Thứ tư, 26/06/2019, 08:53 AM
  • Click để copy

Huế: Tế đàn Âm hồn tưởng nhớ những người tử nạn trong biến cố ‘Kinh đô thất thủ’

Lễ tế âm hồn nhằm tưởng nhớ, cầu mong cho đồng bào vong thân trong chiến tranh được siêu thoát.

te-dan-am-hon-tuong-nho-nguoi-tu-nan-trong-bien-co-kinh-do-that-thu
Sáng ngày 26/6 (tức ngày 24/5 Âm lịch), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ Tế Âm hồn năm 2019 tại Đàn Âm hồn (73 đường Ông Ích Khiêm, TP Huế, Thừa Thiên Huế).
te-dan-am-hon-tuong-nho-nguoi-tu-nan-trong-bien-co-kinh-do-that-thu
Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đàn Âm hồn được triều đình nhà Nguyễn lập năm 1894, dưới triều vua Thành Thái. Đây là nơi thờ tự, cúng tế vong linh các quan viên, binh lính, đồng bào tử nạn trong biến cố thất thủ kinh đô Huế ngày 5/7/1885 (nhằm ngày 23/5 năm Ất Dậu).
te-dan-am-hon-tuong-nho-nguoi-tu-nan-trong-bien-co-kinh-do-that-thu
Di tích đàn Âm Hồn đã bị xấm lấn và chiếm dụng vào mục đích khác trong nhiều thập niên qua. Với sự nỗ lực của nhiều cơ quan, hiệp hội, cá nhân di tích này đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích cấp tỉnh vào ngày 15/12/2013.
te-dan-am-hon-tuong-nho-nguoi-tu-nan-trong-bien-co-kinh-do-that-thu
Đến thời điểm tháng 5/2017, toàn bộ diện tích của di tích này đã được thu hồi. Tháng 5/2018, lần đầu tiên lễ tế Âm hồn được diễn ra đúng với nghi lễ của triều đình trên mảnh đất di tích lịch sử này.
te-dan-am-hon-tuong-nho-nguoi-tu-nan-trong-bien-co-kinh-do-that-thu
Lễ tế âm hồn để tưởng nhớ, cầu mong cho những người đã vong thân trong chiến tranh được siêu thoát.
te-dan-am-hon-tuong-nho-nguoi-tu-nan-trong-bien-co-kinh-do-that-thu
Lễ tế do ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì.
te-dan-am-hon-tuong-nho-nguoi-tu-nan-trong-bien-co-kinh-do-that-thu
Lễ tế diễn ra với nhiều nghi thức như lễ quán tẩy (rửa tay), lễ thượng hương (dâng hương), lễ hiến tước (dâng rượu)...
te-dan-am-hon-tuong-nho-nguoi-tu-nan-trong-bien-co-kinh-do-that-thu
Sau lễ tế này, nhiều người dân sống xung quanh đàn Âm hồn đã đến dâng hương tưởng nhớ những người đã khuất.
te-dan-am-hon-tuong-nho-nguoi-tu-nan-trong-bien-co-kinh-do-that-thu
Việc tổ chức lễ tế đàn Âm hồn thể hiện sự tôn trọng lễ nghi, đạo lý dân tộc và hợp lòng dân. Đồng thời dịp nhắc nhở mọi người dân về bài học lịch sử của Huế.
te-dan-am-hon-tuong-nho-nguoi-tu-nan-trong-bien-co-kinh-do-that-thu
Không chỉ tại lễ Tế Âm hồn năm 2019 tại Đàn Âm hồn, cứ vào dịp 23/5 Âm lịch hằng năm, đông đảo người dân Cố đô Huế đều tổ chức lễ cúng trang trọng ở các tuyến đường, để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong sự kiện Kinh đô thất thủ. Trải hơn 133 năm, đây là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, cầu mong người đã chết siêu thoát.

Năm 1884, Pháp đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tới giai đoạn cuối, miền Bắc gần như đã nằm trong tay quân viễn chinh Pháp. Hai Hiệp ước Harmand (1883) và Patenôtre (1884) được ký kết dưới áp lực quân sự của tư bản Pháp đã đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của nhà nước phong kiến độc lập Việt Nam và sự đầu hàng của triều Nguyễn trước chủ nghĩa tư bản Pháp.

Sau khi vua Tự Đức mất, Tôn Thất Thuyết là một trong ba Phụ chánh đại thần, đồng thời giữ chức Thượng thư Bộ binh nắm trong tay mọi binh quyền, đang ráo riết liên kết xây dựng lực lượng chờ ngày tấn công quân thù.

Tháng 10/1884, Lemaire vừa sang thay Rheinart giữ chức Khâm sứ đã đòi triều đình Huế triệt bỏ các khẩu súng thần công bố trí trên các mặt thành chĩa thẳng sang sứ quán bên kia sông Hương. Trước áp lực mạnh mẽ của Pháp, Tôn Thất Thuyết đã cho dời số súng đó đi nơi khác để khỏi rơi vào tay địch, và sử dụng khi cần thiết. Tại Pháp, chủ trương đẩy mạnh việc hoàn thành chiếm đóng Việt Nam lúc này cũng được nhất trí.

Ngày 31/3/1885, Hạ nghị viện Pháp thông qua 500 triệu Franc cho ngân sách tiếp tục xâm lược Việt Nam. Nội các Brisson lên thay vẫn tiếp tục đường lối mở rộng thuộc địa của Nội các Pheri và đã gửi sang Việt Nam thêm 6.000 quân.

Ngày 31/5/1885, Bộ trưởng Ngoại giao nước Pháp điện sang cho Lemaire phải tìm cách loại trừ Tôn Thất Thuyết khỏi triều đình Huế. 

Đầu tháng 6-1885, tướng Courcy tới Hạ Long và tuyên bố: “Cái nút của vấn đề nước Nam là ở Huế”. Được sự đồng ý của Paris, ngày 27/6, Courcy đưa 4 đại đội lính thủy đánh bộ và hai tàu chiến đi thẳng từ Hải Phòng vào Huế. Courcy định tới Huế sẽ dùng áp lực quân sự để loại bỏ phái chủ chiến, giải tán quân đội tập trung của triều đình, bắt cóc người cầm đầu là Tôn Thất Thuyết. Thực hiện mưu đồ sẵn có, Courcy mời các viên phụ chính qua sông tới sứ quán Pháp để thảo luận về việc vào triều yết vua Hàm Nghi và trình quốc thư, nhân dịp đó sẽ giữ lại Tôn Thất Thuyết không cho về. Tôn Thất Thuyết cảnh giác cáo bệnh không đi, chỉ có một mình Nguyễn Văn Tường sang.

Chiều ngày 4/7/1885, Courcy còn cự tuyệt không tiếp các phái viên của triều đình, không chịu nhận lễ vật của Thái hậu Từ Dũ gửi sang. Hôm vào triều yết vua Hàm Nghi và trình quốc thư, hắn cùng đám tùy tùng nghênh ngang đi thẳng cửa chính Ngọ Môn xưa nay dành riêng cho nhà vua.

Tình hình ngày càng căng thẳng, nhưng Tôn Thất Thuyết không hề nao núng. Ông cho gấp rút chấn chỉnh quân đội, đào hào đắp lũy ngay trong kinh thành Huế; chuẩn bị súng đạn và khí giới, cho dàn đại bác trên mặt thành sẵn sàng chiến đấu. Biết trước âm mưu của địch nên mặc dù việc chuẩn bị chưa thật đầy đủ, Tôn Thất Thuyết vẫn nổ súng trước nhằm giành thế chủ động bằng cách tấn công vào tòa Khâm sứ Pháp.

Ngày 4/7/1885 (tức 22 tháng 5 âm lịch), Tôn Thất Thuyết lệnh cho binh sĩ đặt đại bác hướng về phía tòa Khâm sứ và đồn Mang Cá, là hai địa điểm đóng quân của địch. Gần tối, Trần Xuân Soạn lần lượt cho đóng hết các cửa thành và đặt thêm súng thần công ở phía trên. Đêm đó, Tôn Thất Thuyết bí mật chia quân ở các dinh vệ làm hai đạo: một đạo do em trai ông là Tôn Thất Lệ chỉ huy, nửa đêm vượt sông Hương sang hợp với quân của Đề đốc thủy sư và Hiệp lý đánh úp tòa Khâm sứ. Ngay trong đêm, họ đã phối hợp cùng 5.000 thủy binh của triều đình để nổ súng tấn công. Pháo binh ở phía Đông nam kinh thành Huế cũng phối hợp yểm trợ. Tôn Thất Thuyết cùng Trần Xuân Soạn ở bên này sông sẽ chỉ huy đánh vào trấn Bình Đài nhằm diệt quân tiếp viện. Ông cử một toán quân mai phục ở cầu Thanh Long để đánh úp Đại tá Pernot (Chỉ huy đồn Mang Cá) và thuộc hạ. Đội quân thứ ba, đóng ở phía sau Đại nội để vừa trợ chiến vừa dự bị.

Đêm ngày mùng 4, rạng sáng 5/7/1885, quân Pháp đang khao thưởng quân đội, thì 1h sáng, Thuyết và Soạn cho bắn một phát đại bác làm hiệu lệnh để nhất tề tấn công vào trấn Bình Đài, đồng thời cánh quân của Tôn Thất Lệ ở bên kia sông cũng đồng loạt tấn công vào tòa Khâm sứ và sứ quán Pháp.

Quân Pháp bị bất ngờ nhưng vẫn thủ thế tới sáng, trong khi đó đại bác quân Nguyễn đã bắn sập mái nhà và lầu Khâm sứ, đồn Mang Cá thì bị phóng hỏa, quân sĩ hò reo và nã súng… nhiều trại lính, chuồng ngựa bị thiêu cháy. Quân Nguyễn tràn vào chiếm Tòa, gặp sự chống cự của trung úy Boucher và một số quân Pháp… nhưng do thiếu cảnh giác, quân Pháp chết khá nhiều. Vì đồn Mang Cá và tòa Khâm sứ cách nhau 2.500m và ngăn cách bằng sông Hương nên quân Pháp không thể cứu viện lẫn nhau.

Khi mặt trời mọc, quân Pháp phản công. Họ chở súng lên đài và nóc tàu bắn qua hạ được quân Nguyễn rất nhiều, Hoàng thành và cung điện nhiều nơi bị phá hủy. Pháo hạm Javelin cấp tập bắn dọn đường cho bộ binh Pháp phản công. Dưới sự chỉ huy của Pernot, quân Pháp chia quân làm 3 cánh để tiến vào kinh thành. Họ xung phong từng đợt một, chiếm lĩnh các vị trí cửa chắn then chốt, để tràn vào các cửa Đông Ba, Thượng Tứ, Chánh Đông, Chánh Tây, An Hòa… Một toán từ Cửa Trài phá cầu Thanh Long, vượt sông Ngự Hà tiến vào Lục Bộ, cố tấn công cửa Hiển Nhơn để mở đường vào Đại Nội. Toán quân thứ hai vượt Cầu Kho, tấn công quân Nam đang tử thủ ở vườn Thượng Uyển, đồng thời cũng để tiếp ứng cho toán quân đang tìm cách phá vỡ cửa Hiển Nhơn (cửa phía Đông vào Đại Nội).

Quân Pháp đánh chiếm Kinh thành Huế năm 1885. (Tranh tư liệu của Pháp).

Bị tấn công bất ngờ, ban đầu quân Nguyễn anh dũng chống cự, hạ gục Thiếu úy Pellicot, sử dụng các vọng lâu làm pháo đài, gây cháy nổ và làm nhiều quân Pháp bị thương. Bên phía Tòa sứ, đoàn quân của Cheroutre cũng tiến sang, họ cố tràn lên nhưng bị quân Nam nổ súng chặn lại, một số sĩ quan Pháp bị tiêu diệt. Tuy nhiên, quân Pháp vẫn tiến được vào thành, cùng lúc đó, quân của Bornes và Sajot cũng vừa tiến vào.

Trước sự phản công của quân Pháp, quân triều đình không giữ được thành, cả hai đạo quân của triều đình ở bên trong và bên ngoài chống không nổi, tan vỡ, tháo chạy về phía Lục Bộ và tràn ra cửa Đông Ba. Tại đây họ đã bị toán quân của Pháp từ phía Cửa Trài tiến lên bao vây. Cuộc giết chóc tàn bạo chưa từng có đã xảy ra: hơn 1.500 người dân và binh lính triều đình đã ngã xuống trong đêm hôm đó vì bị trúng đạn của Pháp, hay một số do chen lấn, giẫm đạp lên nhau khi cố vượt ra khỏi Kinh thành. Hầu như không có gia đình nào không có người bị tử nạn trong đêm binh biến này.

Quân Pháp tiến được vào thành, họ hạ cờ triều đình Huế xuống, treo cờ tam tài lên kỳ đài. Sau đó, họ tiếp tục tiến vào Đại Nội, rồi ra sức đốt phá, giết chóc, cướp bóc không từ một ai. Một toán quân Pháp đốt trụi trụ sở Bộ Lại, Bộ Binh và các kho thuốc súng. Quân Pháp chia nhau chiếm giữ các kho tàng, cung điện, thu được nhiều vàng bạc và số tiền hơn một triệu quan, là số tiền mà triều đình không kịp mang đi... Trưa hôm đó, họ chia nhau đi đốt hoặc vùi lấp những thi hài của quân và dân Nam chết trong trận đánh.

Kết thúc trận đánh ngày 5/7/1885, thất bại hoàn toàn về triều đình Huế. Quân Nam hi sinh tới 1.200 - 1.500 người, trong khi quân Pháp chỉ chết có 16 người và 80 bị thương. Quân Pháp khi chiếm được kho vũ khí thu được 812 súng thần công, 16.000 súng hỏa mai, khí giới, lương thực, quốc khố… Mặc dù, quân Nguyễn đã có sự chuẩn bị cẩn thận trong việc tấn công, nhưng vì thiếu thông tin liên lạc, nhất là khi phải đánh đột kích trong đêm tối, hơn nữa vũ khí yếu kém, không có sức công phá lớn và không thể bắn được tầm xa nên quân Nam đã thua trận. Quân Pháp chiếm được một số lớn của cải mà triều đình chưa kịp chuyển đi, gồm 2,6 tấn vàng và 30 tấn bạc, trong số này chỉ có một phần rất nhỏ sau này được hoàn lại cho triều đình Huế.

Trước cục diện đó, vua Hàm Nghi đã kịp xuất cung, Tôn Thất Thuyết đưa vua chạy ra Tân Sở trong sự truy nã của quân Pháp. Tại Kinh thành, Hoàng Thái hậu Từ Dũ, và Đại thần phụ chính Nguyễn Văn Tường ở lại giảng hòa với quân Pháp.

Cuộc phản công của nhóm “Chủ chiến” triều đình Huế năm 1885 là một trận chiến có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử chống Tây xâm lược của dân tộc ta, nó cho thấy đây là trận kháng cự cuối cùng, được dẫn dắt, lãnh đạo bởi chính quyền trung ương nhà Nguyễn. Biến cố thất thủ kinh đô (5/7/1885) là một trang sử đẫm máu trong nhân dân Huế, tồn tại trong ký ức dân gian, lễ cúng cô hồn… đồng thời cũng bắt đầu một giai đoạn mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc với các phong trào Cần Vương, Văn thân.

 

Sắp diễn ra lễ hội tôn vinh nghệ thuật Diều Huế

Đây là lễ hội nhằm tăng cường đa dạng hóa các hoạt động cho du khách trong quá trình trải nghiệm, tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Lễ hội hoa lần đầu xuất hiện Festival Nghề truyền thống Huế

Không gian lễ hội Hoa cạnh sông Hương lần đầu tiên xuất hiện Festival Nghề truyền thống Huế mang lại cho du khách nhiều cảm giác mới lạ.

 

Giới trẻ hào hứng 'check in' tại Lễ hội ánh sáng lần đầu tổ chức ở TP HCM

Hàng loạt những tác phẩm mô phỏng công trình nổi tiếng thế giới như Tháp Eiffel Paris, cầu Tháp Luân Đôn, Nữ thần Tự do,… đều được thắp sáng lung linh khiến nhiều người thích thú.