Thu phí không dừng 'trễ hẹn' 2 năm

Thứ sáu, 06/11/2020, 10:13 AM

Báo cáo tại Quốc hội, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng chậm 2 năm so với Nghị quyết.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình báo cáo trước Quốc hội. (Ảnh: Dân trí).

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình báo cáo trước Quốc hội. (Ảnh: Dân trí).

Sáng 6/11, Quốc hội bắt đầu 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Trước phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình thay mặt Chính phủ báo cáo tóm tắt nội dung các vấn đề kinh tế - xã hội.

Thu phí không dừng tiếp tục trễ hẹn

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, lĩnh vực công thương ghi dấu ấn trong việc xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, từ đó xác định phương án xử lý cụ thể, khả thi, dứt điểm. Các dự án yếu kém được xử lý trên nguyên tắc đề cao tự chủ, tự quyết của doanh nghiệp, Nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án, hạn chế thiệt hại cho Nhà nước.

Bên cạnh đó, công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện được triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 62 của Quốc hội, song vẫn có nơi còn chưa chặt chẽ, có dự án thủy điện nhỏ có tác động đáng kể đến môi trường.

Về lĩnh vực GTVT, đã đẩy nhanh đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia như đường cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cải tạo và nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất…

Riêng với các trạm thu phí BOT, Phó thủ tướng nhấn mạnh chủ trương không đầu tư dự án BOT trên đường hiện hữu đã được thực hiện nghiêm túc. Ngành GTVT đã rà soát tổng thể vị trí đặt trạm thu phí, chính sách miễn giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ; triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.

Tuy nhiên, một số công trình giao thông trọng điểm vẫn còn chậm tiến độ; việc đầu tư, xây dựng phát triển vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu; tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng chậm 2 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.

Liên quan đến công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, thanh tra và kết luận nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trong đó có một số vụ việc rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong đấu tranh xử lý tham nhũng. Cùng với đó, kiến nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm, thu hồi nhiều tiền, tài sản, đất đai có giá trị lớn.

Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng chưa tương xứng với tình hình thực tế.

Phó thủ tướng đánh giá Chính phủ và các bộ, đã nghiêm túc triển khai các nghị quyết của Quốc hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Song, có những việc triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do có bất cập trong cơ chế, chính sách, việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực cần thiết và cần có thời gian.

Chưa phát hiện trường hợp kết án oan

Trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh việc tranh tụng và chống oan, sai trong xét xử thời gian qua đã được thực hiện tốt.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tại Quốc hội. (Ảnh: Zing.vn).

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tại Quốc hội. (Ảnh: Zing.vn).

Ông Nguyễn Hoà Bình cho biết, TAND tối cao đã đề ra 14 giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử. Nhờ đó, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án trong nhiều năm được hạn chế ở mức thấp, giảm dần qua các năm và hiện ở mức dưới 1,5% - đáp ứng chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Trong xét xử các vụ án hình sự, TAND Tối cao khẳng định “chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội”.

Ngoài ra, Chánh án TAND Tối cao cho rằng, đã thực hiện nghiêm túc, có chất lượng chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn như vụ án Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh; các vụ án liên quan đến ngân hàng...

“Với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước cũng phải chịu mức án nghiêm khắc”, Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh.

Bài liên quan