Thừa Thiên Huế kêu gọi đầu tư Trung tâm dữ liệu số di sản văn hóa nghệ thuật và đổi mới sáng tạo

Thứ năm, 19/03/2020, 07:24 AM

Dự án này thuộc Khu A – Đô thị mới An Vân Dương với quy mô khoảng 6.597m2, có tổng mức đầu tư dự kiến trên 600 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền thuê đất).

Ranh giới nghiên cứu dự án.

Ranh giới nghiên cứu dự án.

Ngày 18/3, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định phê duyệt bổ sung Danh mục dự án kêu gọi đầu tư và công bố thông tin dự án kêu gọi đầu tư dự án tại khu đất có ký hiệu TM-DV8, thuộc Khu A – Đô thị mới An Vân Dương vào danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Theo đó, dự án Trung tâm dữ liệu số di sản văn hóa nghệ thuật và đổi mới sáng tạo thuộc Khu A – Đô thị mới An Vân Dương với quy mô khoảng 6.597m2.

Dự án này được thực hiện trên Khu đất có ký hiệu TM-DV8, thuộc Khu A – Đô thị mới An Vân Dương (phường Xuân Phú, TP Huế), có tổng mức đầu tư dự kiến trên 600 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền thuê đất).

Dự án nhằm xây dựng trung tâm nghiên cứu, sản xuất và triển khai các sản phẩm dịch vụ công nghệ 4.0 tại Việt Nam trong 3 lĩnh vực: Sản xuất dữ liệu số di sản văn hóa nghệ thuật, giải pháp mạng lưới thiết bị kết nối Internet và du lịch thông minh. 

Đồng thời, kết nối mạng lưới các cơ sở đào tạo nghiên cứu về CNTT, văn hóa, nghệ thuật tại Huế để thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và các doanh nghiệp công nghệ. Hợp tác, giao lưu quốc tế, tổ chức các sự kiện, triển lãm công nghệ.

Quy mô, tính chất dự án gồm xây dựng tổ hợp đổi mới sáng tạo về khoa học công nghệ đồng bộ, hiện đại hàng đầu tại Huế và khu vực miền Trung, đáp ứng quy mô 3.000 người làm việc thường xuyên, đầy đủ tiện ích với các công năng chính như: Trung tâm dữ liệu số về di sản văn hoá Việt Nam là nơi hội tụ, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hoá trong quá trình chuyển đối số; Nghiên cứu, phát triển & triển khai các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 như IoT, AI, Robot, 3D, Big Data…; Không gian hỗ trợ khởi nghiệp (co-working), tăng cường chia sẻ kết nối chuyên gia, nhà đầu tư với sản phẩm, giải pháp khởi nghiệp…

Công tác bảo tồn, giải phóng mặt bằng trên khu đất dự án dễ thực hiện, do phần lớn diện tích đất hiện trạng chủ yếu là đất nông nghiệp, hạ tầng kỹ thuật xung quanh dự án đồng bộ và hoàn chỉnh.

Dự án thông qua đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư (Sau khi UBND TP Huế thực hiện nhiệm vụ bồi thường, GPMB, thu hồi đất tạo quỹ đất sạch để thực hiện dự án theo Quyết định số 1304/QĐ-UBND ngày 10/3/2020 của UBND TP Huế) theo hình thức đầu tư trong nước hoặc đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Dự án sau khi triển khai sẽ góp phần phát triển ngành công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, phát triển ngành công nghệ 4.0 theo hướng phục vụ du lịch, bảo tồn văn hóa di sản.

Bài liên quan