'Thành phố thông minh' còn thiếu và yếu về dự báo chất lượng không khí

Thứ sáu, 27/09/2019, 18:48 PM

Hội thảo "Giải pháp thành phố thông minh vì không khí sạch", ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) cho biết, để xây dựng “thành phố thông minh” tại Việt Nam thì còn thiếu và yếu (thiếu trạm, không bền vững) về dự báo chất lượng không khí...

thanh-pho-thong-minh-con-thieu-va-yeu-ve-du-bao-chat-luong-khong-khi
Nhiều trạm đo chất lượng không khí 'báo động đỏ' tình trạng ô nhiễm không khí tại TP Hà Nội. (Ảnh Chí Hiếu)

Thành phố thông minh nhưng còn yếu về dư báo chất lượng không khí

Trong bối cảnh hiện nay, chất lượng không khí tại nhiều tỉnh thành phố trên cả nước đang bị "báo động" về tình trạng ô nhiễm, hàm lượng bụi mịn ở mức cao. Hơn ai hết người dân cần được nhận thức ô nhiễm không khí đang ở mức độ nào, về hiện trạng và nguyên nhân gây ra vấn đề ô nhiễm không khí.

Tuy vậy, Việt Nam đang thiếu các số liệu liên quan và các nghiên cứu khoa học về ô nhiễm không khí để thông tin tới người dân một cách minh bạch và nhất quán.

Tại TP Hồ Chí Minh nhiều trạm quan trắc chất lượng không khí còn đang rơi vào cảnh cũ nát, không thể sử dụng, việc đo chất lượng không khí vẫn phải sử dụng bằng phương pháp thủ công, tốn nhiều thời gian mới cho kết quả.

Để giảm ô nhiễm không khí tại "thành phố thông minh," trong khuôn khổ Hội thảo "Giải pháp thành phố thông minh vì không khí sạch", ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) chia sẻ, thời gian gần đây chất lượng không khí đô thị đang là một vấn đề nóng, trong đó có vụ cháy ở Nhà máy cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông (Hà Nội) gây ô nhiễm thủy ngân trong không khí, nước và đất; chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội trong một số ngày gây bụi PM2.5 rất cao... làm người dân Thủ đô lo lắng. 

Ông Dương nhấn mạnh: "Để xây dựng “thành phố thông minh” tại Việt Nam thì còn thiếu và yếu (thiếu trạm, không bền vững) về dự báo chất lượng không khí, số lượng khí tượng khó tiếp cận, phải mua; không xác định chính xác nguyên nhân gây ô nhiễm; đồng thời mục tiêu giảm ô nhiễm cụ thể và kiểm kê nguồn phát thải vẫn chưa được đặt ra; thiếu chính sách rõ ràng với các nguồn ô nhiễm chính".

Nên muốn xây dựng "thành phố thông minh", Việt Nam cần chuẩn bị mục đích cuối cùng là phục vụ người dân có cuộc sống tốt hơn bằng việc hỗ trợ ra quyết định và cung cấp số liệu, hạ tầng công nghệ thông tin (hệ thống mạng và các cảm biến), các ứng dụng và khả năng phân tích dữ liệu để chuyển tải các dữ liệu thô thành các hành động, dự báo...

Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam chỉ ra rằng, đối với mục tiêu thành phố thông minh thì cũng đã có nhiều phần mà Hà Nội đã đang áp dụng. Ví dụ như hệ thống thông minh trong quản lý phường xã, lắp camera.

Tuy nhiên tôi nghĩ rằng trong smart enviroment (môi trường thông minh) thì chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn để làm sao người dân biết nhiều hơn về chất lượng không khí. Làm thế nào để giảm chất thải rắn sinh hoạt, giảm rác thải nhựa… Đấy là những yếu tố quan trọng trong môi trường thông minh của thành phố thông minh.

Phương tiện cá nhân tại Hà Nội quá đông đúc 

Hà Nội là thành phố có 7 triệu xe máy, gần 800.000 ô tô. Với lượng ô tô xe máy lớn như vậy sẽ phát thải rất nhiều. Một vấn đề nữa là với ô tô thì kiểm soát được chất lượng khí thải. Nhưng với xe máy thì chúng ta chưa kiểm soát được. Chính vì vậy những chiếc xe máy cũ kỹ, chất lượng không tốt thì phát thải ra càng nhiều, ông Hoàng Dương Tùng bày tỏ quan ngại.

Trước những ngày chất lượng không khí xấu đi, chuyên gia về chất lượng không khí khuyên người dân nên theo dõi AQI. Căn cứ trên số liệu AQI để biết lúc nào ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Những lúc chỉ số màu đỏ hoặc tăng cao thì những người nhạy cảm về sức khỏe, như trẻ em người già là không nên ra đường, đặc biệt là buổi sáng.  Hoặc nếu có việc thì hạn chế bớt đi lại tại những vùng như vậy để đỡ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trong khuôn khổ hội thảo, Tiến sỹ Sumeet Saksena, đại diện Trung tâm Đông-Tây (Hoa Kỳ) nêu rõ hiện xu hướng quốc tế trong quản lý chất lượng không khí của "thành phố thông minh" là thúc đẩy số hóa, phân biệt chương trình thông minh và tiếp cận, cung cấp thông tin theo thời gian thực.

Theo Tiến sỹ Sumeet Saksen đưa ra giải pháp, Việt Nam nên tập trung vào thực hiện mô hình khoa học công dân (quản lý chất lượng không khí, thu thập dữ liệu), nghiên cứu thời lượng người dân bị phơi nhiễm (khách bộ hành, đi làm bằng xe buýt…); đồng thời tiến hành nghiên cứu với những người hoạt động ở ngoài đường, quán ăn vỉa hè, hít khí thải từ xe cộ trên đường để bổ sung vào các tài liệu nghiên cứu.

Ngoài ra, Việt Nam cần nâng cao nhân thức của người dân về rủi ro; thúc đẩy sự tham gia của người dân vào việc giám sát thu thập dữ liệu.