Thơm phức mứt gừng ở nơi sản xuất loại mứt nổi tiếng nhất mảnh đất Huế

Thứ bảy, 25/01/2020, 19:50 PM

Trong những ngày Tết, nhắc đến loại mứt gừng, người dân ở Thừa Thiên Huế luôn nghĩ ngay đến phường Kim Long. Bởi đây là nơi sản xuất ra loại mứt gừng ngon và có truyền thống lâu đời.

 

 

 

Dịp Tết là thời điểm “ăn nên làm ra” của các hộ dân làm mứt gừng ở phường Kim Long.

 

 

Càng giáp Tết, không khí sản xuất càng nhộn nhịp hơn.

 

 

Mỗi người làm mỗi công đoạn khác nhau.

 

 

Các lò mứt gừng thủ công ngày đêm đỏ lửa làm mứt.

 

 

Nghề làm mứt gừng truyền thống làng Kim Long có từ hàng chục năm nay. Mứt được sản xuất theo cách thủ công, không phẩm màu, không chất bảo quản.

 

 

Phường này nổi tiếng về mứt gừng, vì đây là làng ven sông, nguyên liệu được mua từ ngôi làng vùng Thượng nguồn sông Hương. Củ gừng tuy nhỏ nhưng thơm, cay, ấm và chắc.

 

 

Gia đình ông Trần Hữu Nam (67 tuổi) là một trong những gia đình lâu đời làm mứt gừng ở xứ Huế. Ông Nam cho biết: “Gia đình tôi làm mứt gừng thủ công đã được 3 đời”.

 

 

Thời điểm giáp Tết, mỗi ngày nhà ông Nam sản xuất khoảng 3 tạ gừng để làm mứt cung cấp cho thị trường.

 

 

Gừng mua về được gọt vỏ, bào gừng rồi rửa sạch, ngâm nước vo gạo khoảng 1 giờ vớt ra để ráo. Sau đó, đun nước sôi và cho ít chanh để luộc gừng trong vòng 5 phút.

 

 

Rim gừng để miếng mứt gừng thấm vị, khô và cay nồng là công đoạn quan trọng nhất.

 

 

Sau khi mứt gừng đã thẳng và khô, để nguội rồi cho vào bao bóng để bảo quản lâu ngày.

 

 

Làng nghề mứt gừng Kim Long cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

 

 

Bà Trần Thị Bê, có thâm niên 30 năm làm mứt cho hay: “Người làm mứt gừng ở phường Kim Long có những bí quyết riêng để tạo ra những miếng gừng mỏng vừa phải, có màu vàng tự nhiên, cay cay, ngọt ngọt và giòn. Từ tỉ lệ đường cho đến thời gian nấu khác nhau sẽ tạo ra được những lát mứt gừng có hương vị khác nhau”.

 

 

Hiện nay, làng mứt Kim Long dần mai một. Hiện nay chỉ còn khoảng 10 nhà mưu sinh bằng nghề truyền thống này, do làm mứt thủ công cực khổ nhưng thu nhập thấp. 

 

 

Ông Nam cho biết: “Trước đây, ở phường Kim Long có gần 30 hộ sản xuất mứt gừng thủ công, nhưng hiện nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay”.