Tháo dỡ 8B Lê Trực không phải chức năng nhiệm vụ của quân đội

Thứ năm, 27/02/2020, 13:03 PM

Đó là khẳng định của nhiều cựu chiến binh, cựu tướng lĩnh quốc phòng khi được hỏi ý kiến về phương án mời quân đội tham gia nghiên cứu, tháo dỡ tòa 8B Lê Trực được Hà Nội tính đến.

Nhiều cựu chiến binh không đồng tình với phương án mời quân đội phá dỡ sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực.

Nhiều cựu chiến binh không đồng tình với phương án mời quân đội phá dỡ sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực.

Liên quan đến việc phá dỡ giai đoạn 2 đối với sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, vừa qua dư luận xôn xao trước phương án mời quân đội tham gia nghiên cứu, tháo dỡ được Hà Nội nhắc đến tại cuộc họp giao ban báo chí thành ủy hôm 25/2.

Cụ thể, ông Phạm Thanh Học - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, UBND quận Ba Đình đã có 3 đề xuất lên thành phố. Trong đó, đề xuất cho phép lực lượng công binh của Bộ Tư lệnh Thủ đô tham gia tháo dỡ, “nếu cần thiết, thậm chí đề xuất Bộ Tư lệnh công binh vào cuộc”.

Đề xuất trên ngay lập tức gây ra một số ý kiến trái chiều, đặc biệt một số cựu tướng lĩnh từng công tác trong quân đội khẳng định đề xuất này hoàn toàn không phù hợp, bởi đó không phải là nhiệm vụ chức năng của quân đội. 

Trên báo Xây dựng, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nói rằng: Trước hết phải khẳng định vấn đề hạ thấp độ cao tòa nhà 8B Lê Trực là trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức, cá nhân làm sai. Đây là vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh quốc gia. Sự việc đã để xảy ra quá lâu, quá dài với sự thiếu quyết liệt của các những bên liên quan.

"Khi anh bất lực, anh không thể đề xuất lực lượng như quân đội tham gia vấn đề này. Kể cả Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố cũng không thể chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội triển khai lực lượng công binh tham gia nhiệm vụ này…", tướng Rinh nhấn mạnh.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. (Ảnh: Báo Xây dựng).

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. (Ảnh: Báo Xây dựng).

Trong khi đó, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền - nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường tuần tra biên giới khẳng định: "Chức năng xử lý tòa nhà 8B Lê Trực không phải của lực lượng công binh. việc này là của cấp Ủy, chính quyền và các sở ngành liên quan của thành phố, trực tiếp là Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và đầu tư…

Anh xây được thì anh phá được và giao cho lực lượng công binh là sai và hoàn toàn không đúng.. Công binh quâ đội chỉ thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, địch họa khi nhân dân cần đến quân đội. Đem Công binh đến phá một tòa nhà xây dựng trái phép, sẽ làm yếu quân đội, làm cho nhân dân coi thường quân đội, cái đó là cái không nên, tôi phản đối cái đó….".

Cùng quan điểm, Thượng tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Tiến Trung - nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng nói: "Nếu Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô triển khai lực lượng công binh vào xử lý tòa nhà, thì Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô phải nhận thức rõ nhiệm vụ, chức năng của mình, từ đó tham mưu lại với Thành ủy, UBND thành phố rằng đây không phải chức năng, nhiệm vụ của công binh Thủ đô".

Thiếu tướng Phùng Ngọc Sơn - Tư lệnh Binh chủng Công binh cho biết: "Đây là vấn đề của thành phố Hà Nội, thông qua đề xuất từ quận Ba Đình. Nếu có đề xuất đến binh chủng công binh, chúng tôi cũng sẽ có văn bản báo cáo Bộ Quốc phòng bởi đây không thuộc chức năng, nhiệm vụ của binh chủng công binh.

Chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công binh là bảo đảm công binh trong chiến đấu, khắc phục hậu quả sập đổ công trình. Sự việc trên thuộc nhiệm vụ của thành phố Hà Nội, các Sở ngành liên quan và là vấn đề dân sự thì thành phố Hà Nội phải có biện pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật".

Bài liên quan