Thứ hai, 09/10/2017, 09:08 AM
  • Click để copy

Thầy Văn Như Cương và những dấu ấn không bao giờ phai

Là một nhà giáo dục có ảnh hưởng lớn tới rất nhiều thế hệ học sinh cũng như xã hội giáo dục, sự ra đi của thầy Văn Như Cương đã khiến cho những ai yêu mến thầy đau buồn, khiến giáo dục Việt Nam mất đi một người thầy lớn.

thay van nhu cuong
Chân dung thầy Văn Như Cương của nhiếp ảnh gia Bùi Văn Sơn đạt giải thưởng ảnh “Chân dung và cuộc sống người Hà Nội” năm 2015.

Thầy Văn Như Cương đã dành hết cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục. Cũng chính bởi tâm huyết đó của thầy, cùng với tính cách trung thực, thẳng thắn, thầy Văn Như Cương đã để lại nhiều giai thoại, nhiều câu nói đáng nhớ, làm kim chỉ nam cho tất cả các thế hệ học trò cũng như những người quan tâm đến giáo dục thế hệ trẻ.

Những câu nói rung động trái tim của thầy Văn Như Cương

Là người đi qua bao thế hệ trẻ, thầy Văn Như Cương hiểu rất rõ sự thay đổi của từng giai đoạn, vì thế, thầy chưa bao giờ gò ép học sinh của mình vào một khuôn mẫu phát triển nào cả. Thầy từng nói: “Nhiều người nói giới trẻ ngày nay đang biến chất và quay lưng lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Theo tôi không phải vậy. Không thể bắt các em xem cải lương, dân ca tuồng chèo hàng ngày. Những giá trị đó thì ai cũng biết, cũng hiểu và tôn trọng nhưng nó không hợp với giới trẻ”.

Van Nhu Cuong 1
Những phát ngôn đáng nhớ của thầy Văn Như Cương.

Quan điểm giáo dục của thầy luôn gắn liền giữa phát triển khả năng cá nhân, nhưng đồng thời thầy luôn nhấn mạnh giá trị của giáo dục làm người bên cạnh giáo dục kiến thức. “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc… Nhưng trước hết, phải là người tử tế”.

Van Nhu Cuong 2
Những phát ngôn đáng nhớ của thầy Văn Như Cương.

Thầy cũng luôn khích lệ học trò phải chăm chỉ, vượt qua sức ì của bản thân mới mong thành công sau này. Trong bài phát biểu đầu năm học 2017-2018, trước các học sinh của trường Lương Thế Vinh, thầy Văn Như Cương đã có một bài phát biểu đặt trọn tâm huyết của mình để mong các học trò có thể vượt qua bệnh lười.

Theo thầy, để chữa được bệnh lười, “trước hết mỗi người cần biết rằng mình có mắc bệnh lười hay không và mức độ ở giai đoạn nào: mới chớm bệnh hay là đã đến mức độ mà người ta thường gọi là “lười chảy thây”.

Khi biết mình có bệnh thì ai cũng mong muốn chữa bệnh. Nhưng căn bệnh này không có thuốc đặc trị, mà chủ yếu là sự quyết tâm của con bệnh. Đã là con người, ai cũng có chí hướng, chí hướng là lòng mong muốn và quyết tâm đạt tới một mục tiêu tốt đẹp trong tương lai”.

Với riêng thầy, việc học tập ở tuổi nào cũng quan trọng cả, vì trong quan điểm của thầy, “tuổi 70 của chúng tôi phải học tập nhiều ở tuổi 17 bây giờ”.

Những giai thoại khó quên của thầy Văn Như Cương

Van Nhu Cuong 3
Những phát ngôn đáng nhớ của thầy Văn Như Cương.

Thầy từng được gọi là “tiến sĩ lợn” trong những năm 1970, khi thầy trở về sau thời gian học tập ở Liên Xô cũ. Lúc đó, vì điều kiện giáo viên nghèo, khó khăn, thầy buộc phải tăng gia sản xuất bằng cách nuôi lợn, không nề hà học vị tiến sĩ của mình. Thời đó, thầy thường nói vui nhà có 2 tiến sĩ, một là thầy, hay là lợn thầy nuôi.

Van Nhu Cuong 4
Những phát ngôn đáng nhớ của thầy Văn Như Cương.

Tuy nhiên, sau nhiều lần bị lập biên bản vì “làm ảnh hưởng môi trường tập thể”, thầy Cương phải từ bỏ việc cải thiện thu nhập. Bạn bè mỗi lần đến chơi hỏi chuyện “Tiến sĩ nhà thầy đâu?”, thầy đều hóm hỉnh bảo rằng: “Hết đê tài cám, tôi cho “tiến sĩ lợn” bảo vệ tốt nghiệp sớm cho nhanh”.

Còn giai thoại kể khi bị lập biên bản, thầy cứ bắt người ta phải ghi lại câu chữ, rằng: “Các anh không được viết, tôi nuôi lợn làm ảnh hưởng tới môi trường, mà phải viết lợn nuôi tôi làm ảnh hưởng tới môi trường, thì tôi mới ký”. 

Van Nhu Cuong 5
Những phát ngôn đáng nhớ của thầy Văn Như Cương.

Còn có giai thoại kể chuyện thầy Cương cõng mẹ đi chơi tết. Chuyện xảy ra cách đây hơn 20 năm, khi thầy cũng đã bước vào tuổi 60. Người ta kể, hôm ấy mồng một Tết, trời mưa, đường đất rất trơn. Theo thường lệ thầy theo gia đình ra nhà thờ họ và đi chúc Tết bà con láng giềng, họ hàng. Đường trơn ướt mưa, mẹ không đi được, thầy Cương bèn cúi lưng đòi cõng mẹ cho dù trước đó đã bị ngã đau chân. Khi tới nhà thờ họ, ai cũng bất ngờ xúc động với hình ảnh người con đã râu tóc bạc phơ vẫn cõng mẹ đi chơi. 

Thấy mẹ nhẹ bỗng trên lưng mình, thầy Cương bồi hồi xúc động vì thương mẹ gầy gò, ốm yếu. Ông đã làm bài thơ xúc động, tâm sự về cái Tết cuối cùng về với mẹ: “Con sáu mươi cõng mẹ chín tư. Mẹ ơi mẹ nhẹ thế này ư! Thôi con đừng lo cho mẹ. Mẹ sợ chân con sẽ mỏi nhừ”.  Đó cũng là câu chuyện thành thơ cuối cùng giữa hai mẹ con, bởi vào tháng 10 năm đó, thầy giáo Văn Như Cương đã phải tiễn mẹ về cõi ngàn thu. 

Giờ đây, thầy Văn Như Cương đã không còn, nhưng những câu nói, những lời dặn dò, những bài giảng dành cho thế hệ sau sẽ không bao giờ có thể phai nhạt được.