Tàu hộ vệ Hàn Quốc mà Việt Nam vừa nhận có thể lắp tên lửa 'sát thủ': Mạnh hơn gấp bội?

Thứ bảy, 26/10/2019, 13:22 PM

Giải pháp lắp tên lửa chống hạm cho tàu hộ vệ lớp Pohang mà Hàn Quốc chuyển giao sẽ giúp tăng cường năng lực tác chiến của HQVN và thể hiện trình độ, trí tuệ của người Việt.

HQVN tiếp nhận những con tàu mới từ Hàn Quốc

Trong 2 năm 2017, 2018, Hải quân nhân dân Việt Nam đã tiếp nhận từ Hàn Quốc 2 tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang, hiện nay mang số hiệu là 18 và 20.

Tất cả 2 tàu 18 và 20 đều thuộc phiên bản Flight III của lớp Pohang, tức là phiên bản chuyên chống ngầm (có tổng cộng 4 chiếc thuộc phiên bản này). Cấu hình nguyên bản của tàu hộ vệ lớp Pohang Flight III trước khi Hàn Quốc chuyển giao cho Việt Nam được trang bị vũ khí như sau:

- 2 pháo hạm OTO Melara cỡ 76mm

- 2 pháo DARDO 2 nòng cỡ 40mm

- 2x3 ống phóng ngư lôi cỡ 324mm

- 2 ray thả bom chìm sau đuôi tàu

- Tên lửa phòng không vác vai Mistral

Tàu hộ vệ Hàn Quốc mà Việt Nam vừa nhận có thể lắp tên lửa
Tàu hộ vệ săn ngầm 20 của Hải quân nhân dân Việt Nam trong lễ duyệt binh tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, trong 2 tàu lớp Pohang hiện nay của Hải quân nhân dân Việt Nam, chỉ có tàu 20 là vẫn còn vũ khí gần như nguyên bản, tàu 18 đã được giảm bớt và thay thế vũ khí.

Trong đó, pháo DARDO phía trước trên tàu 18 được thay bằng pháo Sea Vulcan 6 nòng, lược bỏ bớt 1 pháo OTO Melara 76mm phía sau đuôi tàu. Qua những hình ảnh mới nhất vừa qua cho thấy, tàu 18 đã được lắp giá phóng tên lửa Igla cùng súng máy 12,7mm.

Vậy liệu rằng chúng ta có dừng lại ở việc chỉ lắp thêm giá phóng tên lửa Igla và súng máy 12,7mm lên các tàu lớp Pohang?

Việt Nam có nên lắp tên lửa cho tàu hộ Pohang?

Trong thiết kế của tàu hộ vệ lớp Pohang, Hàn Quốc có 3 phiên bản được trang bị cả tên lửa chống hạm và ngư lôi chống ngầm. Phiên bản đầu tiên là Flight II có 2 ống phóng cho tên lửa Exocet Block I đặt chéo so với thân tàu, phiên bản Flight IV&V có 2x2 ống phóng tên lửa Harpoon bố trí ngang thân tàu.

Tàu hộ vệ Hàn Quốc mà Việt Nam vừa nhận có thể lắp tên lửa
Tàu hộ vệ lớp Pohang Flight II với 2 tên lửa chống hạm Exocet.
Tàu hộ vệ Hàn Quốc mà Việt Nam vừa nhận có thể lắp tên lửa
Tàu hộ vệ lớp Pohang Flight IV...
Tàu hộ vệ Hàn Quốc mà Việt Nam vừa nhận có thể lắp tên lửa
...và Pohang Flight V với 2x2 tên lửa chống hạm Harpoon.

Do đó, điều này mở ra khả năng cho chúng ta nâng cấp các tàu lớp Pohang với tên lửa chống hạm.

Trong 2 phiên bản Flight II và Flight IV, thì phiên bản Flight IV là khả dĩ nhất để chúng ta có thể nghiên cứu lắp đặt tên lửa chống hạm.

Ở phiên bản này 2 bệ phóng tên lửa chống hạm Harpoon (mỗi bệ 2 ống phóng) được đặt ngang thân tàu và bố trí lệch nhau.

Nguyên nhân của việc phải đặt lệch do tàu Pohang có kích thước tương đối nhưng lại được trang bị số lượng vũ khí lớn gồm 4 bệ pháo, 2 bệ phóng tên lửa và 2 bệ phóng ngư lôi.

Cách bố trí 2 bệ tên lửa lệch nhau, bệ phóng ngư lôi mạn trái sẽ đối diện với bệ phóng ngư lôi mạn phải và ngược lại, cho phép tận dụng tối đa diện tích còn trống trên tàu.

Tàu hộ vệ Hàn Quốc mà Việt Nam vừa nhận có thể lắp tên lửa
Ảnh thiết kế tàu hộ vệ lớp Pohang Flight IV với ống phóng tên lửa chống hạm bố trí lệch nhau.

Trong 2 tàu lớp Pohang của ta, tàu 18 đã tháo hết 2 bệ phóng ngư lôi nên việc đặt bệ phóng tên lửa chống hạm (nếu có) sẽ dễ dàng hơn tàu 20.

Ở tàu 20, do thuộc phiên bản Flight III nên 2 bệ ngư lôi của tàu được đặt đối xứng với nhau. Nếu nâng cấp tên lửa chống hạm theo như thiết kế Flight IV của Hàn Quốc, thì buộc ta phải di dời 1 bệ phóng ngư lôi lệch xuống phía dưới để có thể bố trí bệ phóng cho tên lửa chống hạm.

Vậy loại tên lửa chống hạm nào sẽ được chúng ta lựa chọn lắp lên tàu lớp Pohang?

Ứng cử viên sáng giá nhất chính là tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E. Loại tên lửa này có kích thước đủ để lắp lên các tàu lớp Pohang. Ngoài ra, đây cũng là dòng tên lửa chống hạm chủ lực của Hải quân nhân dân Việt Nam nên sẽ dễ dàng cho việc đồng bộ khí tài.

Bên cạnh đó, chúng ta còn có thể trang bị tên lửa chống hạm KCT-15 do nền CNQP của Việt Nam chế tạo, một khi dòng tên lửa "Made in Vietnam" này hoàn thiện thiết kế, chế tạo.

Mặc dù quá trình nâng cấp tên lửa chống hạm cho tàu hộ vệ lớp Pohang là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, với quyết tâm cũng như trí tuệ của những người lính Việt Nam thì điều này hoàn toàn khả thi.