Thi THPT Quốc gia 2020 ngày 8/8: Đề thi có độ khó chấp nhận được

Thứ bảy, 08/08/2020, 13:00 PM

Thi THPT Quốc gia 2020 ngày 8/8, theo Bộ GD&ĐT đề thi tốt nghiệp THPT 2020 được xây dựng có độ khó, độ tương đồng ở mức độ chấp nhận được.

Thi THPT Quốc gia 2020 ngày 8/8, đề thi có độ khó chấp nhận được.

Thi THPT Quốc gia 2020 ngày 8/8, đề thi có độ khó chấp nhận được.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2020 sẽ bắt đầu từ ngày 8/8, thí sinh chính thức thi môn đầu tiên vào sáng 9/8. Đây được coi là kỳ thi đặc biệt bởi chịu ảnh hưởng nhiều của dịch Covid-19.

Đáng chú ý nhất là việc thời gian thi được tổ chức làm 2 đợt, bên cạnh đó là câu chuyện thời gian học của các học sinh đã bị gián đoạn trong thời gian dài sau Tết nguyên đán.

Do đó, có không ít ý kiến lo ngại về lỗ hổng kiến thức của các em, làm sao để các em có thể "vượt vũ môn" khi việc học bị ảnh hưởng. Đề thi phải làm sao để đảm bảo được sự công bằng mà vẫn đủ độ khó để phân loại thí sinh đỗ đại học, cao đẳng...

Chia sẻ với báo chí liên quan đến vấn đề đề thi THPT Quốc gia 2020, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cho biết: Kỳ thi nào cũng vậy, đều phải xây dựng được đề thi đáp ứng yêu cầu, mục đích của kỳ thi đó.

“Với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, để làm được điều này, về giải pháp khoa học chúng ta có một cấu trúc đề thi thể hiện qua ma trận đề.

Xuất phát từ ngân hàng câu hỏi phong phú, được xây dựng theo đúng chuẩn hóa, thì từ cấu trúc đề thi như vậy, sử dụng các câu hỏi trong ngân hàng, chúng ta sẽ xây dựng nên đề thi đáp ứng mục đích kỳ thi”, ông Mai Văn Trinh nói.

Cũng theo ông Trinh, với cấu trúc đề thi ổn định, ngân hàng câu hỏi đã có sẵn, bằng các giải pháp kỹ thuật, chúng ta sẽ xây dựng được một đề thi có độ khó, có độ tương đồng ở mức độ chấp nhận được, để tạo quyền lợi và sự bình đẳng cho các thí sinh thi đợt sau.

Theo quy định của Quy chế thi tốt nghiệp THPT, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Đề thi cần bảo đảm chính xác, khoa học và tính sư phạm; lời văn, câu chữ phải rõ ràng; bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT; bảo đảm phân loại được thí sinh.

Đề thi tự luận phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi; điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm được quy về thang điểm 10 đối với toàn bài và cả đối với các môn thi thành phần của các bài thi tổ hợp.

Được biết, đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT hoàn thành nhiều việc chuẩn bị cho kỳ thi.

Đề thi chính thức được chuyển giao về các địa phương để in sao theo kế hoạch. Ngày 8/8, các địa phương sẽ “khởi động” công tác này.

Đề thi đợt 1 được tổ chức in sao ở các địa phương, đảm bảo hoàn thành để đến ngày 8/8 đề được chuyển đến các điểm thi ở xa.

Đề thi đợt 2 cũng do Bộ GD&ĐT ra với mức độ, yêu cầu tương đương với đề của đợt 1. Thí sinh dự thi đợt 2 hoàn toàn yên tâm, tập trung ôn thi thật tốt.

Đối với thí sinh dự thi đợt 2 có nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xem xét bố trí tỷ lệ chỉ tiêu và tuyển sinh phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, trên tinh thần tự chủ đại học.

Năm nay, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện các phần mềm phục vụ công tác tổ chức kỳ thi.

Các phần mềm đã được nghiệm thu, kiểm thử, tập huấn và chuyển đến hội đồng thi ở địa phương.

Theo ông Trinh, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 là sự tính toán rất đa chiều, để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, đặc biệt là các thí sinh.

Thứ nhất, các em được quyền tham dự kỳ thi theo quy định của luật giáo dục.

Thứ hai, các em có quyền được chăm sóc sức khoẻ, có quyền được thi trong điều kiện an toàn nhất.

Thứ ba, các em vẫn được sử dụng kết quả thi để tham dự xét tuyển ĐH, cao đẳng top trên, để thỏa ước mơ nung nấu trong thời gian dài.

Bài liên quan