Thắng kiện Cục Thuế TP HCM cũng khó truy thu được thuế của Uber B.V

Thứ bảy, 23/06/2018, 17:01 PM

Uber cho rằng theo thỏa thuận dịch vụ ký với các lái xe, đơn vị này chỉ cung cấp dịch vụ thông qua ứng dụng điện thoại để các lái xe kết nối với khách hàng. Vì thế B.V không đồng ý khấu trừ thuế tại nguồn trước khi thanh toán tiền cho các lái xe.

thang-kien-cuc-thue-tp-hcm-cung-kho-truy-thu-duoc-thue-cua-uber-bv
Toà án hoà giải bất thanh vụ kiện giữa Cục Thuế TP HCM và Uber.

Theo đại diện Cục Thuế TP HCM tại buổi hòa giải diễn ra chiều 22/6, Tòa án nhân dân Thành phố đã yêu cầu mỗi bên trình bày quan điểm. Phía Cục Thuế TP HCM cho rằng Quyết định số 24 của Bộ Giao Thông Vận tải cho phép thí điểm triển ứng dụng kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng thì chỉ có những doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải mới được tham gia đề án.

Song, Uber B.V đã cho các cá nhân không cần phải thông qua các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải mà trực tiếp giao kết hợp đồng với Uber B.V để hoạt động vận tải. Như vậy là trái quy định.

Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến tháng 9/2016 Uber B.V có phát sinh hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng không thực hiện kê khai nộp thuế.

Tháng 9/2016, Uber B.V mới đăng ký mã số thuế, và từ tháng 10/2016 Uber B.V mới ủy quyền cho Công ty TNHH Uber Việt Nam nộp thay tờ khai thuế nhà thầu và khấu trừ nộp thay thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân cho các đối tác là cá nhân lái xe.

Sau khi thanh tra Uber B.V, Cục Thuế TP HCM quyết định truy thu các khoản thuế tổng cộng 66,68 tỷ đồng là phù hợp với Thông tư 111 và Thông tư 92 của Bộ Tài chính.

Cục Thuế TP HCM khẳng định, Uber B.V phải có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế thay cho các cá nhân lái xe theo tỷ lệ quy định, không phụ thuộc vào việc họ đã có ủy quyền cho Uber B.V kê khai, nộp thuế thay hay chưa.

Từ những cơ sở trên, Cục Thuế TP HCM đề nghị Uber B.V phải có trách nhiệm khấu trừ tại nguồn trước khi thanh toán tiền cho các lái xe là phù hợp.

Tuy nhiên, phía Uber B.V cho rằng, theo thỏa thuận dịch vụ ký với các lái xe, đơn vị này chỉ cung cấp dịch vụ thông qua ứng dụng điện thoại để các lái xe kết nối với khách hàng.

Các lái xe trực tiếp kinh doanh vận tải còn Uber B.V không kinh doanh vận tải mà chỉ thu hộ tiền vận chuyển, sau đó giữ lại phần của mình được hưởng trước khi chuyển lại cho các đối tác lái xe. Do vậy, phía Uber B.V không đồng ý với quan điểm của Cục Thuế TP HCM.

Do bất đồng quan điểm nên buổi hòa giải không đạt được kết quả nào và vụ việc sẽ được Tòa án nhân dân TP HCM đưa ra xét xử trong thời gian tới.

Hiện tại, Uber B.V đã bán thị phần kinh doanh tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cho Grab và rút lui khỏi thị trường từ ngày 8/4. Uber B.V cũng không có tài khoản tại Việt Nam nên nhiều ý kiến lo ngại trong trường hợp thắng kiện, Cục Thuế TP HCM cũng khó truy thu được thuế của Uber B.V.

Trước đó, đầu tháng 9/2017, Cục thuế TP HCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và truy thu với số tiền hơn 66,68 tỷ đồng đối với Công ty Uber B.V (Hà Lan). 

Trong đó, phạt tiền về hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp gần 10,3 tỷ đồng, truy thu thuế với số tiền gần 51,48 tỷ đồng. Uber phải nộp thêm 4,9 tỷ đồng là tiền chậm nộp tính đến ngày 31/8/2017. Phía Uber chỉ đóng hơn 13,3 tỷ đồng tiền truy thu, phần còn lại không chấp nhận và thực hiện khiếu kiện ra tòa.

Liên quan đến hoạt động của Uber, mới đây, Uber đã đồng ý bán toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á cho Grab. Đổi lại, Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab. Đồng thời với thỏa  thuận này, CEO của Uber, ông Dara Khosrowshahi, sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.

 

Chính thức điều tra thương vụ Grab mua Uber tại Việt Nam

Ngày 18/5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-CT về việc điều tra chính thức vụ việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam.

 

'Vụ Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm pháp luật'

Liên quan đến vụ Grab mua lại Uber tại Việt Nam Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, quá trình điều tra sơ bộ phát hiện dấu hiệu phạm luật.

 

Vì sao Cục thuế TP.HCM yêu cầu Grab phải trả nợ thuế thay Uber?

Ngoài việc phải kê khai, nộp thuế trong việc chuyển nhượng cổ phần, Grab còn phải trả hơn 53 tỷ đồng thay Uber.