Tăng thuế bảo vệ môi trường kịch trần: Chỉ sử dụng cho bảo vệ môi trường hay làm việc khác?

Thứ bảy, 24/02/2018, 06:49 AM

TS Nguyễn Minh Phong lo ngại thuế bảo vệ môi trường thu về nhưng không sử dụng đúng mục đích bảo vệ môi trường, mà dùng làm việc khác.

mot-so-mau-xe-khong-nen-su-dung-xang-ethanol
Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường kịch sàn 4.000 đồng/lít. Ảnh minh họa

Khung thuế xăng tăng lên mức tối đa 8.000 đồng/lít bị bác vì ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp, ngay lập tức dự thảo Bộ Tài chính lại đưa ra đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Cụ thể, trong dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường đang được công bố công khai lấy ý kiến người dân, Bộ Tài chính đề xuất từ ngày 1/7/2018, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng 1.000 đồng, lên 4.000 đồng/lít- mức kịch trần theo khung hiện hành; với dầu diesel là 2.000 đồng/lít, tăng 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn tăng từ 900 đồng lên 2.000 đồng/lít (kg) - cũng là mức trần khung hiện hành.

Lý giải về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường, dự thảo Bộ Tài chính nêu rõ, Việt Nam đang áp dụng mức thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) đối với xăng là 20% và đối với dầu các loại là 7%.

Tuy nhiên, khi thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng chỉ là 10% (theo Hiệp định AKFTA) và đối với dầu các loại là 0% (theo Hiệp định ATIGA). Với việc áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi trên, số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm.

Bên cạnh đó, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.

Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 27/11/2017, giá bán lẻ xăng của Việt Nam đứng thứ vị trí 45 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia, thấp hơn 122 nước.

tang-thue-bao-ve-moi-truong-kich-tran-chi-su-dung-cho-bao-ve-moi-truong-hay-lam-viec-khac
Dự thảo biểu thuế bảo vệ môi trường mới của Bộ Tài chính. 

Bên cạnh đó, qua đánh giá tình hình thực hiện cho thấy, mức thuế bảo vệ môi trường đối với một số hàng hóa đang ở mức thấp so với mức độ tác động đến môi trường của các hàng hóa này khi được sử dụng, nên cần được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.

Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, với phương án đề xuất điều chỉnh trên, tổng số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến khoảng 57.312 tỷ đồng mỗi năm, tăng khoảng 15.684,2 tỷ đồng/năm. Cùng với số thu thuế bảo vệ môi trường tăng lên, số thu thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa này cũng sẽ tăng khoảng 1.568,4 tỷ đồng.

Khi đó, tổng số thu ngân sách nhà nước dự kiến tăng khoảng 17.252,6 tỷ đồng/năm.

Đáng nói hơn, Bộ Tài chính khẳng định mặc dù việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng này sẽ tác động đến giá bán hàng hóa nhưng việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả hơn; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường, từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường.

Trước đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường môi trường kịch khung với xăng dầu, trao đổi với phóng viên chiều ngày 23/2 Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, Bộ Tài chính tăng khung kịch trần với thuế bảo vệ môi trường chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá hàng hóa.

“Tuy nhiên trong bối cảnh Bộ Tài chính đang đề nghị hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt cho doanh nghiệp bán xăng E5 thì có thể hiểu tăng thu cái này bù vào việc giảm chi phí, bù vào việc giảm cái kia”, TS Nguyễn Minh Phong cho biết.

can-phai-xa-manh-quy-binh-on-de-giam-gia-xang-dau-truoc-tet
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng nếu thuế bảo vệ môi trường thu về nhưng không sử dụng đúng mục đích bảo vệ môi trường, mà dùng làm việc khác sẽ gây phản ứng trong dư luận. Ảnh nguồn internet

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất nâng khung kịch trần thuế bảo vệ môi trường để có lý do tiếp tục đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường từ mức 1.000 đồng– 3.000 đồng hiện nay lên 4.000 đồng – 8.000 đồng.

Trước đó vào tháng 9/2017 khi cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm: “Trong thời điểm hiện tại đưa ra việc tăng thuế suất là không thuận vì ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Chính phủ nên tìm giải pháp tăng nguồn thu khác như tăng cường quản lý thu, giải quyết tồn đọng thuế, nợ thuế, chống trốn thuế, chống gian lận thương mại... thay vì tìm cách tăng một số loại thuế.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khung thuế hiện hành dùng chưa hết, giờ lại đề nghị tăng gấp đôi khung cho xăng dầu trong khi đây không phải là loại sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nhất là chưa hợp lý…

Trước nhận định trên, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, đây là đánh giá có phần chủ quan nhưng rõ ràng khi nâng kịch trần khung thuế bảo vệ môi trường, nếu trong trường hợp muốn điều chỉnh mức thuế thì phải nâng khung thuế lên.

Điều TS Phong lo lắng khi tăng thuế bảo vệ môi trường nhưng việc sử dụng thuế có vào đúng mục đích tăng hay không. “Tên thuế là bảo vệ môi trường nhưng nếu không dùng cho công tác giữ gìn, khắc phục và bảo vệ môi trường sẽ dẫn đến phản ứng trong dư luận”, ông Phong nói.

Theo số liệu của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện Luật thuế bảo vệ môi trường 5 năm qua, trong khi khoản thu từ nguồn thuế này tăng 4 lần thì chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tăng chưa tới 1,4 lần.

Cụ thể năm 2012, số thu từ thuế bảo vệ môi trường là 11.160 tỷ đồng, đã tăng lên mức 42.393 tỷ đồng vào năm 2016, tương đương tăng 4 lần trong vòng 5 năm. Con số này có được là nhờ tăng thuế môi trường với xăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng một lít hồi giữa năm 2015.

Ngược lại, số chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường lại tăng không đáng kể, từ 9.000 tỷ đồng năm 2012 lên 12.290 tỷ đồng sau 5 năm và chỉ chiếm khoảng 1% ngân sách. Như vậy, trong lúc thuế môi trường thu 4 đồng thì khoản chi ra cho việc bảo vệ môi trường chỉ khoảng 1 đồng.

Điều này khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi về hiệu quả sử dụng số thu thuế trên có thực sự để phục vụ mục đích bảo vệ môi trường?.

 

Thuế xăng dầu tăng kịch khung lên 4.000 đồng/lít: Người nghèo chịu thiệt nhất

Bộ Tài chính đề xuất tăng kịch khung lên 4.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu từ 1/7 tới. .

 

Giá xăng dầu đồng loạt giảm trong kỳ điều chỉnh đầu tiên sau Tết Nguyên đán

Trong kỳ điều hành đầu tiên của năm Mậu Tuất, giá xăng RON 95 đã giảm 400 đồng/lít khi lần đầu tiên được điều hành giá.

 

Cần phải xả mạnh quỹ bình ổn để giảm giá xăng dầu trước Tết

Theo TS Nguyễn Minh Phong để đảm bảo giá xăng dầu bình ổn không tăng trước và sau dịp Tết cần phải xả mạnh quỹ bình ổn.