Thực đơn ngày Tết dành cho người mắc bệnh tiểu đường

Thứ bảy, 25/01/2020, 13:05 PM

Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát bệnh tiểu đường, thế nhưng vào ngày Tết, nhiều sinh hoạt bị đảo lộn, giờ giấc ăn uống và các món ăn cũng không được tuân thủ nghiêm ngặt như ngày thường sẽ dễ dẫn đến những diễn biến xấu cho người bệnh.

Người mắc bệnh tiểu đường trong ngày Tết cần cân đối khẩu phần ăn như những ngày bình thường.

Người mắc bệnh tiểu đường trong ngày Tết cần cân đối khẩu phần ăn như những ngày bình thường.

Trong dịp Tết, khi cả gia đình xum vầy bên mâm cỗ, rất nhiều những món ăn đặc sản chứa nhiều tinh bột, đường, chất béo... như miền Bắc có bánh chưng, giò chả, thịt đông, canh măng nấu chân giò, canh bóng thả, nem rán (chả giò)…ở miền Bắc.

Còn miền Trung thì có bánh tét, gà luộc, giò, thịt heo ngâm mắm và các món mặn để lâu được như tôm rim; thịt kho tàu…; miền Nam thì cũng có bánh tét nhưng khác bánh tét miền Trung là nhiều đậu xanh, nhiều thịt hơn, và còn có bánh tét nhân ngọt, bên cạnh đó người miền Nam luôn có một nồi thịt kho trứng, dưa kiệu và canh khổ qua nhồi thịt…Chính vì những món ăn đặc sản luôn xuất hiện trong mỗi ngày Tết nên đối với những người mắc bệnh tiểu đường đặc biệt phải chú ý đến khẩu phần ăn và thời gian ăn.

Nếu không phải nhập viện hoặc đang điều trị các biến chứng của bệnh đái tháo đường thì người bệnh đái tháo đường vẫn có thể ăn chung cùng gia đình và ăn được tất cả các món cổ truyền ngày Tết, chỉ cần chú ý ăn bằng với số lượng thực phẩm trong khẩu phần ăn của mình như ngày thường.

Nếu ngày thường mỗi bữa ăn một bát cơm lưng thì ngày Tết có thể ăn một góc tám (1/8) bánh chưng loại một kg, hoặc ½ bát xôi hoặc 5-6 cái bánh tráng cuốn với thịt kho rau sống…và không được ăn thêm cơm trong bữa ăn đó.

Nếu ăn cơm với món thịt kho trứng vịt thì nên ăn phần nạc bỏ mỡ, ăn ½ quả trứng vịt chứ không nên ăn cả 1 quả, hạn chế chan phần nước thịt kho để tránh đưa vào cơ thể nhiều chất béo và nhiều muối.

Củ kiệu, dưa hành, dưa món, dưa giá đều là những món ăn kèm không thể thiếu với bánh chưng, thịt đông, giò chả, thịt kho cho đỡ ngán, kích thích vị giác, giúp dễ tiêu hóa và dễ ăn trong ngày Tết, nhưng lại có khá nhiều đường và muối; móng giò, giò thủ, thịt đông không những chứa nhiều muối mà còn nhiều chất béo không có lợi cho sức khỏe, người bệnh đái tháo đường chỉ nên ăn thật ít các thực phẩm này nếu rất thèm.

Thường các món ăn ngày Tết nhiều bột đường và chất béo, vì vậy nên lưu ý mua nhiều rau củ để trong ba ngày Tết vẫn đảm bảo có rau củ trong mỗi bữa ăn để tăng chất xơ, giúp giảm bớt việc hấp thu chất béo, làm chậm hấp thu đường vào máutránh việc tăng đường huyết nhanh sau ăn, ngoài ra còn phòng ngừa táo bón.

Nên ăn rau củ hấp,luộc (thay vì xào sẽ phải thêm dầu ăn), nên chuẩn bị sẵn xà lách, dưa chuột, cà chua để khi cần là có ngay đĩa salad trộn dầu dấm.

Trái cây ngày Tết rất phong phú với nhiều loại quả như mận, bưởi, mãng cầu, thơm, quýt, đu đủ, xoài, … là nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất rất cần cho mọi người nhất là những người lớn tuổi.

Một người ăn khoảng 200 - 250g trái cây mỗi ngày là đủ, riêng người bệnh đái tháo đường nên chọn các trái cây ít ngọt nhiều chất xơ như bưởi, ổi, sơ ri, mận, táo… muốn ăn trái cây ngọt thì nên ăn xen kẽ các bữa ăn chính. Ăn trái cây nguyên miếng sẽ tốt hơn xay nhuyễn hay chỉ ép lấy nước uống.

Ngày Tết, thì nhà nào cũng có bánh, kẹo, mứt, các loại nước ngọt,… là những thực phẩm chứa nhiều đường hấp thu nhanh dễ làm tăng đường trong máu nên người bệnh đái tháo đường nên chú ý.

Nên lựa loại bánh kẹo, sữa, cà phê, nước ngọt ăn kiêng với chỉ số đường huyết thấp (GI < 50) sử dụng an toàn cho người bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, nên mua các loại hạt như hạnh nhân, hạt óc chó, hạt điều, hạt bí, hạt dưa…để ăn chơi thay cho các loại mứt.

Hy vọng với những thông tin về thực đơn ngày Tết cho người bị bệnh tiểu đường trên đây thì sẽ giúp cho bạn có thêm thông tin lên kế hoạch thực đơn cho những người bệnh tiểu đường hoặc cho chính bản thân mình.