Thừa Thiên Huế: Giải quyết dứt điểm các kiến nghị, đề xuất của khách hàng sử dụng điện

Thứ tư, 15/07/2020, 14:59 PM

Trong thời gian qua, Cty Điện lực Thừa Thiên Huế đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc các phòng ban, đơn vị trực thuộc trong việc giải quyết dứt điểm các kiến nghị, đề xuất của khách hàng, không để tồn đọng.

Ông Hà Thanh Long, Giám đốc Cty Điện lực Thừa Thiên Huế báo cáo với Đoàn giám sát giải quyết kiến nghị cử tri của HĐND tỉnh.

Ông Hà Thanh Long, Giám đốc Cty Điện lực Thừa Thiên Huế báo cáo với Đoàn giám sát giải quyết kiến nghị cử tri của HĐND tỉnh.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có buổi làm việc tại Cty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) về việc giải quyết kiến nghị của cử tri; thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh khóa VII và công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh.

Ông Hà Thanh Long, Giám đốc PC Thừa Thiên Huế cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty vẫn đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đảm bảo cấp điện ổn định, liên tục cho các bệnh viện, cơ sở y tế và các khu vực cách ly tập trung phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong thời gian qua, công ty này đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc các phòng ban, đơn vị trực thuộc trong việc giải quyết dứt điểm các kiến nghị, đề xuất của khách hàng, không để tồn đọng.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trong tỉnh tập trung giải quyết các kiến nghị của cử tri tại các huyện, thị xã, thành phố qua kì họp lần thứ 9, HĐND tỉnh khóa VII.

Tại địa bàn xã Hương Long, có 23 vị trí cột điện nằm trong đất vườn của các hộ dân và trong lòng lề đường. Công ty đã lập kế hoạch sửa chữa, di dời để đưa vào kế hoạch thực hiện năm 2021.

Còn tại địa bàn thôn Lương Quán (phường Thủy Biều) trong diện tích 30ha trồng cây thanh trà nhưng mới được cấp điện một nửa diện tích. Năm 2019, công ty đã đầu tư xây dựng mới 0,83km đường dây hạ áp thuộc trạm Thủy Biều 3, Thủy Biều 4 để giải quyết một phần nhu cầu cấp điện cho việc tưới thanh trà. Phần còn lại theo chỉ đạo của UBND tỉnh đề nghị địa phương tìm kiếm các nguồn vốn từ các dự án khuyến nông để đầu tư lưới điện trên địa bàn địa phương.

Trong khi đó, tại thôn Hòa Phong (xã Thủy Tân, thị xã Hương Thủy) đề nghị nâng cấp, sửa chữa, thay thế và nắn tuyến đường dây trung hạ thế hiện tại sang tuyến đường bê tông hóa của thôn mới đầu tư, đảm bảo an toàn, mỹ quan.

Nộp ngân sách địa phương năm 2019 đạt 40,8 tỉ đồng.

Nộp ngân sách địa phương năm 2019 đạt 40,8 tỉ đồng.

Qua kiểm tra lưới điện thôn Hòa Phong bàn giao cho ngành điện từ năm 2015, sau tiếp nhận công ty đã nâng cấp lưới điện hạ áp từ dây cáp trần bằng dây cáp vặn xoắn bọc cách điện ABC 4x95mm2 trên cột CH-8m.

Hiện nay, công ty đã đưa vào kế hoạch thay thế một số vị trí cột kém chất lượng trong năm 2020. Riêng hạng mục nắn tuyến đường dây hạ thế khu vực này sẽ được thực hiện trong kế hoạch năm 2021.

Còn tại thôn Ria Hố (xã Thượng Lộ) đề nghị di dời 6 vị trí cột điện nằm trong đất vườn và gần nhà dân. Công ty đã đưa vào kế hoạch để thực hiện trong quý 4/2020.

Công tác phối hợp với các nhà mạng viễn thông trên địa bàn TP Huế để xử lí tình trạng dây điện, dây viễn thông chằng chịt. Trong thời gian qua, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh và ủng hộ của Sở Thông tin và Truyền thông, PC Thừa Thiên Huế là đơn vị đi đầu trong việc cải tạo, chỉnh trang cáp viễn thông treo cột điện.

Công ty đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, triệt để các trường hợp doanh nghiệp treo cáp không đảm bảo an toàn, xử lí các điểm đen cáp viễn thông mất mỹ quan và an toàn điện.

Trong năm 2019, công ty đã chủ trì phối hợp các doanh nghiệp viễn thông và truyền hình cáp trên địa bàn xử lí làm gọn trên 196 điểm đen cáp viễn thông, bó gọn 15,3km cáp viễn thông tại 16 tuyến đường khu vực bờ Bắc sông Hương theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh.

Ngoài ra, công ty còn đầu tư trên 1,9 tỉ đồng cho công trình chỉnh trang cáp viễn thông với chiều dài 20,3km, tập trung khu vực TP Huế, huyện Phú Vang và thị xã Hương Thủy. Sáu tháng đầu năm 2020, công ty đã thực hiện xử lí hơn 298 vị trí điểm đen cáp viễn thông. Kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020, đầu tư trên 3,5 tỉ đồng cho công trình chỉnh trang cáp viễn thông tại 20 tuyến đường với tổng chiều dài gần 37km.

Tại buổi làm việc với công ty, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã đề nghị đơn vị làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến kiến nghị của cử tri.

Sau khi lắng nghe ý kiến các đại biểu, kết luận tại các buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Ái Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả của công ty trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri; công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Bà Vân đề nghị PC Thừa Thiên Huế cần đẩy nhanh việc thực hiện các công trình cải tạo lưới điện nông thôn; tiếp tục đề xuất Tổng công ty Điện lực miền Trung việc đầu tư lưới điện kéo thêm nhánh rẽ cho các hộ dân xa đường trục điện chính và các hộ gặp nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Ái Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận buổi làm việc.

Bà Nguyễn Thị Ái Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận buổi làm việc.

Cùng với đó, từ năm 2018, theo kiến nghị của cử tri trong tỉnh và Ban Dân nguyện chuyển đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần di dời 2.432 vị trí cột điện năm giữa lòng đường, trong phần đất thuộc quyền sở hữu của người dân, ảnh hưởng an toàn giao thông tồn tại trong quá trình tiếp nhận lưới điện nông thôn, đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới… với giá trị khái toán chi phí di dời gần 66 tỉ đồng. Từ năm 2019 đến nay, công ty đã sử dụng chi phí sản xuất và đầu tư xây dựng với giá trị 3,5 tỉ đồng để di dời hơn 200 vị trí cột điện.

Bà Vân đề nghị PC Thừa Thiên Huế cần phối hợp hơn nữa với các ban, ngành liên quan của tỉnh trong việc thực hiện di dời lưới điện với khối lượng lớn còn lại, đồng thời, HĐND tỉnh sẽ xem xét để bố trí một phần vốn ngân sách để hỗ trợ ngành Điện thực hiện và tiếp tục quan tâm xử lí dây cáp viễn thông, đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị.

Công tác đảm bảo hành lang an toàn lưới điện ngành điện phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc giải quyết, xử lí dứt điểm các vi phạm hành lang an toàn, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Điện thương phẩm thực hiện 6 tháng đầu năm đạt 836 triệu kWh, giảm 2,38% so với cùng kì. Tỉ trọng điện thương phẩm trong nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản đạt 30,78 triệu kWh, chiếm tỉ trọng 3,68%, tăng 13,37%. Công nghiệp - xây dựng đạt 408,98 triệu kWh, chiếm tỉ trọng 48,92%, giảm 4,09%. Thương mại - khách sạn - nhà hàng đạt 39,78 triệu kWh, chiếm tỉ trọng 4,76%, giảm 27,93%. Quản lí tiêu dùng đạt 320,93 triệu kWh, chiếm tỉ trọng 38,39%, tăng 4,13%. Các thành phần khác đạt 35,59 triệu kWh, chiếm tỉ trọng 4,26%, giảm 9,78% so với cùng kì. Thời gian mất điện khách hàng bình quân (SAIDI) đạt 195,324 phút/khách hàng. Tổn thất điện năng 6,56%, giảm 0,44%.

Giá bán điện bình quân đạt 1.773,87 đ/kWh, thấp hơn kế hoạch giao 33,16 đ/kWh. Doanh thu tiền điện 1.483 tỉ đồng, giảm 4,13% so với cùng kì. Nộp ngân sách địa phương năm 2019 đạt 40,8 tỉ đồng.

Dịch vụ điện trực tuyến đã tiếp nhận và giải quyết trực tuyến 12.312 trường hợp, chiếm 93,4% (qua Trung tâm chăm sóc khách hàng, Cổng thông tin điện tử và Công ty)…

Tiếp cận điện năng, cấp điện 39 công trình khách hàng mua điện qua trạm biến áp chuyên dùng, thời gian thực hiện là 2,31 ngày làm việc/công trình, thấp hơn 2,69 ngày so với quy định. Thực hiện thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử 278.143 cái, chiếm 89,96% tổng số công tơ khách hàng. Phát triển điện mặt trời mái nhà 126 khách hàng, tổng công suất đặt là 2.139 kWp.

Bài liên quan