Thủ tướng quyết định Hà Nội, TP. HCM và 10 tỉnh, thành phố cách ly xã hội đến 22/4

Thứ tư, 15/04/2020, 17:49 PM

Chiều 15/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dịch Covid-19 và quyết định 12 tỉnh, thành phố 'nguy cơ cao' cách ly xã hội đến 22/4.

Thủ tướng quyết định 12 tỉnh, thành phố 'nguy cơ cao' cách ly xã hội đến 22/4

Thủ tướng quyết định 12 tỉnh, thành phố 'nguy cơ cao' cách ly xã hội đến 22/4

Trong buổi họp Thường trực Chính phủ chiều 15/4, Thủ tướng quyết định nhóm các tỉnh thành có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh, Hà Tĩnh, và đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến 22/4 hoặc 30/4 tuỳ tình hình cụ thể của việc lây nhiễm.

"Nhóm tỉnh thành này không phải là bất biến, mà có thể thay đổi. Tuần sau Chính phủ sẽ họp, xem xét lại việc cách ly xã hội sẽ kéo dài đến 22/4, hay 30/4, tuỳ tình hình thực tế", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh thành về công tác phòng chống Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị, TP HCM, Hà Nội cùng 10 tỉnh, thành phố khác dù tiếp tục cách ly xã hội vẫn phải quan tâm sản xuất, xây dựng hạ tầng. 

Trước đó, trong cuộc họp sáng 15/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) bàn thảo và thống nhất kiến nghị Thủ tướng về việc tiếp tục thực hiện 'cách ly xã hội' để phòng, chống dịch bệnh.

Ban Chỉ đạo đã bàn thảo chi tiết về việc phân loại mức độ nguy cơ dịch bệnh các địa phương thành 3 nhóm gồm nhóm nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp. Ngoài nhóm nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, thành phố nêu trên, nhóm nguy cơ là Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước và Đồng Tháp. Các tỉnh còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp.

Trên cơ sở phân tích tình hình dịch bệnh COVID-19 ở trong nước và trên thế giới, Ban Chỉ đạo đánh giá nhờ thực hiện các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, chúng ta vẫn đang kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng diễn biến dịch bệnh trên thế giới sẽ còn kéo dài. Ở trong nước, diễn biến dịch bệnh và điều kiện giữa các địa phương trong cũng khác nhau.

Do đó, trong thời gian tới chúng ta vừa phải tiếp tục phòng, chống dịch bệnh, vừa phải bảo đảm cuộc sống người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện có dịch bệnh.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) cũng thống nhất sẽ đưa ra những yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các tỉnh trong cả nước phải thực hiện nghiêm chỉnh như: Đeo khẩu trang, không tập trung đông người, giữ khoảng cách, bảo đảm vệ sinh dịch tễ… Một số loại hình dịch vụ kinh doanh, vui chơi giải trí chưa được phép hoạt động.

Tuỳ theo điều kiện và mức độ đánh giá nguy cơ của từng địa phương, lãnh đạo tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm quy định các biện pháp bổ sung để vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội.

Đối với những sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, trong trường hợp thật cần thiết, sẽ được tổ chức theo các hướng dẫn về giám sát y tế để bảo đảm an toàn.

Những địa phương có nguy cơ và nguy cơ thấp, một số hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động có điều kiện trên cơ sở bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ…

Đối với hoạt động đi lại, Ban Chỉ đạo thống nhất tuỳ vào mức độ, nguy cơ từng địa phương sẽ có giới hạn cụ thể. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đưa ra quy định chi tiết. Tiếp tục thực hiện các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh, Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc trích xuất camera để tiến hành xử phạt nguội.

Bài liên quan