Thế giới gặp nguy hiểm thế nào khi hiệp ước INF sụp đổ?

Thứ tư, 19/12/2018, 15:06 PM

Theo Viện nghiên cứu chính sách Carnrgie Moscow Center, việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF có thể gây sụp đổ cấu trúc kiểm soát vũ khí hạt nhân Nga – Mỹ, “giải phóng” sự hỗn loạn và khiến không chỉ hai nước mà còn cả thế giới vào nguy hiểm. 

the-gioi-gap-nguy-hiem-the-nao-khi-hiep-uoc-inf-sup-do
Cờ Nga và cờ Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow.

Hiệp ước INF (Kiểm soát Hạt nhân Tầm trung) được kí kết năm 1987, yêu cầu Mỹ và Liên Xô loại bỏ và cấm vĩnh viễn tất cả các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mặt đất với phạm vi từ 500 đến 5.500 km. Việc Mỹ rút khỏi INF đồng nghĩa với thỏa thuận này bị sụp đổ hay cấu trúc kiểm soát vũ khí hạt nhân Nga – Mỹ bị phá hoại.

Bên cạnh những thiệt hại trực tiếp đối với an ninh Nga, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF còn có thể tạo ra phản ứng dây chuyền dẫn đến sự sụp đổ của hàng loạt hiệp ước khác như Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (New START), Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí Hạt nhân (Nuclear Non-Proliferation Treaty – NPT)  và Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT). Khi không còn gì ràng buộc, không còn gì để đặt lòng tin vào nhau, nguy cơ các cường quốc thả sức phát triển vũ khí hạt nhân rất có thể xảy ra.

Thế giới phải đối mặt với một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới, được bổ sung thêm cuộc đua của các hệ thống tấn công phi hạt nhân dẫn đường chính xác tầm xa chiến lược cũng như sự phát triển của các vũ khí không gian và vũ khí kĩ thuật số.

Cộng đồng quốc tế nhớ và tiếp tục coi Hiệp ước INF là biểu tượng của giai đoạn cuối thời kì Chiến tranh Lạnh và là sự chuyển đổi sang giải trừ hạt nhân thực sự. Điều đó có nghĩa là sự sụp đổ của hiệp ước sẽ được hiểu rộng rãi là sự đối đầu trở lại và chạy đua vũ trang thời Chiến tranh Lạnh.

ong-putin-nga-de-dang-thiet-ke-ten-lua-moi-khi-my-rut-khoi-inf

Thêm vào đó, một khi INF sụp đổ, không tránh khỏi việc Nga phổ biến vũ khí hạt nhân ở dọc biên giới để đảm bảo an ninh, khiến Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Arab Saudi, Hàn Quốc và Nhật Bản buộc phải có phương án đề phòng.

Do đó, cuộc chạy đua vũ trang đa chiều trên rất có thể sẽ trở thành đa phương, kéo theo cả những nước trên cùng nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, thành viên NATO, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên.

Nga sẽ phải tăng cường bảo vệ biên giới bởi trong những năm gần đây, Mỹ và Nga đã ngừng hợp tác về việc bảo đảm an toàn cho các vật liệu và công nghệ hạt nhân nên sớm hay muộn, vũ khí hạt nhân cũng có thể rơi vào tay những kẻ khủng bố. Nga có thể sẽ trở thành một trong những mục tiêu khủng bố hàng đầu do đã thực hiện cuộc chiến chống khủng bố quốc tế ở Syria. Hơn nữa, Nga còn có vị trí địa chính trị dễ bị tổn thương và biên giới phía Nam khó bảo đảm.

Hiệp ước INF có vai trò rất quan trọng với an ninh Nga, thậm chí còn nhiều hơn so với 30 năm trước khi hiệp ước được kí kết. Sau khi hiệp ước INF sụp đổ, Nga có thể sẽ triển khai các hệ thống vũ khí bị cấm theo Hiệp ước INF. Ngày 18/12, khi Mỹ chính thức tuyên bố rút khỏi INF, Tổng thống Nga Putin cho biết Nga dễ dàng đáp trả bằng cách phát triển các loại tên lửa trên đất liền mới để tự vệ, đồng thời cảnh báo quyết định của Washington sẽ thúc đẩy chạy đua vũ trang. Nga sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phản ứng để tự vệ.

Tiếp đó, Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục triển khai các lực lượng hạt nhân tầm trung không chỉ ở Tây Âu như đã làm mà còn ở Ba Lan, các nước Baltic và Romania. Mỹ cũng có thể đổi mới các chương trình tên lửa hành trình trên đất liền và trên không với các hệ thống tầm trung cải tiến và triển khai chúng ở châu Âu.

Những động thái đó sẽ buộc Moscow phải dùng các nguồn lực quan trọng để tăng khả năng sống sót của lực lượng hạt nhân, các hệ thống thông tin, kiểm soát và chỉ huy của họ.

Nói tóm lại, việc Mỹ rút khỏi INF chắc chắn sẽ “châm ngòi” cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, không chỉ ở Mỹ, Nga mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tờ Washington Post dẫn lời ông John McLaughlin, giảng viên Đại học Johns Hopkins khẳng định để INF sụp đổ là một sai lầm nghiêm trọng. Hậu quả của nó sẽ là cả Nga và Mỹ cùng phát triển nhiều vũ khí hạt nhân hơn. Theo ông, hiện đã có 15.000 vũ khí hạt nhân trên thế giới và hàng tấn vật liệu hạt nhân nổ.

Không gì có thể phủ nhận được thực tế rằng vũ khí hạt nhân cực kì nguy hiểm. Chúng càng có nhiều, càng nhiều nước có vũ khí hạt nhân, nguy cơ dẫn đến những tính toán sai lầm và tai họa càng dễ xảy ra.

Ngoài ra, sự sụp đổ của INF cũng sẽ khiến quá trình thuyết phục Triều Tiên và Iran từ bỏ vũ khí hạt nhật trở nên khó khăn hơn. Nếu các cường quốc không thể kiềm chế tham vọng hạt nhân thì tại sao họ phải kiềm chế?

Cuối cùng, hậu quả sẽ là một cuộc đua hạt nhân không ổn định và không được kiềm chế sẽ diễn ra giữa nhiều quốc gia, đẩy thế giới vào một mối nguy hiểm không thể lường trước được.

 

Hiệp ước INF mà Mỹ đang định rút là gì?

Hiệp ước INF đang trở thành tâm điểm chú ý sau khi Mỹ tuyên bố rút. Nga gọi động thái này của Mỹ là nguy hiểm. Hiệp ước INF là gì mà có ảnh hưởng lớn đến vậy?

 

Mỹ ra 'tối hậu thư' 60 ngày cho Nga về hiệp ước INF

Ngày 4/12, Mỹ đã ra một tối hậu thư với Nga rằng Washington sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một hiệp ước thời Chiến tranh Lạnh nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân tầm trung, nếu Moscow không tuân thủ thỏa thuận này trở lại trong vòng 60 ngày.

 

Mỹ quyết rút khỏi hiệp ước INF bất chấp lời cảnh báo của Nga

Sau cuộc gặp mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow vào hôm 23-10, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã tiếp tục khẳng định việc Washington rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là điều chắc chắn diễn ra.