Thủ tướng nhắc chuyện 'chỉ một trận mưa lớn ở Hà Nội mà đã ngập, tắc hết đường'

Thứ sáu, 26/07/2019, 20:02 PM

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 26/7, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra “điểm nghẽn” trong phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm.

thu-tuong-nhac-chuyen-chi-mot-tran-mua-lon-o-ha-noi-ma-da-ngap-tac-het-duong
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng 26/7.

Sáng 26/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe báo cáo về tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm và sự tác động tới tăng trưởng chung của cả nước.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, giai đoạn 2011-2017, GRDP của 4 vùng KTTĐ bình quân mỗi năm tăng 7,14%. Hà Nội và TPHCM là 2 cực tăng trưởng quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng chung cả nước bình quân/năm trong giai đoạn 2011-2017 tương ứng đạt 13,6% và 19,4%.

Thủ tướng đánh giá báo cáo đã bước đầu đưa ra được bức tranh tổng thể với số liệu tương đối cập nhật, nhất là về kết quả, hạn chế, yếu kém về liên kết vùng và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.

Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì tiếp thu các ý kiến để khẩn trương hoàn thiện báo cáo. Cùng với kết quả các hội nghị của Chính phủ với các vùng kinh tế trọng điểm, xây dựng và hoàn thiện đề án về phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả của vùng kinh tế trọng điểm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó, cần lưu ý các nhiệm vụ, giải pháp mới mang tính đột phá, tạo động lực phát triển của 4 vùng, hiện chiếm tới 70% GDP cả nước.

Phát biểu kết luận cuộc họp sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận tình hình phát triển của 4 vùng và đánh giá đã đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của đất nước, dẫn đầu là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có TP.HCM.

“Hôm qua, chỉ một trận mưa lớn ở Hà Nội mà đã ngập, tắc hết đường. Với TPHCM, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu càng rõ nét hơn. Trong khi đó, quy hoạch vùng, liên kết vùng, cơ chế điều phối vùng, chính sách phát triển vùng chưa tốt, chưa rõ, là “điểm nghẽn” trong phát huy vai trò của các vùng KTTĐ”, Thủ tướng nêu vấn đề và yêu cầu “bàn tiến chứ không bàn lùi”, sao tìm được giải pháp khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản mặc dù tổng vốn đầu tư xã hội vẫn tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn. Tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mạnh mẽ hơn. Thủ tướng ghi nhận, vừa qua, một số công trình, dự án hạ tầng bức xúc cần tiếp tục được tháo gỡ kịp thời hơn, trong đó có lĩnh vực điện.

Thủ tướng nhấn mạnh, không được để thiếu điện trong thời gian tới, nhất là khu vực phía nam khi mà Thủ tướng, tập thể Chính phủ đã thảo luận nhiều lần về vấn đề này, đưa ra các giải pháp, cơ chế đặc biệt để bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh.

Trước đó, chiều 25/7, Thường trực Chính phủ bàn hướng thúc đẩy một số dự án hạ tầng, qua đó, gỡ điểm nghẽn cho sự phát triển của các địa phương.

Trong số dự án được thảo luận có các dự án được địa phương kiến nghị tại cuộc làm việc ngày 24/7, giữa Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng XIII với 9 tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và TP. Hà Nội nhằm tháo “nút thắt” hạ tầng cho phát triển như dự án đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, dự án đầu tư nâng cấp sân bay Điện Biên, dự án đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh…

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần nhanh chóng, rốt ráo, quyết liệt, chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh xã hội hóa, “tinh thần làm nhanh nhưng không làm ẩu”, làm kịp thời hơn nữa nhưng không được làm sai quy định của Nhà nước, nhất là quy trình áp dụng pháp luật. Thủ tướng cũng lưu ý làm tốt, làm nhanh khâu giải phóng mặt bằng.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ phải cơ bản thông xe trong năm 2020 và khánh thành vào đầu năm 2021 và khẳng định, sẽ bố trí đủ nguồn vốn cho công trình này. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề này.

Thủ tướng nêu rõ, có việc gì làm được trong nhiệm kỳ thì chúng ta nên triển khai, “việc hôm nay chớ để ngày mai”. Các bộ, cơ quan, nhất là Bộ Giao thông vận tải quán triệt chủ trương này để thúc đẩy các công trình mà nhân dân mong đợi.

 

Hà Nội ngập nặng nhiều tuyến đường sau trận mưa lớn

Chỉ sau khoảng 1 giờ mưa lớn, khu vực trung tâm Hà Nội đã ngập sâu trong nước, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn.

 

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Cơ hội nào cho nhà thầu trong nước?

Bên cách việc lựa chọn phương án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam, câu chuyện chọn nhà thầu trong nước hay quốc tế cũng gây ra tranh luận sôi nổi.

 

Cao tốc Bắc – Nam: Vì sao doanh nghiệp Trung Quốc đua nhau dự thầu?

Cao tốc Bắc - Nam đang chứng tỏ sức hút với các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt nhà thầu Trung Quốc khi lấn lướt về số lượng nhà đầu tư độc lập cũng như liên danh.