Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung chỉ có ý nghĩa ‘tình cảm’?

Thứ ba, 15/10/2019, 10:37 AM

Dù các chi tiết của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 vẫn chưa rõ, nhưng ông Trump dường như đã từ bỏ lập trường trước đây rằng ông sẽ chỉ chấp nhận một thỏa thuận toàn diện, Clyde Russell, nhà phân tích thị trường của hãng tin Reuters bình luận ngày 14/10.

Phái đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc gặp Tổng thống Trump tại Nhà Trắng.
Phái đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc gặp Tổng thống Trump tại Nhà Trắng.

Tổng thống Donald Trump đã đi xa đến mức gọi thỏa thuận một phần với Trung Quốc đạt được tuần trước là “một cuộc tình”. Ông Trump được cho là đã có sự nhượng bộ đáng kể như hoãn đợt tăng thuế từ 25% lên 30%  đối với khoảng 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 15/10. Sau gần nửa năm đưa tập đoãn viễn thông Huawei của Trung Quốc vào danh sách đen, ông cho biết sẽ ký lệnh cho phép một số công ty Mỹ giao dịch với Huawei.

Về phần mình, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc lưu ý rằng hai bên đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, theo Clyde Russell, vẫn còn cả một chặng đường dài để giải quyết toàn diện những khác biệt thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, dù thỏa thuận một phần giữa Mỹ và Trung Quốc ngày 11/10 không phải là vô nghĩa.

Về mặt nào đó, phản ứng của thị trường tài chính và hàng hóa đối với diễn biến mới nhất trong cuộc chiến thương mại tích cực hơn so với trước đây đã cho thấy thỏa thuận là một dấu hiệu tốt.

Đây là lần đầu tiên hai bên thể hiện quyết tâm có một cái gì đó trên giấy tờ. Và thỏa thuận giai đoạn 1 họ đạt được dự kiến sẽ được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh Các nước Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương ở Chile vào ngày 16/11 tới.

Dù vậy, Russell nhận định, tin tức tốt lành được công bố ngày 11/10 chủ yếu mang ý nghĩa “tình cảm”, với quá ít chi tiết về những gì đã hoặc chưa thực sự được thỏa thuận giữa hai bên.

Thuế quan trả đũa giữa hai bên cũng chưa được gỡ bỏ hoặc giảm bớt. Sự nhượng bộ thực sự duy nhất là Mỹ sẽ không nâng mức thuế từ 25% lên 30%  đối với khoảng 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc được cho là có hiệu lực ngày 15/10.

Chi tiết lớn nhất được ông Trump thông báo là Trung Quốc sẽ lại bắt đầu mua số lượng lớn nông sản Mỹ, trị giá lên tới 50 tỷ USD.

Việc tăng dần mức mưa lên 50 tỷ USD thể hiện sự gia tăng khá lớn về giá trị hàng hóa nông sản Mỹ được Trung Quốc mua vào. Trước khi chiến tranh thương mại nổ ra vào giữa năm ngoái, con số này chỉ khoảng 23 tỷ USD.

Khoảng 52% xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc trước khi xảy ra tranh chấp thương mại là đậu nành. Khoảng 27,7 triệu tấn đậu nành đã được xuất khẩu sang Trung Quốc trong mùa vụ 2017/18, trước khi tranh chấp thương mại giảm con số này xuống chỉ còn 13 triệu tấn trong mùa vụ 2018/19.

Nếu Trung Quốc quay trở lại mua khoảng 28 triệu tấn đậu nành mỗi năm, thì số tiền này sẽ rơi vào khoảng 9,7 tỷ USD.

Mặc dù đây chắc chắn là tin tức được các nông dân Mỹ hoan nghênh, nhưng nếu đúng mục tiêu của ông Trump, không chỉ đậu nành, lượng xuất khẩu sang Trung Quốc của hầu như mọi thứ khác, bao gồm thịt lợn, thịt bò, gia cầm và các loại hạt cũng phải tăng với số lượng khổng lồ.

Một yếu tố nữa khiến Russel cho rằng thỏa thuận thương mại một phần không có nhiều ý nghĩa là nó không đề cập đến xuất khẩu năng lượng từ Mỹ sang Trung Quốc.

Theo một số dữ liệu theo dõi cảng và tàu thuyền của Refinitiv, gần đây có động thái tích cực đối với các nhà xuất khẩu dầu thô của Mỹ. 5 tàu chở dầu dự kiến sẽ chuyển tổng cộng 9,4 triệu thùng dầu thô tới Trung Quốc trong tháng này.

Nếu tất cả lượng dầu được dỡ xuống, nhập khẩu dầu thô từ Mỹ vào Trung Quốc trong tháng Mười này sẽ vào khoảng 303.000 thùng mỗi ngày, cao thứ hai trong năm nay, chỉ sau 374.000 triệu thùng mỗi ngày của thángTám.

Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm, nhập khẩu dầu thô Mỹ của Trung Quốc chỉ đạt trung bình 121.000 thùng mỗi ngày, thấp hơn so với mức 344.000 thùng mỗi ngày trong 6 tháng đầu năm 2018, trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra.

Hơn nữa, giá cước vận tải tàu tăng mạnh sau khi chính quyền Trump áp đặt lệnh trừng phạt đối với 4 công ty vận tải Trung Quốc vì tiếp tục làm ăn với Iran đã khiến dầu thô của Mỹ giảm sức cạnh tranh ở châu Á, do hành trình dài hơn so với các đối thủ ở Trung Đông và châu Phi.

Về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), các nhà xuất khẩu Mỹ bị Trung Quốc từ chối. Không có lô hàng LNG nào của Mỹ được xuất sang Trung Quốc từ tháng 3/2019. Trong khi đó, nửa đầu năm 2018, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,73 triệu tấn LNG từ Mỹ.

Xuất khẩu than của Mỹ sang Trung Quốc cũng tương tự như câu chuyện của LNG, với các lô hàng “nhỏ giọt”. Theo dữ liệu của Refinitiv, trong mỗi tháng 9 và tháng 8/2019, chỉ có một lô hàng được nhập.

Hiện không có tàu chở than nào đang từ Mỹ đến Trung Quốc. Lượng than nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc năm nay chỉ đạt tổng cộng 1 triệu tấn, giảm từ 3,2 triệu trong năm 2018 và 6 triệu trong năm 2017.

Nếu Mỹ thực sự muốn tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc, thì rõ ràng năng lượng phải quay trở lại thỏa thuận vì một mình hàng hóa nông nghiệp sẽ không bao giờ là đủ.

Mặc dù các chi tiết của thỏa thuận giai đoạn 1 vẫn chưa rõ, nhưng ông Trump được cho là đã từ bỏ lập trường trước đây rằng ông sẽ chỉ thực hiện một thỏa thuận toàn diện, duy nhất.