Tập đoàn Dầu khí: Tổng giám đốc đột nhiên từ chức, dự án dầu khí tỉ đô ở Venezuela bị điều tra

Thứ năm, 14/03/2019, 09:16 AM

Chưa hết bất ngờ thông tin ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí từ chức thì mới đây dự án dầu khí Venezuela của tập đoàn này bị Bộ Công an điều tra.

tap-doan-dau-khi-tong-giam-doc-dot-nhien-tu-chuc-du-an-dau-khi-ti-do-o-venezuela-bi-dieu-tra
Liên tục thông tin không vui với Tập đoàn Dầu khí khi tổng giám đốc đột nhiên từ chức, dự án dầu khí tỉ đô ở Venezuela bị điều tra. Ảnh minh họa

Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xin từ chức

Thông tin trên Dân Trí cho biết, ông Nguyễn Vũ trường Sơn đã có đơn gửi Hội đồng thành viên của Tập đoàn Dầu khí (PVN) để xin từ chức từ nhiều ngày trước. Tuy nhiên, cho đến ngày 12/3, Hội đồng quản trị PVN mới họp lần cuối và xem xét, chấp nhận đề nghị xin từ chức của ông Sơn.

Cuối giờ chiều ngày 13/3, trả lời Dân trí, một thành viên Hội đồng thành viên của PVN cũng đã xác nhận các thông tin trên.

Lý do ông Sơn xin từ chức chưa được tiết lộ.

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn chính thức nhậm chức Tổng giám đốc từ đầu tháng 3/2016.

tap-doan-dau-khi-tong-giam-doc-dot-nhien-tu-chuc-du-an-dau-khi-ti-do-o-venezuela-bi-dieu-tra
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí từ chức. Ảnh Dân Trí

Ông Sơn có thời gian làm Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) (Thời kỳ từ tháng 7/2009 đến  đầu tháng 2/2012), sau đó làm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam kiêm thành viên Hội đồng quản trị. Ông Sơn cũng có thời gian ngắn (năm 2017) làm Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN, sau đó trở lại vị trí Tổng giám đốc của tập đoàn này.

Ông Sơn quê ở Quảng Trị, sinh năm 1962, trình độ: Thạc sỹ Công nghệ Hệ thống - Đại học Kỹ thuật Hoàng Gia Melbourne (RMIT) - Úc.

Bộ Công an điều tra dự án dầu khí tỉ đô ở Venezuela

Theo thông tin trên Người Lao động, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) đã đề nghị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu về dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela (dự án Junin 2) của Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc PVN.

Việc cung cấp hồ sơ, tài liệu nhằm phục vụ công tác điều tra xác minh một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thực hiện đầu tư dự án nêu trên.

Dự án Junin 2 tại Venezuela do PVEP làm chủ đầu tư (40% vốn) cùng với Tổng công ty dầu khí Venezuela.

Petromacareo là công ty liên doanh giữa PVEP và Công ty Dầu khí Venezuela (CVP), đơn vị thành viên của Công ty Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) được thành lập để thực hiện dự án. Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1,8 tỉ USD cho giai đoạn 1 từ 2010-2015.

tap-doan-dau-khi-tong-giam-doc-dot-nhien-tu-chuc-du-an-dau-khi-ti-do-o-venezuela-bi-dieu-tra
Trụ sở Tập đoàn Dầu khí. Ảnh Kinh tế đô thị

Thời hạn hoạt động của công ty liên doanh là 25 năm và có thể gia hạn tối đa thêm 15 năm theo quy định của luật pháp Venezuela.

Liên doanh này được phép chế biến dầu nặng và siêu nặng khai thác tại mỏ rộng 248 km², thuộc vành đai dầu nặng Orinoco. Khu vực này được đánh giá là nơi có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Ngoài ra, liên doanh còn được quyền kinh doanh dầu đã qua sơ chế và các sản phẩm khác thu được từ quá trình này

Tính toán ban đầu cho thấy công suất khai thác giai đoạn 1 của dự án đạt 50.000 thùng dầu/ngày, giai đoạn 2 nâng lên 200.000 thùng dầu/ngày. Lô Junin 2 có tổng diện tích khai thác 522,84 km2 trên đất liền thuộc các huyện Leonardo Infante, El Socorr, Santa Maria, bang Guarico, Venezuela.

Thế nhưng, hiện nay dự án đã tạm dừng triển khai từ năm 2018, trong khi PVEP đã rót hàng trăm triệu USD vào dự án này.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị điều tra

Trước đó, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành vừa ký công văn đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an làm rõ một số sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Qua kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017 của PVN, Kiểm toán Nhà nước phát hiện Ban quản lý dự án công trình liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn và một số cá nhân đã chuyển tiền vào tài khoản của Công ty mẹ PVN hơn 8,5 tỷ đồng.

Qua thu thập tài liệu và giải trình của đơn vị, Kiểm toán Nhà nước phát hiện từ năm 2010 đến năm 2015, bằng nhiều hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn và các văn bản thỏa thuận, Ban quản lý dự án công trình liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã để ngoài hệ thống sổ sách kế toán, báo cáo tài chính khoản tiền lãi nhận được qua các hợp đồng tiền gửi tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) - chi nhánh Thanh Hóa và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại dương (Ocean Bank) - chi nhánh Thanh Hóa. Số tiền để ngoài sổ sách theo rà soát ban đầu của PVN là 22,1 tỷ đồng.

tap-doan-dau-khi-tong-giam-doc-dot-nhien-tu-chuc-du-an-dau-khi-ti-do-o-venezuela-bi-dieu-tra
Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: Lao Động.

Tiền lãi để ngoài sổ sách nêu trên được hình thành từ việc sử dụng nguồn vốn cấp của PVN và nguồn tiền thu từ thực hiện hợp đồng dịch vụ với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn gửi ngân hàng thông qua các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn nhưng không theo dõi, hạch toán đầy đủ lãi tiền gửi có kỳ hạn vào sổ kế toán.

Đơn vị chỉ phản ánh tiền lãi không kỳ hạn để nhận tiền chênh lệch lãi suất. Để che dấu hành vi nêu trên, Ban quản lý dự án công trình liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã thỏa thuận với MB chi nhánh Thanh Hóa và Ocean Bank chi nhánh Thanh Hóa để được nhận chênh lệch lãi suất bằng tiền mặt, chuyển vào tài khoản cá nhân hoặc chuyển tiền vào tài khoản đứng tên Ban quản lý dự án công trình liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhưng không đưa vào hệ thống sổ sách.

Sau khi PVN phát hiện, yêu cầu hạch toán, nộp khoản tiền để ngoài sổ sách về PVN, Ban quản lý dự án công trình liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn và một số cá nhân đã chuyển tiền nộp về tài khoản của công ty mẹ hơn 8,5 tỷ đồng, trong đó cá nhân ông Nguyễn Khắc Hiệp, nguyên Trưởng ban quản lý dự án, nộp 4 tỷ đồng. Ngoài ra, qua báo cáo kết quả rà soát đối chiếu của PVN với MB cho thấy, Ban quản lý dự án công trình liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã không phản ánh trung thực số liệu phát sinh 1.626 tỷ đồng trên tài khoản 8401100999009.

Do sai phạm kéo dài từ năm 2010, liên quan đến các bên tham gia ký kết hợp đồng, ký thỏa thuận nhận - sử dụng khoản chênh lệch lãi suất, tiềm ẩn những sai phạm ở phạm vi và mức độ rộng hơn, gắn với trách nhiệm của các tập thể, cá nhân nên Kiểm toán Nhà nước gửi bằng chứng để Bộ Công an điều tra làm rõ.

 

Thêm biện pháp xóa tín dụng đen

Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ người dân "vay nóng" với lãi suất thấp nhất, đây được xem như biện pháp để xóa tín dụng đen đang gây bức xúc trong nhân dân.

 

Chủ đầu tư Charmvit bị ‘tố’ dùng vũ lực đối với khách hàng

Ngày 13/03/2019, tại Grand Plaza (số 117, Trần Duy Hưng) đã xảy ra mâu thuẫn giữa chủ đầu tư tòa nhà Charmvit (Hàn Quốc) với khách hàng, theo phản ánh bảo vệ tòa nhà dùng vũ lực với khách hàng.

 

Chậm chuyến bay ‘căn bệnh’ kinh niên của hàng không Việt

Thống kê trong tháng 02/2019 (Giai đoạn từ 19/01/2019 - 18/02/2019) cả nước có 4.984 chuyến bay bị chậm trong tổng số 24.379 chuyến bay một con số kỷ lục.