Thứ năm, 17/10/2019, 11:59 AM
  • Click để copy

'Nhờ nâng điểm là tạo nghiệp không phải tạo phúc'

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng lời khai nhờ nâng điểm cho 20 thí sinh để tạo phúc, trả ơn của bị cáo Lê Thị Dung - Cựu công an tỉnh Hà Giang chỉ là "ngụy biện, là tạo nghiệp chứ không phải tạo phúc".

Bị cáo Lê Thị Dung - nữ Cựu công an tỉnh Hà Giang với lời khai
Bị cáo Lê Thị Dung - nữ Cựu công an tỉnh Hà Giang với lời khai "nhờ nâng điểm để tạo phúc" khiến dư luận dậy sóng. (Ảnh: Báo Phụ nữ).

Những ngày này, dư luận đang bàn tán xôn xao trước vụ xử án gian lận thi cử ở Hà Giang trong đó có phần khai "nhờ nâng điểm để tạo phúc" của bị cáo Lê Thị Dung - nữ Cựu công an tỉnh Hà Giang.

Theo đó, Lê Thị Dung - Phó đội trưởng Đội giáo dục đào tạo, y tế, lao động xã hội, thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh Hà Giang (trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, do không được phân công nhiệm vụ phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo) đã nhờ bị can Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh, trong số đó có nhiều thí sinh từ các tỉnh, thành khác đến Hà Giang để dự thi.

Tại toà, Lê Thị Dung khai các thí sinh này chủ yếu do quen biết, quan hệ từ đồng nghiệp đến bác sĩ, người giữ xe bệnh viện, nơi đến khám bệnh. Đặc biệt, nhiều thí sinh đi nghĩa vụ quân sự trở về…

"Bị cáo bị nhiều loại bệnh hành hạ nên nghĩ rằng việc giúp các thí sinh là để tạo phúc cho mình", Lê Thị Dung khai. 

Lời khai của nữ Cựu công an tỉnh Hà Giang khiến nhiều người cảm thấy hài hước. Bởi ai mà tin được việc một cán bộ công tác trong ngành Công an hiểu rõ pháp luật lại làm việc vi phạm pháp luật để tạo phúc cho bản thân... thậm chí trong danh sách 20 thí sinh mà Dung nhờ có người chỉ là quen biết xã hội.

Trao đổi với PV về việc này, chuyên gia tâm lý Lê Thị Qúy không giấu được bức xúc, bà cho rằng: "Lời khai nhờ nâng điểm để tạo phúc của nữ Cựu công an tỉnh Hà Giang chỉ là ngụy biện và nó cho thấy bị cáo này không có sự ăn lăn, hối cải".

"Ngay cả trẻ con lớp 3 cũng không tin được chị ta nhờ nâng điểm để tạo phúc. Đó là lời ngụy biện. Chị ta làm trong ngành Công an hơn ai hết là phải hiểu rõ pháp luật, hiểu rõ đúng sai, hiểu rõ thế nào là tạo phúc. 

Không tôn giáo nào, lương tâm nào bảo đánh trượt một thí sinh xứng đáng để đưa thí sinh kém cỏi lên đỗ đạt là tạo phúc. Nếu vụ việc không phát hiện thì đã có nhiều thì sinh kém cỏi trong số thí sinh chị ta nhờ đỗ đạt, thậm chí đỗ thủ khoa và sau này len lỏi vào các cơ quan, đơn vị.

Rồi tiếp đó sự kém cỏi ấy sẽ sinh ra bao nhiêu nghiệp... Còn những thí sinh xứng đáng thì lại bị trượt. Thử hỏi đó là tạo phúc hay tạo nghiệp?" - Chuyên gia Lê Thị Túy bày tỏ.

Từ phân tích trên, vị chuyên gia cho rằng Tòa án Hà Giang cần phải khách quan, xử lý công minh không vì những lời ngụy biện trên mà giảm án cho bị cáo.

Ở diễn biến khác, sáng 17/10, phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 ở Hà Giang bước sang ngày làm việc thứ 4.

Sau khi tập trung xét hỏi hàng chục người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến dự tòa, HĐXX đã công bố lời khai của những người vắng mặt, trong đó có ông Trần Đức Quý (Phó chủ tịch tỉnh) và em gái của ông Triệu Tài Vinh (nguyên Bí thư tỉnh Hà Giang).

Theo chủ tọa Vương Thị Thu Hà, tại cơ quan điều tra, ông Trần Đức Quý (Phó chủ tịch Hà Giang, bác của thí sinh Lê Ngọc Ngân) khai trước khi kỳ thi diễn ra, ông đã nhờ bị cáo Hoài xem điểm cho thí sinh này nhưng kết quả lại được nâng điểm.

Còn lời khai của bà Nguyễn Thị Châm (mẹ thí sinh Lê Ngọc Ngân) nhờ bác của cháu là ông Trần Đức Quý "xem xét giúp đỡ".

Tiếp tục công bố lời khai, chủ tọa phiên tòa cho biết bà Triệu Thị Giang (cô của thí sinh Triệu Ngọc Mai - con gái ông Vinh) khai bản thân không hề nhờ bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT Hà Giang) nâng điểm cho bất cứ ai trong kỳ thi năm 2018. "Chỉ có duy nhất một lần có nói về mấy đứa cháu để giúp thôi, không nói rõ gì thêm", nữ thẩm phán nêu.

Sáng cùng ngày HĐXX cũng đã lần lượt xét hỏi hàng chục người liên quan có mặt tại tòa. Nhiều người trong số họ khai quen biết các bị cáo nên nhờ xem hoặc nâng điểm.

Tuy nhiên, những người này phủ nhận đã đưa tiền hoặc vật chất để nhờ vả các bị cáo. Họ khai mục đích nhờ chủ yếu do quan hệ bạn bè, đồng nghiệp.