Tăng giá điện: Đại biểu Quốc hội nói gì về bức xúc cử tri?

Thứ hai, 20/05/2019, 18:54 PM

Trước lý giải của Bộ Công Thương về việc tăng giá điện, Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết chưa đồng tình, trong khi đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị báo chí cần thông tin trung thực, khách quan.

tang-gia-dien-dai-bieu-quoc-hoi-noi-gi-ve-buc-xuc-cu-tri
Trước lý giải của Bộ Công Thương về việc tăng giá điện, Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết chưa đồng tình, trong khi đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị báo chí cần thông tin trung thực, khách quan. Ảnh minh họa

Từ ngày 20/3/2019, tăng giá điện lên 8,36%, từ mức 1.720,65 đồng/kWh lên mức 1.864,04 đồng/kWh. Sau gần 2 tháng áp dụng biểu giá bán lẻ điện mới (6 bậc thang), hàng trăm trường hợp khách hàng phản ánh tổng tiền điện phải trả cho từng kỳ cao vọt so với trước khi tăng giá bán lẻ điện bình quân.

Thực tế, mức giá đề nghị tăng 8,36% của ngành điện là không cao, hoàn toàn có thể chấp nhận được. Nếu với mức tăng này, giá điện của người dân sẽ tăng lên 8,36%, số tiền không đáng kể. Tuy nhiên khi hóa đơn tiền điện tháng 4 bỗng nhiên tăng gấp 1,5 - 2 lần dư luận nghi ngờ việc tăng giá điện có khuất tất.

EVN lý giải việc hóa đơn tiền điện tăng do năng nóng chỉ đúng một phần, cái mà họ không chỉ ra đó là người dân phải trả tiền điện giá cao do cách tính giá bình quân theo lũy tiến 6 bậc thang.

Mới đây, Bộ Công Thương có báo cáo gửi Thủ tướng về việc kiểm tra giá điện tại các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo Nghị quyết 30/NQ-CP.

Theo đó, cơ quan này khẳng định, kết quả kiểm tra thực tế công tác niêm yết công khai giá điện mới theo Quyết định số 648/QĐ-BCT được được các đơn vị thực hiện đúng quy định tại Điều 6 Luật Giá và đảm bảo thông tin về việc điều chỉnh giá điện đến các khách hàng kịp thời.

Trong báo cáo, Bộ Công Thương cho biết tính toán trên thông số đầu vào cho thấy chi phí mua điện năm 2019 tăng khoảng 20.900 tỉ đồng. Như vậy, giá điện bình quân năm 2019 là 1.864,44 đồng/kWh, tương ứng tỉ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 8,36%.

Cũng theo bộ này, phương án tăng giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỉ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018. Do đó nếu tính thêm thì giá bán sẽ là khoảng 1.879,90 đồng/kWh, tăng tương ứng 9,26%.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên hành lang Quốc hội chiều 20/5, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, giá điện tác động trực tiếp không chỉ đến người tiêu dùng mà cả khối sản xuất, khi các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau về chi phí giá điện.

Do đó, theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Bộ Công Thương phải xem xét cách tính giá điện toàn diện cả 2 mặt: Thứ nhất, giá thành sản xuất điện hiện nay có đúng không. Hiện nay thất thoát đường dây còn lớn. Việc hạch toán chi phí giá thành của các doanh nghiệp cung ứng điện phải sát sao và có lộ trình để giảm dần chi phí, sao cho có chi phí thấp nhất. 

Thứ hai là vấn đề tính toán giá điện bậc thang. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết không đồng ý với ý kiến cho rằng chia càng nhiều bậc càng tốt. Với cách tính toán bậc thang hiện nay, bậc thấp nhất lại nằm ở rất ít đối tượng được hưởng lợi, còn hầu như người dân đều chịu ảnh hưởng ở các bậc cao.

"Cách tính toán làm sao vừa giúp những người khó khăn, nhưng cũng phải vừa đáp ứng được cả yêu cầu của sản xuất. Phải đáp ứng cả 2 mặt: cung ứng giá thành và giá bán phải phù hợp", bà  Mai Thị Ánh Tuyết nói.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phân tích, phản ánh của một số khách hàng về hoá đơn tiền điện trong tháng 4/2019 tăng đến 30-40% chỉ là cá biệt vì một số cá nhân, hộ gia đình sử dụng điện chưa phù hợp, không tiết kiệm. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác đã được Bộ Công Thương và EVN giải trình trước công luận.

Cũng theo vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, vừa qua dư luận phản ứng về hoá đơn tiền điện tháng 4/2019 tăng có nguyên nhân từ việc người dân chưa nắm bắt rõ về phương pháp tính giá điện, về nguyên nhân tăng chi phí trong hoá đơn tiền điện, thậm chí chưa tính toán được chính nhu cầu và cách thức sử dụng điện của mình.

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV sáng ngày 20/5, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu các phương án tính giá điện bậc thang trong thời gian tới để phân loại rõ các đối tượng sử dụng điện để có phương án hỗ trợ, trợ giá phù hợp, công bằng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, đây là chỉ đạo phù hợp, và việc hỗ trợ giá điện cho các đối tượng chính sách, các hộ nghèo là việc làm rất cần thiết vì đây là những đối tượng khó khăn. Tuy nhiên, cần có rà soát, đánh giá chính xác để đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp chứ không nên hỗ trợ dàn trải, gây tâm lý ỷ lại vào chính sách.

 

Mỗi người dân đang 'gánh' bao nhiêu nợ công?

Với quy mô kinh tế năm 2018 khoảng 5,5 triệu tỉ đồng, nợ công ở ngưỡng 3,2 triệu tỉ thì bình quân mỗi người dân Việt Nam gánh hơn 32 triệu đồng nợ công năm 2018.

 

Hải quan Hà Nội lúng túng xét hoàn thuế 6 tỉ cho bé 9 tuổi người Úc

Cục Hải quan Hà Nội cho hay đang vướng mắc trong việc hoàn tất thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng cho chiếc đồng hồ trị giá 6 tỉ đồng của em bé 9 tuổi (quốc tịch Úc).

 

Tăng giá điện, xăng tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định nền kinh tế đang tiềm ẩn các rủi ro và ảnh hưởng bất lợi đến ổn định và tăng trưởng, như việc tăng giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế…