chuyến xe theo biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt.

Trong công văn, Bộ GTVT cũng đề cập đến việc tham mưu, nghiên cứu cơ chế giảm thuế, phí, lệ phí ra vào bến xe để hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải trong thời gian dịch bệnh.

Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT hướng dẫn đơn vị kinh doanh vận tải đảm bảo duy trì hoạt động, vừa đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách vừa cắt giảm được số chuyến tại thời điểm không có khách. Các nhà xe chủ động thông báo về sở GTVT và bến xe 2 đầu tuyến để phối hợp quản lý.

Mới đây, báo cáo về ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội cho biết, số liệu thống kê báo cáo của các đơn vị bến xe trên địa bàn như: Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Nước Ngầm cho thấy, trong tháng 2/2020, đối với vận tải hành khách liên tỉnh đã giảm giảm từ 40 - 50%, ước đạt 2,6 đến 3,15 triệu hành khách.

Trong đó, giảm mạnh nhất là bến xe Nước Ngầm ở mức 65%, tiếp đến là bến xe Yên Nghĩa giảm 45%, các bến xe còn lại ở mức 30 - 40%.

Trong khi đó, vận tải bằng taxi còn giảm mạnh hơn, giảm ở mức 50 - 60% so với cùng kỳ tháng 2/2019, ước đạt 3,6 - 4,58 triệu hành khách. Còn với loại hình vận tải xe hợp đồng (bao gồm cả xe công nghệ), du lịch giảm từ 70 - 80%, ước đạt 3,1 đến 4,58 triệu hành khách.

Đặc biệt, không còn xe Hợp đồng đưa đón học sinh, nhiều lễ hội Xuân không tổ chức... Vận tải hàng hóa cũng giảm 30% so với cùng kỳ.

Tại các địa phương khác như: Điện Biên, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đắk Lắk, Lâm Đồng... số lượng hành khách qua bến đều sụt giảm từ 30 - 50%, tác động lớn tới các đơn vị vận tải.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Hồ Thanh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty xe khách Tuấn Nga (hoạt động tại bến xe Miền Tây) cho biết, doanh nghiệp có 26 xe, trong đó có 9 xe giường nằm VIP loại 20 buồng riêng và 19 xe giường nằm 41 chỗ. Tuy nhiên, những ngày này, xe nhiều nhất cũng chỉ đón được chưa đầy 10 khách. “Để đầu tư 9 xe VIP loại 20 buồng mới, hiện đại, công ty đã bỏ ra gần 4 tỷ đồng cho mỗi chiếc. Trong đó 70% nguồn vốn là vay từ ngân hàng, mỗi tháng công ty phải trả 540 triệu đồng tiền lãi”, ông Tuấn ngao ngán.

Ông Lê Đình Dũng, chủ xe Lê Dũng thuộc HTX vận chuyển khách và hàng hóa dịch vụ Điện Biên cũng thông tin, đơn vị bị sụt giảm doanh thu rất lớn, thậm chí đang phải bù lỗ để duy trì lốt. Hiện, các chuyến chạy tuyến cố định của nhà xe đang lỗ từ 7 - 10 triệu đồng/chuyến. Trước đây, khách phải gọi điện đặt chỗ trước hoặc có vé sẵn mua từ bến, thì nay một chuyến xe 41 giường đi từ Điện Biên xuống Hà Nội chỉ có khoảng 5 - 6 khách.

Theo Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT, nhà xe tuyến cố định nếu chỉ chạy dưới 70% số chuyến trong vòng 1 tháng sẽ bị đình chỉ khai thác tuyến trong 1 tháng.

Trước đó, phản ánh của Tổng cục Đường bộ cho biết, việc kinh doanh ế ẩm do dịch bệnh khiến nhiều nhà xe tuyến cố định muốn dừng chạy để tránh lỗ. Tuy nhiên, quy định chạy dưới 70% số chuyến sẽ bị thu hồi phù hiệu và đình chỉ khai thác khiến các nhà xe vẫn phải duy trì hoạt động.

Theo khảo sát của Tổng cục Đường bộ, lượng xe xuất bến thấp cũng kéo theo thiệt hại cho các bến xe (nguồn thu từ lệ phí ra vào bến, hoa hồng bán vé). Các doanh nghiệp mất thêm chi phí trang bị khẩu trang, dụng cụ bảo hộ trong khi vẫn phải trả lãi vay ngân hàng và trả lương cho nhân viên.

Bài liên quan