Tất cả cùng đến đích: Thịnh vượng, tự do và hạnh phúc

Thứ bảy, 02/01/2021, 07:00 AM

Trong năm 2020, dấu + (dương) là chỉ dấu mà bất cứ ai - từ người dân đến vị tổng thống - khi xét nghiệm COVID-19 cũng phải kinh hoàng.

Nhưng cũng chính vì đại dịch này mà dấu cộng trong tăng trưởng chưa bao giờ lại được các nhà hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu trân trọng và nâng niu đến thế.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việt Nam, cho đến nay, đã làm tốt việc phòng chống đại dịch và cũng làm tốt trong tăng trưởng, ít nhất giữ được một dấu cộng khá nhất trong khu vực và được chú ý trên toàn cầu. Tăng trưởng dương 3%, tất nhiên không như kế hoạch - nhưng đã mang lại niềm tin vô cùng lớn lao, sau những bàng hoàng, chao đảo dồn dập vì dịch bệnh và thiên tai.

Năm 2021: 6% và các nguồn lực khả thi

Theo kế hoạch vừa được cơ quan lập pháp hàng đầu của đất nước thông qua, chúng ta  sẽ phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 6% trong năm 2021.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gần 2,4% năm 2020 và khoảng 6,8% năm 2021, nhờ đất nước quản lý tốt đại dịch COVID-19, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 21/12.

Tồ chức tài chính lớn nhất thế giới và đáng tin cậy này dự báo rằng Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng tích cực trong năm nay trong khi nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm ít nhất 4%.

“Bên cạnh việc ngăn chặn đại dịch bằng các biện pháp táo bạo, sớm và đổi mới, Chính phủ Việt Nam cũng đã sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ của mình để kiến tạo môi trường tốt cho khu vực tư nhân và khởi động quá trình phục hồi,” hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc ngày 22/12/2020 trích báo cáo của Ngân hàng Thế giới.

Tuy vậy, COVID-19 và bão lũ đã tác động đến nhiều khu vực kinh tế của đất nước, nhất là công nghiệp du lịch và bất động sản. Một khu vực mà trong tất cả biến động đều đứng vững là nông nghiệp: năm 2020 chỉ giảm 0,3 điểm phần trăm. Nông nghiệp sẽ tiếp tục là một trong những nguồn lực đóng góp cho các dấu cộng tăng trưởng đáng trân trọng, và là trụ đỡ cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, khu vực ngoại thương, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thập kỷ qua, đã hoạt động đặc biệt tốt kể từ đầu cuộc khủng hoảng COVID-19. Tính kiên định nhất quán trong điều hành đất nước cuối cùng đã được tưởng thưởng. Ngay từ đầu năm 2020, khi nhà nhà Việt Nam, theo truyền thống, rộn ràng đón Tết âm lịch, thì Chính phủ đã ban bố tình trang khẩn cấp “chống dịch như chống giặc.” Không phải ai cũng tin, nhưng hầu hết đều tuân thủ nghiêm túc.

Hai yếu tố tạo nguồn lực cho triển vọng năm 2021 đến từ kinh tế đối ngoại: thặng dư thương mại hàng hóa cao nhất từ trước đến nay và tăng dự trữ quốc tế. Báo cáo cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư hoặc chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam do đất nước quản lý tốt đại dịch.

Tất nhiên các yếu tố này cũng gây không ít khó khăn khi vào cuối năm 2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa Việt Nam (cùng Thụy Sĩ) vào danh sách “thao túng tiền tệ”. Tuy vậy, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã kịp thời giải trình vấn đề một cách tự tin và minh bạch cao nhất có thể. Thủ tướng Chính phủ đã nhanh chóng hành động ngay sau khi phía Mỹ đưa Việt Nam vào “danh sách đen”, bằng cuộc điện đàm trực tiếp với Tổng thống Donald Trump với những lý lẽ rõ ràng và sự khiêm cung cần thiết khi nói Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, không hề và không muốn tạo lợi thế cạnh tranh dựa trên “phù phép” đồng tiền.

Những dự báo thực tế

Khi công bố tăng trưởng kinh tế 2,12% trong chín tháng đầu năm nay, Tổng cục Thống kê đã tiếp cận theo hướng “khiêm tốn”: Đây là “mức thấp nhất trong thập kỷ qua”, thay vì hào hứng: “mức cao nhất trong khu vực”. Thật ra, đó là cách tiếp cận tạo tin cậy nhiều hơn và cũng thực tế hơn: tất cả thách thức trong một tương lai gần đang còn ở phía trước. Nhưng thực tế tăng trưởng khoảng 3%.

Trong khi đó, các tổ chức tài chính uy tín thế giới tiếp tục có các dự báo tươi sáng về tương lai kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới cho biết triển vọng của Việt Nam có tín hiệu khả quan khi nền kinh tế dự kiến tăng trưởng khoảng 6,8% vào năm 2021 và sau đó ổn định ở mức khoảng 6,5%. Dự báo này giả định rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ dần được kiểm soát, nhất là thông qua việc đưa ra được một loại vaccine hiệu quả.

Đầu tháng 11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF  đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam lên 6,5%. Hai ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á là UOB và HSBC cũng có các dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lần lượt là: 7,1% và 8,1%.

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021

Ngân hàng Thế giới (WB): 6,8%

Tổ chức Tiền tệ Thế giới (IMF): 6,5%

Ngân hàng UOB: 7,1%

Ngân hàng HSBC: 8,1%

Tờ báo uy tín của Nhật Bản là Nikkei Asia ngày 22/12 đã có bài nhận định khá dài về tình hình kinh tế-chính trị Việt Nam trước kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII, với mở đầu: “Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam nằm trong số ít người trên thế giới đã làm cho năm 2020 là một thành công”. Dù có vài nhận định khác về mặt xã hội và con người, tờ báo khẳng định các điểm sáng về kinh tế, đặc biệt cho rằng Việt Nam sẽ vượt lên chiếm vị trí là “nền kinh tế lớn thứ tư” Đông Nam Á.

Tiếp tục chống

Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói về tham nhũng chính trị tức là tham nhũng quyền lực. Cuộc chiến chống tham nhũng và lãng phí sẽ tiếp tục với những “lò đốt” mới. Giống như một chuyến tàu tốc hành tiến về phía trước, công cuộc phát triển của đất nước chỉ có thể đạt đến đích khi mặc định rằng có hệ thống phanh cực kỳ mạnh, cực kỳ an toàn. Cuộc chiến chống tham những là một trong những chiếc phanh trong hệ thống đó. Nói cho cùng, mọi sự tham nhũng đều là dựa trên quyền lực. Và vì vậy nếu không nhận thức khuôn mặt thật của tham nhũng chính là “tham nhũng chính trị” thì các lò đốt vẫn chỉ nóng chung quanh, chứ chưa đi vào cốt lõi.

Cuộc chiến thứ hai, nói lên sự liên tục của đường lối coi trọng con người, xem “an toàn tính mạng nhân dân là trên hết”, đó là chống dịch bệnh, cụ thể vẫn là COVID-19. Khi bước sang thế kỷ 21, nhiều nhà tương lai học đưa ra dự báo xấu, nhưng không ai dự báo về một trận đại dịch toàn cầu. Dự báo chắc chắn của năm 2021 là dịch COVID-19 vẫn như “lưỡi gươm Damocles” treo lơ lửng trên đầu.

Nói cho cùng, sự thành công của “chống dịch như chống giặc” trong đại dịch Covid-19 năm qua, lại là  yếu tố chính khiến nền kinh tế Việt Nam chúng ta giữ được một dấu cộng đáng giá. Phần lớn các nhà đầu tư tích cực khi trả lời nguyên nhân đầu tư vào Việt Nam, đều nêu yếu tố: Việt Nam chống dịch thành công. Dưới góc nhìn của họ, đó là một phương pháp quản lý thực tế thông minh, một cách xử lý khủng hoảng hiệu quả.

Việt Nam đã khôn khéo đề ra “mục tiêu kép” vừa dễ hiểu, vừa khả thi, mà từ Thủ tướng cho dến người dân thường ai cũng có thể thấm sâu vào ý thức và hành động một cách đầy tự giác. Một nhà đầu tư Hàn Quốc nói với người viết bài này: “Nhìn cái cách người dân đi ngoài đường mang khẩu trang đủ thấy tính kỷ luật và văn hóa tuân thù của các bạn. Trong kinh doanh chúng tôi rất cần văn hóa đó.”

COVID-19 cũng là một thử thách nghiệt ngã không kém và là phép thử của thời bình. Niềm hy vọng của nền kinh tế Việt Nam hướng tới năm 2045 khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước, sẽ không những là một nền kinh tế mà trong đó “không ai bị bỏ lại phía sau”, mà là “tất cả cùng đến đích: thịnh vượng, tự do và hạnh phúc”.