Tập đoàn điện lực và mệnh lệnh không được thiếu điện năm 2019

Thứ tư, 06/02/2019, 06:49 AM

Chưa khi nào ngành điện nhận sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Đảng, Nhà nước như năm 2019 khi cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và trước đó là Thủ tướng Chính phủ đều đưa ra yêu cầu không được để thiếu điện.

nganh-dien-va-menh-lenh-khong-duoc-thieu-dien-nam-2019
Ngành điện và mệnh lệnh không được thiếu điện năm 2019. Ảnh minh họa

Ngay trước thời khắc chuyển giao sang năm mới Kỷ Hợi, khi tới thăm hỏi, động viên và chúc Tết cán bộ nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN),  Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vai trò của ngành điện là ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước.

"Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, điện khí hóa toàn quốc, EVN đóng vai trò hết sức quan trọnglà đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống sinh hoạt của nhân dân", ông nói và cho rằng, đất nước 100 triệu dân đang công nghiệp hoá, đô thị hoá rất mạnh nhưng tình trạng mất điện "rất hiếm hoi, nếu không nói hầu như không còn".

"Riêng điểm này thôi đã nói lên tất cả, không chỉ ở các thành phố lớn, người dân ở vùng sâu, xa, miền núi, biên giới, hải đảo... đều được sử dụng điện do chúng ta tự sản xuất ra, với công suất rất lớn. Nhân dân được hưởng thành quả này, tôi tin nhân dân cũng rất mừng", Tổng bí thư nói.

Năm 2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước mong ngành điện tiếp tục nỗ lực, phát huy truyền thống trong năm 2019, hoàn thành nhiệm vụ được giao và phấn đấu đảm bảo điện cho phát triển kinh tế, xã hội, để "đất nước ngày càng to đẹp hơn, là đất nước công nghiệp hoá, điện khí hoá".

Trước đó tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2018 diễn ra đầu tháng 12/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ không đồng tình việc một lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết có thể xảy ra nguy cơ thiếu điện ngay đầu năm 2019, do một số nhà máy nhiệt điện thiếu than.

VTV dẫn lời Thủ tướng cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông đã có nhiều cuộc họp, có nhiều giải pháp để bảo đảm cung cấp đủ nguồn điện đến sau năm 2020, bởi nếu nền kinh tế thiếu điện sẽ gây ra tác động khôn lường. Thủ tướng bày tỏ thái độ cương quyết nếu để mất điện, một số người phải mất chức.

“Tôi đã nói rất nhiều lần rồi, nếu như mất điện, một số đồng chí phải mất chức. Thái độ chúng ta phải cương quyết. Tôi đã viết rất nhiều thư cho các đồng chí có liên quan về việc chuẩn bị điện ngay từ đầu năm. Tập thư mà tôi viết còn rất nhiều về những chỉ đạo này”, ông nói.

Thủ tướng cho rằng Bộ Công Thương, EVN phải xem lại chỉ đạo của mình ra sao khi để xảy ra tình trạng đe dọa cắt điện trong thời gian tới.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết đã làm việc với EVN để xây dựng kế hoạch cung cấp điện cho năm 2019 và trong các tháng cuối năm 2018. Nhiều hồ thuỷ điện ở miền Trung - Tây Nguyên xảy ra tình trạng khô hạn, mực nước thấp hơn mức trung bình nhiều năm, làm ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cho kế hoạch cung cấp điện năm 2019.

Tuy nhiên Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN tính toán phương án cung ứng điện theo 4 kịch bản. Ông khẳng định sản lượng điện năm 2019 sẽ đạt 242 tỷ kWh ở phương án cơ sở và 243,5 tỷ kWh ở phương án cao với tốc độ tăng trưởng tương đương tốc độ tăng trưởng dự báo trong tổng sơ đồ phát triển điện lực.

“Qua tính toán, Bộ Công Thương khẳng định cả 4 phương án cho thấy hệ thống đều bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, nhu cầu của người dân. Tuy nhiên trong một số trường hợp sẽ phải huy động từ 2-7 tỷ kWh từ các nguồn điện dầu, có thể đắt hơn, nhưng quan trọng nhất Bộ Công Thương khẳng định bảo đảm đủ điện trong năm 2019”, ông nói.

Câu chuyện thiếu điện bắt đầu từ khi EVN công bố báo cáo cho thấy có nguy cơ thiếu điện do thiếu hụt nguồn cung từ thủy điện. Trong khi đó tập đoàn lại gặp vấn đề khi thiếu hụt nguồn nhiên liệu, cụ thể là than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. EVN cho biết từ đầu tháng 10 đến nay, EVN đã thiếu khoảng 340.000 tấn than.

Theo Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành, năm 2018, EVN đã cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 các nước ASEAN và đứng thứ 23 thế giới. EVN đã cơ bản hoàn thành công cuộc điện khí hóa toàn quốc với việc cung cấp điện cho 100% số xã; 99,37% số hộ, trong đó có 99,05% số hộ dân nông thôn có điện. 11/12 huyện đảo trên cả nước, gồm quần đảo Trường Sa đã được cấp điện lưới trực tiếp,đảm bảo an ninh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Song song đó, năm 2018, EVN đã đưa chỉ tiêu tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 37 bậc, vươn lên vị trí thứ 27 trong 190 quốc gia/nền kinh tế trên thế giới và đạt mục tiêu vào nhóm ASEAN 4 trước 2 năm theo yêu cầu của Chính phủ. Công tác dịch vụ khách hàng của EVN đạt cấp độ 4 về dịch vụ một cửa trực tuyến quốc gia.

 

Những thách thức, khó khăn tiềm ẩn ngành ngân hàng năm 2019

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hoạt động ngân hàng trong năm 2019 sẽ tiếp tục được cải thiện nhưng cũng có thể đối mặt với nhiều áp lực, thách thức.

 

Đầu năm Kỷ Hợi, người dân nên đầu tư vào vàng hay đi gửi tiết kiệm?

Đầu năm là thời điểm nhiều gia đình vạch ra kế hoạch tài chính cho cả năm. Vì vậy, khoản tiền thưởng nhận được cận Tết Nguyên đán sẽ được dùng số để đầu tư vào một số kênh sinh lời như dự trữ vàng hoặc gửi tiết kiệm.

 

2019 một năm đầy khó khăn chờ doanh nghiệp bất động sản

Khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản năm 2019 là sự thiếu hụt nguồn cung quỹ đất, thiếu hụt nguồn cung dự án phân khúc nhà ở trung cấp và phân khúc nhà ở bình dân.