Tập đoàn Nagakawa: Bán nồi cơm điện Nagakawa theo kiểu 'treo đầu dê bán thịt chó'?

Thứ năm, 26/09/2019, 20:16 PM

Nồi cơm điện Nagakawa được giới thiệu như một “siêu phẩm” công nghệ trong nấu ăn dành cho các hộ gia đình có người bị tiểu đường bởi nồi cơm có thể tách đường trong quá trình nấu ăn... lời quảng cáo chưa có căn cứ.

em hường - nồi cơm điện nagakawa1
Lời quảng cáo hấp dẫn "nồi cơm điện tách đường Nagakawa Nago120" được Tập đoàn Nagakawa đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng.

Quảng cáo nồi cơm Trung Quốc như một thần dược...

Tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Nagakawa ra mắt sản phẩm nồi cơm điện tách đường Nagakawa tại Hạ Long (Quảng Ninh), tại buổi ra mắt, bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Phó tổng Giám đốc công ty Cổ phần Tập đoàn Nagakawa khẳng định “như đinh đóng cột” trước báo giới: “Với dòng sản phẩm nồi cơm điện tách đường, chúng tôi muốn cung cấp cho khách hàng một sự lựa chọn vì sức khoẻ và giải pháp để sống khoẻ mỗi ngày với các sản phẩm của Nagakawa, đây là hướng đi cao hơn việc bán hàng thông thường của tập đoàn ".

Đó là những lời giới thiệu có kế hoạch nhằm tung “hỏa mù” dành cho khách hàng thiếu hiểu biết được Phó giám đốc Công ty CP Tập đoàn Nagakawa phát ngôn thay cho chất lượng sản phẩm của mình? Hay là chiêu bài bán hàng đánh đòn tâm lý những người mắc bệnh?...

Đến nay, sau một thời gian ngắn bán dòng sản phẩm nồi cơm điện Nagakawa, rất nhiều độc giả, chuyên gia y tế, PGS, Tiến sĩ cũng nhiều đội ngũ bắc sĩ trên cả nước đặt nghi vấn về chất lượng “ảo diệu” của nồi cơm điện này không thể thực hiện như những lời quảng cáo được người phát ngôn tập đoàn đưa ra, vậy nồi cơm điện Nagakawa có thực sự tách đường trong quá trình nấu?.

Sự phản biện của chuyên gia đầu ngành

Để có thông tin chuẩn xác về dòng sản phẩm nồi cơm điện Nagakawa tách đường trong khi nấu, mới đây phóng viên đã liên hệ làm việc trực tiếp với PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội để tìm hiểu thông tin, tuy nhiên, ngày 20/09, trả lời trên Báo Điện tử  kienthuc.net.vn đã cho biết rõ.

Cụ thể, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói: “Tôi chỉ thấy ý tưởng đột phá trong tư duy, suy nghĩ để Tập đoàn Nakagawa quảng cáo bán dòng sản phẩm mà thôi. Việc nồi cơm điện tách đường trong quá trình nấu là không thể, chỉ dành cho quảng cáo, tôi cho đó là lời “nói thái quá” của Tập đoàn Nagakawa”.

Quảng cáo nồi cơm điện như một phương pháp điều trị, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường cho bệnh nhân mắc bệnh.

Theo lới phân tích trên phương diện khoa học mà PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh chỉ ra cho chúng tôi biết: “ Trong gạo có hàm lượng đường rất ít chỉ từ 0 – 4%, tỉ lệ tinh bột là chính. Khi sử dụng chiếc nồi cơm điện trên để tách đường ra, thực chất chỉ là để gạn nước cơm đi”.

Thực tế, việc gạn nước cơm đi là người ta đang bỏ đi một lượng dinh dưỡng rất đáng kể, nhất là các vitamin nhóm B, bởi khi nấu cơm, không phải chỉ có đường mà vitamin, chất béo có trong gạo đều sẽ được hòa tan với nước. Nhưng người ta lại gạn đi nước ấy là dinh dưỡng khác gì bị bỏ hết.

“Người ăn cơm từ gạo nấu kiểu này này sẽ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, thiếu hụt năng lượng cho hoạt động của các tế bào trong cơ thể. Thậm chí nhiều khi gạo trắng quá người ta còn phải ăn gạo nứt, đằng này lại dùng nồi gạn nước chứa chất dinh dưỡng đi thì không đáng”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

PGS Thịnh nhận định: “Nếu nồi cơm tách đường có công năng thật thì nó chỉ sử dụng với người bị bệnh tiểu đường ăn, còn những người thân của họ đâu mắc bệnh tiểu đường nên đâu cần phải ăn như vậy! Chẳng nhẽ mua nồi cơm đấy về để nấu riêng người bệnh tiểu đường?"

PGS Thịnh cho biết, muốn nấu cơm cho những người bị tiểu đường cũng rất đơn giản, không cần phải tốn tiền mua nồi cơm điện tách đường chưa rõ thực hư công năng thế nào. Thực tế, mọi người chỉ cần sử dụng những nồi cơm điện thông thường hoặc nấu bằng bếp than, bếp củi vẫn được. Khi nấu cơm nên cho nước vào nồi nhiều một chút, đến lúc cơm sôi lên thì lấy môi gạn một lượng nước cơm đó ra khỏi nồi, như vậy là có thể tách bớt được lượng đường trong gạo ra.

“Cớ chi phải bỏ ra 3-4 triệu đồng để mua một chiếc nồi cơm điện tách đường, rõ ràng là không xứng với số tiền bỏ ra, hiệu quả lại thấp, đồng thời lại làm suy dinh dưỡng cho người khác và người bị bệnh tiểu đường, vì người bị bệnh tiểu đường cũng cần có vitamin B1. Tác dụng như vậy là "lợi bất cập hại”” - PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

Việc quảng cáo của Tập đòan Nagakawa nói rằng "ăn cơm "tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường", và nồi cơm điện tách đường Nagakawa sẽ giúp mọi người ngăn ngừa bệnh này?", một chuyên gia dinh dưỡng giấu tên cũng cho biết, con người ăn cơm là để lấy năng lượng, sao lại nói là ăn cơm bị tiểu đường?

"Phải hiểu rằng, con người cần phải cân bằng các chất. Đương nhiên, lượng đường ở trong gạo có nhưng chỉ là một phần nhỏ ăn vào cơ thể nó chuyển hóa rất chậm. Tốt nhất, không nên sản xuất những loại nồi cơm tách đường làm gì", vị chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh.

Nhân danh bác sĩ nội khoa – tiểu đường khẳng định, nồi cơm không thể tách đường

Thực tế, đã có rất ý kiến của chuyên gia về sản phẩm nồi cơm điện tách đường. Trước đó, thông tin trên báo Khoa học Đời Sống, bác sĩ Phan Quốc Sỹ (Bệnh viện Bạch Mai) đăng lên Facebook cá nhân về sản phẩm này.

Trong nội dung bài đăng, bác sĩ Phan Quốc sĩ cho biết: "Hiện tại trên FB đang lan truyền quảng cáo loại nồi cơm điện tách, giảm đường dành cho người bệnh tiểu đường, thừa cân. Đây là một trò lừa đảo bịp bợm, lấy danh nghĩa khoa học để móc túi mọi người".

Nhân danh BS Nội khoa - Tiểu đường, vị bác sĩ này cũng đưa ra lập luận, cơm chín hoặc bánh mỳ chứa 50% gluxit phức hợp dưới dạng tinh bột amidon. Khi vào đường tiêu hóa sẽ được các men tiêu hóa như amylase..., thủy phân thành đường đơn glucose để được hấp thụ thấm vào máu tĩnh mạch cửa rồi dự trữ ở gan dưới dạng glycogen, để dùng dần giữa các bữa ăn trong ngày, lấy năng lượng cho tế bào cơ và não hoạt động.

Nếu tách và loại đường trong tinh bột thì không có năng lượng cho hoạt động của các tế bào trong cơ thể. Thật là hoang đường khi nói có thể loại hoặc tách gluxit trong cái được gọi là “nồi cơm điện tách đường”.

"Gạo càng trắng và càng được nấu chín thì đường càng được hấp thụ nhanh sau ăn, không tốt. Muốn cho đường máu đỡ tăng cao sau bữa ăn thì chỉ có cách ăn cơm với số lượng vừa phải và lẫn với rau xanh (nhiều xơ), vận động thể lực nhiều (làm việc chân tay, đi bộ, leo cầu thang bộ...)", bác sĩ Phan Quốc Sỹ nói thêm. 

Khách hàng nên tin tưởng vào lời khuyên của các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành việc tách đường của nồi cơm Nagakawa là không thể và chưa kiểm định xác thực? Thực hư câu chuyện nồi cơm tách đường là ‘hư cấu” để Tập đoàn Nagakawa bán sản phẩm?... trước lúc đó khách hàng nên suy xét.

Báo Sức Khỏe Cộng Đồng sẽ tiếp tục thông tin!