Thâm Quyến có đủ sức thay thế Hong Kong thành trung tâm tài chính mới?

Thứ hai, 09/09/2019, 15:11 PM

Cuộc khủng hoảng ở Hong Kong chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi kiên quyết không để Hong Kong nằm ngoài tầm kiểm soát, Bắc Kinh đang thể hiện mục tiêu muốn đưa Thâm Quyến trở thành trung tâm tài chính mới của khu vực.

tham-quyen-co-du-suc-thay-the-hong-kong-thanh-trung-tam-tai-chinh-moi
Thành phố Thâm Quyến. 

Khi Hong Kong đang vướng vào cuộc biểu tình kéo dài và chưa có dấu hiệu sẽ giảm nhiệt, thành phố láng giềng Thâm Quyến đang được thúc đẩy để trở thành một thành phố kiểu mới, dẫn dắt Trung Quốc trong quá trình phát triển tương lai.

Quan điểm mâu thuẫn ở hai thành phố có chung địa giới của chính quyền Bắc Kinh khiến dư luận cho rằng, nếu Hong Kong không sớm thoát khỏi những rắc rối của mình, nó có nguy cơ sẽ bị Thâm Quyến thay thế vị trí trung tâm tài chính ở khu vực Vịnh Lớn (Great Bay Area). Nhưng trên thực tế, Thâm Quyến đã nhận một nhiệm vụ chính trị trở thành trung tâm tài chính mới kể cả Hong Kong có yên ổn hay không.

Không giống như Thâm Quyến, Hong Kong vốn là một trung tâm công nghệ toàn cầu mới nổi, hoạt động theo hệ thống kinh tế thị trường. Có được điều này là nhờ Hong Kong có nền kinh tế cho phép sự tự do dịch chuyển của các dòng vốn, thương mại và thông tin, sự minh bạch trong luật pháp.

Joe Chau Kwok-ming, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hong Kong có nhận định, hai thành phố đang dần trở thành đối thủ cạnh tranh ngầm, dù cả hai vẫn duy trì mối quan hệ cộng tác vốn đã lâu năm. “Tuy nhiên, Hong Kong và Thâm Quyến có những điểm khác biệt, khó có thể so sánh... Ngay từ đầu, cấu trúc pháp lý đã không giống nhau”, ông Chau bình luận, “Trong quãng ngắn, tôi không tin Thâm Quyến có thể thay thế Hong Kong”.

Hong Kong định hình dựa trên hệ thống pháp luật công phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với hoạt động kinh doanh toàn cầu. Ông Châu cho biết, thậm chí nếu Thâm Quyến thúc đẩy các chính sách mới với những cải cách sâu rộng, hệ thống pháp lý vẫn dựa trên pháp luật Trung Quốc – một cơ chế luật pháp không phổ biến với thế giới.

Yếu tố thứ hai khiến Hong Kong khác biệt với Thâm Quyến chính là tự do thông tin. Điều này quan trọng trong việc đưa ra các quyết định kinh doanh sáng suốt, nhưng lại là điều Trung Quốc đang thiếu – khi mà họ vẫn đang thực hiện chính sách “Vạn lý tường lửa” kiểm duyệt internet trong nước.

Hai yếu tố đó, khi đặt so sánh với một Hong Kong mang tiêu chuẩn quốc tế và có dòng vốn tự do, đã khiến chính phủ phương Tây trao cho đặc khu này những đặc quyền kinh tế mà không bất cứ thành phố nào ở đại lục có thể có được.

Trong năm 1992, quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật chính sách Mỹ - Hong Kong, coi thành phố này khác với phần còn lại của Trung Quốc. Đạo luật cho phép Hong Kong có đặc quyền kinh tế và thương mại, có thể tiếp cận các công nghệ nhạy cảm và tự do trao đổi tiền tệ giữa đồng đô la Mỹ và đô la Hong Kong. Đạo luật này cũng cho phép tổng thống Hoa Kỳ ban bố lệnh hành chính ngăn chặn đặc quyền của Hong Kong nếu thành phố này không đủ tự chủ.

“Đặc quyền kinh tế và thương mại mà phương Tây trao cho Hong Kong tương đương với một đất nước (có chủ quyền). Nếu phương Tây ngừng việc này, Hong Kong sẽ chết, tất cả lợi thế sẽ ra đi”, một học giả giấu tên của Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) nhận định.

Hong Kong phát triển nhanh chóng thành một nền kinh tế tự do nhờ vào chế độ thuế thấp, cho phép nó trở thành một công cụ chính để thu hút vốn và dịch vụ. Đại lục không làm được điều này. Sau thời gian phát triển như vũ bão, hiện Trung Quốc đã có những hạn chế trong việc tiếp cận thị trường quốc tế vì sự can thiệp của chính phủ trong nền kinh tế và kìm chế đồng nhân dân tệ.  

Với sự tự do hoàn toàn về dòng vốn và khả năng hoạt động liên tục ở cả thị trường trong và ngoài nước, Hong Kong trở thành trung tâm giao dịch nhân dân tệ bên ngoài Trung Quốc lớn nhất thế giới.

Hơn một nửa các công ty Trung Quốc làm ăn với nước ngoài đặt văn phòng ở Hong Kong. Đây cũng là nơi giao dịch phần lớn doanh thu trái phiếu của các công ty đại lục. Thành phố này cũng là bàn đạp quan trọng cho đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. 65% vốn đầu tư trực tiếp nước (FDI) vào đại lục đi qua Hong Kong vào năm ngoái và khoảng 70% đầu tư ra nước ngoài cũng đi qua đây, theo số liệu chính thức của Trung Quốc.

Vì thế, kể cả khi Bắc Kinh tạo điều kiện cho Thâm Quyến thêm thời gian thử nghiệm và cải cách, hàng thập kỷ giữ vị trí trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong vẫn là tượng đài khó loại bỏ trong sớm chiều.

Mark Williams, chuyên gia kinh tế châu Á tại Capital Economics, nhận định: “Có thể nhân rộng hệ thống pháp lý và quy định ở Hong Kong ở một mức độ nào đó. Thế nhưng, nền tảng thành công của Hong Kong chính là các luật pháp và quy định đó công bằng, có thể dự đoán được, thậm chí kể cả khi điều đó kìm hãm quyền lực. Con người và các doanh nghiệp ở lục địa không có được sự đảm bảo. Đó là sự khác nhau giữa “quy định của luật” và “quy định bởi luật”.

Theo Chỉ số 25 Trung tâm tài chính toàn cầu năm 2018 thống kê, Thâm Quyến xếp hạng thứ 14 trong danh sách các trung tâm tài chính toàn cầu. Hong Kong đứng thứ 3, chỉ sau New York và London. Theo nghiên cứu này, các trung tâm tài chính có thể phát triển sâu rộng nhờ khả năng kết nối với các trung tâm khác. Hong Kong có sự liên kết chặt chẽ với cả New York lẫn London. Trong khi Thâm Quyến không có được khả năng này.

Long Yongtu, cựu quan chức Trung Quốc từng tham gia đàm phán WTO năm 2001 nhận định, trong bối cảnh bảo hộ thương mại ngày càng tăng do thương chiến Mỹ gây ra, khoa học – công nghệ, chứ không phải thị trường hay thế mạnh quốc gia, sẽ thúc đẩy thị trường. Ông lập luận rằng, chỉ thị của Bắc Kinh nhằm nâng cao vị thế của Thâm Quyến không nên được hiểu là một nỗ lực làm xói mòn vị thế của Hong Kong hiện nay.

Tham vọng của Bắc Kinh là biến Thâm Quyến thành một thành phố xã hội chủ nghĩa kiểu mẫu với đầy đủ đặc tính của Trung Quốc. Nơi đây sẽ được xây dựng thành một hệ thống kinh tế hiện đại, đưa kinh tế đất nước đi lên. Thâm Quyến cũng được kỳ vọng trở thành mô hình thành phố có môi trường kinh doanh quốc tế, luật pháp ổn định, công bằng, minh bạch và có thể dự đoán được.

Theo chỉ thị được phát hành hồi cuối tháng Tám, Thâm Quyến được hỗ trợ cải cách các ngành công nghiệp, bao gồm y học, tài chính, tiền tệ điện tử,... Đồng thời, cũng tăng cường công nhận lẫn nhau các sản phẩm tài chính với Hong Kong, quốc tế hóa hơn nữa đồng nhân dân tệ thí điểm quy định tài chính xuyên biên giới.

Suy nghĩ rằng vấn đề của Hong Kong hiện tại sẽ tạo cơ hội để Thâm Quyến phát triển là cực kỳ sai lầm. Chỉ khi Hong Kong hoạt động tốt, Thâm Quyến mới có thể làm tốt hơn hiện tại, ông Long chia sẻ.

Từ góc độ trong nước, giới hàn lâm Trung Quốc cho biết Thâm Quyến có thể giúp giải quyết áp lực gia tăng trong nước và ngoài nước, nhằm giữ cho nền kinh tế ổn định và xã hội bình yên.

Thâm Quyến được dự báo là một trong 10 thành phố phát triển kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035, với tổng sản phẩm quốc nội đạt 800 tỷ USD dự trên tỷ giá năm 2015.  

 

Hong Kong chưa yên ổn

Hơi cay, khí ga và lửa đã quay trở lại đường phố Hong Kong hôm thứ Sáu (6/9) khi cảnh sát đụng độ với những người biểu tình mang mặt nạ.

 

Jimmy Lai: Tỉ phú nổi loạn của Hong Kong

Jimmy Lai (Lê Trí Anh) đã trở thành tâm điểm của công luận trong nhiều thập niên qua vì những hành động nổi loạn của ông.