"Tất cả các cuộc chiến tranh phải ngừng bắn"

Thứ ba, 24/03/2020, 06:35 AM

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã kêu gọi tất cả các cuộc chiến tranh đang diễn ra trên thế giới "hãy ngừng bắn" để chống lại đại dịch Covid-19 đang lan nhanh khắp toàn cầu.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã kêu gọi tất cả các cuộc chiến tranh đang diễn ra trên thế giới

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã kêu gọi tất cả các cuộc chiến tranh đang diễn ra trên thế giới "hãy ngừng bắn" để chống lại đại dịch Covid-19 đang lan nhanh khắp toàn cầu. Ảnh: Metro.co.uk

Tờ Metro của Anh cho biết, ông Antonio Guterres đã đưa ra lời cầu xin (made the plea) hôm 23/3 trong một bài phát biểu ngắn tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, nhưng không đề cập đến quốc gia nào.

Ông nói: "Sự điên cuồng của virus (SARS-Cov-2) minh họa sự điên rồ của chiến tranh... Đó là lý do tại sao hôm nay tôi kêu gọi ngừng bắn toàn cầu, ngay lập tức và ở tất cả mọi nơi trên thế giới". 

Syria đã báo cáo trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19. Đây là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến tranh kéo dài suốt 10 năm qua. Nhiều trường hợp nhiễm bệnh khác đã xuất hiện ở Congo và Afghanistan. Các chuyên gia và các nhà ngoại giao dự đoán virus này sẽ tàn phá các quốc gia có xung đột, thường rất nghèo nàn và có hệ thống chăm sóc sức khỏe mong manh.

Ông Guterres nói thêm: 'Đã đến lúc ngừng bắn và tập trung cùng nhau vào cuộc chiến thật sự bảo vệ cuộc sống của chúng ta".

"Ngừng bắn, ngừng tiếng pháo, kết thúc mọi cuộc không kích", ông nhấn mạnh. 

Theo ông, việc ngừng bắn rất quan trọng để mở hành lang cung cấp viện trợ y tế. Vào ngày 25/3, dự kiến Liên Hợp Quốc ​​sẽ công bố một kế hoạch cứu trợ nhân đạo chi tiết trên toàn thế giới thông qua việc thành lập một quỹ dành riêng cho cuộc chiến chống lại virus SARS-COV-2.

Đại dịch đang tăng tốc

Cũng trong ngày hôm qua, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra lời cảnh báo: “Đại dịch đang tăng tốc”.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus viết trên Twitter: “Hơn 300.000 ca Covid-19 đã được báo cáo với WHO, đến từ hầu hết mọi nước trên Trái đất. Đại dịch đang tăng tốc. Mất 67 ngày để từ ca thứ nhất tăng lên ca 100.000. Mất 11 ngày để đến ca 200.000 và chỉ mất 4 ngày để đến ca 300.000”.

Trong tuần này, WHO có kế hoạch ghi danh những bệnh nhân đầu tiên để thử nghiệm các phác đồ điều trị khác nhau, TS Soumya Swaminathan, nhà khoa học chính của WHO, nói với các phóng viên ngày 23/3.

Tháng trước, WHO tuyên bố đã tổ chức một chương trình thí điểm kiểm nghiệm các phương pháp điều trị ở nhiều nước và so sánh dữ liệu để tìm ra các phác đồ hiệu quả nhất. Theo WHO, nhiều nước đã đồng ý tham gia chương trình, gồm Argentina, Bahrain, Canada, Pháp, Iran, Na Uy, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Thái lan.

Bài liên quan