Thêm 2 ca nghi nhiễm bạch hầu ở Quảng Nam

Thứ sáu, 25/10/2019, 10:49 AM

Trong tháng 10, ngành y tế tỉnh Quảng Nam phát hiện 1 ca bệnh bạch hầu và thêm 2 ca nghi mắc bệnh này, đều ở trẻ dưới 14 tuổi và cùng ở một xã.

them-2-ca-nghi-nhiem-bach-hau-o-quang-nam
Tỉnh Quảng Nam đã tổ chức chiến dịch tiêm vét vaccine bạch hầu tại các huyện miền núi. Ảnh: Báo Quảng Nam

Ngày 19/10, ngành y tế địa phương tiếp nhận 2 trường hợp có biểu hiện giống bệnh bạch hầu là em H. (14 tuổi) và T. (6 tuổi). Cả 2 đều ở xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Hiện 2 bệnh nhi đã được chuyển ra Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng để điều trị. Mẫu bệnh phẩm đã được gửi vào Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm.

Trước đó, vào ngày 6/10, cháu V.V.N., học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Duy Nghĩa) bị sốt cao, đau họng, gia đình tự mua thuốc về uống. Sau 5 ngày, bệnh không thuyên giảm. Đến ngày 11/10, gia đình đã đưa cháu N. đến khám tại Bệnh viện đa khoa Thái Bình Dương (TP. Hội An).

Tại đây, bác sĩ phát hiện trong họng cháu có một số vết trắng cùng với các biểu hiện giống bệnh bạch hầu nên chuyển bệnh nhân ra Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng để điều trị cách ly. Mẫu bệnh phẩm của cháu N. đã được  Viện Pasteur Nha xác định là dương tính với bệnh bạch hầu.

Sau một thời gian điều trị, đến nay sức khỏe của cháu N. đã ổn định và không còn những triệu chứng đau họng, sốt cao.

Bắt đầu tiêm vaccine phòng bạch hầu cho người dân xã Duy Nghĩa

Ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, sáng nay (24/10), ngành y tế sẽ triển khai tiêm vaccine cho người dân xã Duy Nghĩa. Trước đó, các em học sinh tại xã này đã được tiêm vaccine 5 trong 1 ngừa các bệnh, trong đó có bạch hầu.

Lịch trình tiêm được thông báo đến người dân và sẽ tuần tự triển khai tại các thôn. Sau khi tổ chức tiêm chủng cho người dân xã Duy Nghĩa, ngành y tế sẽ tính toán đến việc tổ chức tiêm cho người dân ở xã Duy Hải. Dự kiến số lượng dân ở 2 xã lên đến 15.000 người ở độ tuổi từ 5-40 tuổi.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Văn, Quảng Nam đang rà soát lại tất cả đối tượng trẻ em trên 1 tuổi để thực hiện việc tiêm bổ sung vaccine cho các em tiêm chưa đủ 3 liều. Trẻ từ 1-2 tuổi nếu tiêm chưa đủ 3 mũi vaccine thì buộc phải tổ chức tiêm lại cho đủ: “Bộ Y tế cũng vừa có văn bản chỉ đạo tiêm bổ sung cho tất cả trẻ em đang học lớp 2 tại Quảng Nam vaccine Td (bạch hầu giảm liều). Sở sẽ triển khai tiêm cho tất cả đối tượng này vào tháng 11 tới đây”.

Hơn 35.000 liều vaccine Td dành cho đối tượng trẻ 7 tuổi này sẽ được cung cấp về Quảng Nam vào ngày 28/10 này.

Trước đây, bệnh bạch hầu đã xuất hiện tại Quảng Nam nhưng chủ yếu tại các huyện miền núi do người dân không tuân thủ lịch tiêm chủng. Năm 2015, sau khi bệnh tái phát, Sở Y tế đã tổ chức 3 lần tiêm lại toàn bộ vaccine cho người dân 6 huyện miền núi cao. Hiện nay, các địa phương miền núi cơ bản đã miễn dịch nhất định với bệnh bạch hầu.

Chia sẻ lý do xuất hiện ca bệnh bạch hầu sau một thời gian dài, ông Nguyễn Văn Văn cho rằng, có thể do 2 nguyên nhân sau: Năm 2003, Việt Nam nói chung và Quảng Nam sử dụng vaccine 5 trong 1 của Hàn Quốc phòng ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và các bệnh do Hib. Tuy nhiên, có một thời gian vaccine này bị đứt hàng hơn 5 tháng. Khi xem lại sổ tiêm chủng của trẻ tại xã Duy Hải, Duy Nghĩa thì có một số em không tiêm đủ 3 mũi vaccine này.

Thứ hai, vào cuối năm 2018, đầu năm 2019 khi có thông tin vaccine 5 trong 1 gây biến chứng khiến nhiều trẻ tử vong, đã có nhiều phụ huynh không cho con em mình tiêm đủ 3 liều vaccine này.

Phòng ngừa bệnh thế nào?

Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn truyền nhiễm có khả năng gây tử vong, chủ yếu ảnh hưởng mũi, cổ họng, đôi khi ở da. Ban đầu bệnh có triệu chứng gây sốt, mệt mỏi và đau họng khiến phụ huynh lầm tưởng với các bệnh lý thông thường. Tuy bệnh này cực kỳ hiếm gặp do đã có vaccine phòng ngừa, nhưng không loại trừ trường hợp trẻ không được tiêm chủng đầy đủ mắc bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi.

Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.