Thừa Thiên Huế: Quy hoạch nhà ở xã hội còn nhiều bất ổn

Thứ hai, 09/09/2019, 05:06 AM

Biến đất công cộng thành đất nhà ở xã hội, chủ trương của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đang khiến quy hoạch cảnh quan khu B khu đô thị An Vân Dương bị phá vỡ và dấy lên lo ngại về áp lực dân số lên hạ tầng, môi trường sống tại đây.

thua-thien-hue-quy-hoach-nha-o-xa-hoi-con-nhieu-bat-on
Vị trí khu đất CC2

Nhà ở xã hội “bay” vào giữa khu đô thị cao cấp?

Khu đô thị An Vân Dương là dự án trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế với mục tiêu hình thành một đô thị kiểu mẫu, đô thị sinh thái hiện đại, góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian đô thị Huế. Khu đô thị An Vân Dương này bao gồm 4 khu đô thị mới gồm Thủy An, Thủy Vân, Phú Thượng và Phú Dương, được quy hoạch đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo đầy đủ thiết chế y tế, giáo dục, công viên vui chơi giải trí, dịch vụ văn hóa…

Trong đó, khu B - khu đô thị mới Thủy Vân, giới hạn từ phía Bắc sông Như Ý và phía Nam của nhánh sông Như Ý - Nhất Đông được quy hoạch với chức năng chủ yếu là khu ở tập trung với mật độ thấp các khối nhà chung cư cao tầng kết hợp với một trung tâm văn hoá, vui chơi giải trí cấp thành phố và cấp khu ở, bảo tồn làng nghề truyền thống và một số điểm di tích lịch sử văn hoá và cụm tiểu thủ công nghiệp.

Theo quy hoạch này, diện tích đất công cộng của khu B là 20 ha (tỉ lệ 6%), đất công viên cây xanh là 30 ha (tỉ lệ 9%), mật độ xây dựng thấp. Điều này đem đến cho cư dân khu B khu đô thị mới An Vân Dương môi trường sống xanh trong lành, gần gũi thiên nhiên với cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối thuận tiện.

thua-thien-hue-quy-hoach-nha-o-xa-hoi-con-nhieu-bat-on
Công văn của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc chủ trương phát triển dự án nhà ở xã hội tại khu CC2 – Khu B Khu đô thị mới An Vân Dương.

Tuy nhiên, sau 4 năm công bố quy hoạch, vừa qua UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lại khiến người dân hoang mang khi đột ngột ra công văn chủ trương điều chỉnh quy hoạch khu đất ký hiệu CC2 thuộc khu B, khu đô thị mới An Vân Dương vốn được sử dụng cho mục đích đất sinh hoạt công cộng của người dân thành khu nhà ở xã hội.

Anh Tuấn, cư dân tại đây bức xúc: "Quy hoạch một đằng, làm một kiểu. Giữa khu đô thị sinh thái cao cấp mà lại xây nhà ở xã hội là điều không thể chấp nhận".

Bà Dương, một cư dân lớn tuổi cũng bày tỏ sự không hài lòng "Chuyện nào ra chuyện nớ, xây nhà ở xã hội ở đó thì rõ là mất chỗ sinh hoạt chung của dân rồi. Với lại thiếu gì chỗ mà cứ phải làm nhà ở xã hội giữa cái khu cao cấp đẹp như thế này?”

Không chỉ anh Tuấn, bà Dương mà rất nhiều cư dân khi phóng viên tiếp xúc đều rất bất bình trước chủ trương khó hiểu này của UBND tỉnh.

Chuyên gia nói gì?

Điều 4, chương II Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có nêu rõ, tại các đô thị loại đặc biệt, loại 1, loại 2 và loại 3 trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm căn cứ vào nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn để bố trí đủ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội; chỉ đạo cơ quan chức năng xác định cụ thể vị trí, địa điểm, quy mô diện tích đất của từng dự án xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để phát triển nhà ở xã hội.

thua-thien-hue-quy-hoach-nha-o-xa-hoi-con-nhieu-bat-on
Quy hoạch chung khu đô thị mới An Vân Dương năm 2005.

Rõ ràng, việc quy hoạch nhà ở xã hội phải được tính toán ngay từ đầu khi mới lập quy hoạch đô thị. Điều này là hoàn toàn đúng đắn bởi mật độ dân số của từng khu vực sẽ gây áp lực trực tiếp đến các cơ sở hạ tầng, điện đường trường trạm của khu vực đó. Việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trương bố trí dự án nhà ở xã hội tại khu đất công cộng ký hiệu CC2 là phá vỡ quy hoạch ban đầu và gây áp lực lớn lên hạ tầng đô thị khi tăng mật độ dân số bất thường. Chưa kể, việc một khu nhà ở xã hội "mọc" lên giữa khu đô thị cao cấp kiểu mẫu cũng làm giảm mỹ quan và giá trị chung của toàn khu. Các nhà đầu tư cũng sẽ phải cân nhắc một cách thận trọng hơn khi quyết định đầu tư vào đây bởi cách làm việc thiếu chuyên nghiệp này.

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, quy hoạch nhà ở xã hội phải thực hiện riêng, không để lổn nhổn giữa các khu cao cấp. Ngoài ra phải chú trọng nâng cao chất lượng, bố trí ở vị trí thuận lợi, hướng đến lợi ích của cả người sử dụng và chủ đầu tư.

Nhà ở xã hội cũng như các loại hình nhà ở khác, đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và đều cần tiện ích đầy đủ để đảm bảo sinh hoạt hàng ngày cho cư dân, do vậy cần tính toán kỹ lưỡng trước khi xây dựng. Các cơ quan ban ngành của tỉnh đã tính toán, cân nhắc kỹ càng mọi mặt của vấn đề khi tham mưu địa điểm này làm nhà ở xã hội, phá vỡ quy hoạch chưa? Liệu có nguyên nhân sâu xa nào khác trong chủ trương bất thường này hay không?

Phóng viên sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc tới bạn đọc.

 

Chung cư Goldsilk Complex: Cuộc chiến cư dân, chủ đầu tư chưa có hồi kết

Chủ đầu tư chung cư Goldsilk Complex (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) đã ngừng các dịch vụ vệ sinh, thu gom rác, dịch vụ kỹ thuật… từ ngày 4/9.

 

Novaland thay 'tướng', chuyện ít biết về chủ tịch Rạng Đông

Tập đoàn Novaland thay đổi người đại diện pháp luật, Chủ tịch FLC muốn bán 70 triệu cổ phiếu và câu chuyện bí mất chủ tịch Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông là câu chuyện nổi bật giới doanh nhân trong tuần.

 

Thấy gì từ sự chuyển hướng từ bất động sản sang kinh doanh đa ngành tiến tới dịch vụ công nghệ cao của Vingroup?

Phát biểu tại buổi tọa đàm “Làm gì để có thương hiệu mạnh” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 7/9, GS.TSKH Nguyễn Mại phát biểu: “Bộ phận quan trọng nhất tác động đến sự giàu mạnh của một đất nước chính là các tập đoàn kinh tế lớn”.