Thượng đỉnh Mỹ - Triều: 5/11 lệnh trừng phạt có phải là ‘tất cả’?

Thứ bảy, 02/03/2019, 11:59 AM

Những mâu thuẫn trong tuyên bố của Mỹ và Triều Tiên tại các cuộc họp báo hậu thượng đỉnh Mỹ - Triều khiến người ta đặt câu hỏi: 5 trên tổng số 11 lệnh trừng phạt là gì mà Tổng thống Donald Trump lại lắc đầu và cho rằng, Triều Tiên yêu cầu gỡ bỏ tất cả trừng phạt?

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Việt Nam.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un dạo bộ trong khuôn viên khách sạn Metropole, Hà Nội. 

Mâu thuẫn trong phát ngôn sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

Rời khách sạn Metropole, trở về Marriot – nơi hàng trăm phóng viên đang chờ đợi nghe nhiều hơn về kết quả hội nghị giữa ông và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Donald Trump khiến tất cả mọi người xôn xao khi cho biết, phía Triều Tiên muốn gỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt, nhưng nước Mỹ không thể làm điều đó.

"Chúng tôi không thể làm điều đó lúc này", Ông Trump nói, "Họ chỉ muốn đưa một phần của cơ sở hạt nhân và phần mà chúng ta cần thì họ không đưa được. Chúng ta biết rất rõ từng centimet của đất nước đó".

Trong khi đó, tại cuộc họp báo vào lúc nửa đêm ngày 28/2 theo giờ địa phương, Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Ri Su-yong  cho biết, trên thực tế, phía Triều Tiên chỉ đưa ra đề nghị gỡ bỏ 5 trong tổng số 11 lệnh trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt cho họ. Ông cũng khẳng định, đó là những lệnh trừng phạt ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nước ông. Hoàn toàn không có chuyện Triều Tiên đưa ra yêu cầu gỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt.

Vậy, 5/11 lệnh cấm vận mà Triều Tiên yêu cầu gỡ bỏ là gì, mà Tổng thống Mỹ cho rằng đó là “tất cả”?

thuong-dinh-my-trieu-511-lenh-trung-phat-co-phai-la-tat-ca
Hai nhà lãnh đạo mở cửa sổ vẫy tay chào người dân Việt Nam.

Không ai biết được cụ thể trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, phía Triều Tiên đã đề xuất gỡ bỏ những lệnh trừng phạt nào. Tuy nhiên, nếu nhìn vào 11 lệnh trừng phạt chính mà Liên Hiệp Quốc cùng Mỹ đang áp đặt lên Triều Tiên hiện nay, và dựa trên lời nói của ông Ri Su-yong, có thể phần nào đoán được những gì mà phía Triều Tiên đề xuất.

Trong tổng số 11 lệnh trừng phạt LHQ và Mỹ áp đặt lên Triều Tiên, các lệnh trừng phạt liên quan đến nguyên liệu thô, may mặc, thủy hải sản và xuất khẩu lao động, đầu tư nước ngoài là những lệnh trừng phạt gây ảnh hưởng lớn nhất tới người dân ở đất nước này. Không chỉ vậy, 5 lĩnh vực này bao trùm gần như toàn bộ nền kinh tế của Triều Tiên.

Xét về khoáng sản, theo Cơ quan địa chất Mỹ công bố, hiện Triều Tiên có nguồn tài nguyên với hơn 200 khoáng sản khác nhau, bao gồm mỏ magie lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, và mỏ tungsten lớn thứ 6 thế giới. Ngoài ra, theo tờ Guardian, Triều Tiên có trữ lượng molypden lên tới 54.000 tấn và một tài nguyên đất hiếm khổng lồ - loại khoáng chất tương lai cho thế giới phát triển công nghệ. Trữ lượng đất hiếm ở Triều Tiên có giá trị có thể lên tới 10.000 tỷ USD, theo tình báo Hàn Quốc. Còn theo báo cáo do Tập đoàn Khoáng sản Hàn Quốc (KRC) đệ trình Quốc hội Hàn Quốc ngày 11/10/2018 cho biết, Triều Tiên hiện sở hữu trữ lượng khoáng sản khổng lồ, gồm magnesit (6 tỷ tấn), than chì (2 triệu tấn), quặng sắt (5 tỷ tấn) và vonfram (250.000 tấn).

Trữ lượng khoáng sản của Triều Tiên ước tính khoảng 3,3 nghìn tỷ USD tính theo giá thị trường hiện tại. Khai thác khoáng sản, ngành đóng vai trò chủ đạo và chiếm 14% kinh tế Triều Tiên, vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển nếu vượt qua được khó khăn. Dù luôn ưu tiên ngành này, Triều Tiên vẫn chỉ khai thác được trung bình dưới 30% tiềm năng, do thiếu thiết bị, cơ sở hạ tầng và chuyên môn.

Theo đánh giá từ phía Hàn Quốc, nếu hợp tác với Triều Tiên được kết nối, giá trị thương mại có thể đạt đến mức 150 tỷ USD trong vòng 30 năm.

Dân số Triều Tiên ước lượng đến năm 2016 là hơn 25 triệu người. Đây cũng là một nguồn nhân lực tiềm năng nếu nền kinh tế mở cửa, không bị cấm vận. Số liệu LHQ cũng cho biết, hiện có khoảng 100.000 người Triều Tiên đang lao động ở nước ngoài, mang lại nguồn ngoại tệ gửi về đất nước tương đương 5 tỷ USD. Con số này sẽ còn tăng mạnh nếu không còn bất cứ lệnh trừng phạt nào liên quan đến xuất khẩu lao động của Triều Tiên.

Nếu thực sự Triều Tiên đề cập đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến những lĩnh vực này, có thể góc nhìn “tất cả” của Tổng thống Donald Trump hoàn toàn không phải là vô lý.

Câu chuyện không phải ở số lượng, mà ai sẽ là người “đầu tiên”

Nếu đặt tổng thể những phát ngôn của hai bên cùng với diễn biến kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc và hai nhà lãnh đạo trở về nước, có thể thấy câu chuyện không nằm ở số lượng các lệnh trừng phạt mà hai bên đem lên bàn đàm phán.

thuong-dinh-my-trieu-511-lenh-trung-phat-co-phai-la-tat-ca
Tổng thống Donald Trump vẫy tay chào phóng viên sau khi kết thúc cuộc họp báo do ông chủ trì ở khách sạn Marriot, Hà Nội chiều ngày 28/2/2019. Ảnh: Tuấn Mark/Getty Images.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết trong cuộc họp báo ở Hà Nội: “Họ muốn phi hạt nhân hóa một số khu vực nhất định nhưng tôi muốn (phi hạt nhân hóa) tất cả mọi thứ. Tôi không muốn từ bỏ các biện pháp trừng phạt nếu chúng tôi không có một chương trình thực sự. Họ chưa sẵn sàng cho điều đó và tôi thực sự hiểu điều đó, tôi thực sự hiểu. Họ đã dành rất nhiều thời gian để xây dựng nó".

Cần một "thỏa thuận khó khăn hơn nhiều" để thỏa mãn mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn của Mỹ, ông Trump nói và thêm rằng "nó có thể sẽ không thực hiện được", nhưng "đó là thỏa thuận mà chúng ta nên có".

Theo những chia sẻ của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo – người đã cùng ông Trump ngồi vào bàn thảo luận với phía Triều Tiên -  khi ông này có chuyến thăm Phillipines hậu thượng đỉnh Mỹ - Triều, hai nước không thảo luận về tất cả các lệnh trừng phạt. “Chúng tôi có rất nhiều việc phải tiếp tục thảo luận, và tôi nghĩ chúng tôi có nhiều quan điểm chung về vấn đề này”.

Nhiều chuyên gia quốc tế bình luận, câu chuyện trên bàn đàm phán giữa ông Trump và ông Kim không phải là các con số về lệnh trừng phạt, mà chính là ai sẽ chấp nhận lùi bước, “nhường đường” cho người kia tiến lên phía trước.

Trước hết, đó là việc cả Bình Nhưỡng và Washington phải đồng ý với nhau về các bước phi hạt nhân hóa sẽ phải tiến hành theo từng bước, cụ thể là hạn chế và ngừng hẳn việc sản xuất vật liệu phân hạch. Triều Tiên chấp nhận “tháo dỡ vĩnh viễn” cơ sở hạt nhân Yongbyon. Hành động này giúp giảm tỷ lệ sản xuất, nhưng không ngừng hẳn việc sản xuất vật liệu phân hạch. Triều Tiên hoàn toàn có thể sản xuất tại các cơ sở không được công bố bên ngoài Yongbyon. Ngược lại, Mỹ  đang tìm cách ngăn chặn toàn diện việc sản xuất vật liệu phân hạch, đòi hỏi phải tháo dỡ tất cả các cơ sở như vậy, cho dù nằm trong Yongbyon hay ở nơi nào khác. 

Vấn đề gây tranh cãi thứ hai chính là ai sẽ nhượng bộ, hay cả hai nước sẽ tiến hành song song các thỏa thuận? Tờ NPR gọi đây là “sự có đi có lại” của cả hai bên. Mỹ và Triều Tiên đều đồng ý thực hiện “các biện pháp tương ứng” (theo cách nói của Triều Tiên) hay “các bước song song và đồng thời” (theo cách nói của Mỹ. Thế nhưng, cuộc họp ngày 28/2 vừa qua đã không thể đồng ý về bản chất và mức độ của các bước tiếp theo theo ý của Mỹ.

Mỹ đã thảo luận các đề xuất như ban hành tuyên bố hòa bình, chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và thành lập văn phòng liên lạc tại Washington và Bình Nhưỡng. Những gì Triều Tiên thực sự muốn là gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tổng thống Trump đưa ra nhận định trong cuộc họp báo tại Hà Nội sau khi các cuộc đàm phán thất bại, cho rằng Triều Tiên đã yêu cầu quá cao để đổi lấy bước khiêm tốn của việc tháo dỡ Yongbyon.

Vấn đề khó khăn thứ ba, như Ngoại trưởng Mike Pompeo đã ám chỉ ở Hà Nội, chính là trình tự thực hiện. Triều Tiên muốn được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước, trong khi Mỹ vẫn cần phải “nắm đằng chuôi” lợi thế của mình trong cuộc đàm phán, và muốn Triều Tiên phải thực hiện nó trước. “Tầm nhìn chung” giữa hai bên chính là việc, ai sẽ là người thực hiện trước tiên những nguyện vọng thỏa thuận của phía bên kia.

Thượng đỉnh dù thất bại, tương lai vẫn tích cực?

thuong-dinh-my-trieu-511-lenh-trung-phat-co-phai-la-tat-ca
Dù thượng đỉnh không đưa ra được một kết quả cụ thể nào, cả hai nhà lãnh đạo đều khá lạc quan về tương lai.

Ngược lại với những dự đoán của giới truyền thông, thông điệp gửi đi của cả hai nhà lãnh đạo về kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là rất tích cực.

Tổng thống Donald Trump vẫn không thay đổi sự nhìn nhận của mình về Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cũng như cho rằng, hai nước sẽ vẫn tiếp tục để tìm được tiếng nói chung trong vấn đề hòa bình ở bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, ở quê nhà, truyền thông Triều Tiên lại khẳng định, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội thực sự đã thành công.

Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên trong một bài xã luận đã viết:

“Các nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước đánh giá cao rằng cuộc gặp thứ hai tại Hà Nội đã mang đến một dịp quan trọng để tăng cường sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, đưa quan hệ hai nước lên một giai đoạn mới.

Họ đồng ý giữ liên lạc chặt chẽ với nhau để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và sự phát triển mang tính thời đại của mối quan hệ Mỹ - Triều trong tương lai, tiếp tục đối thoại hữu ích để giải quyết các vấn đề được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội.

Ông Kim Jong Un cảm ơn ông Trump vì đã nỗ lực thực hiện cuộc gặp và các cuộc đàm phán thành công lần này, thực hiện hành trình dài, nói lời tạm biệt và hứa hẹn cuộc gặp tiếp theo”.

Ở nước Mỹ, ngay sau khi ông Trump trở về từ Hà Nội, Lầu Năm Góc đã ra tuyên bố cho dừng hai cuộc tập trận lớn nhất trong năm với đồng minh Hàn Quốc là Foal Eagle và Key Resolve sẽ được tạm dừng, thay thế bằng các cuộc tập trận có quy mô nhỏ hơn. Trong nhiều năm qua, Triều Tiên luôn có những thông điệp mạnh mẽ và khắc nghiệt về hai cuộc tập trận này.

Đây không phải là kết quả có được từ sau hội nghị, tuy nhiên, thời điểm tuyên bố khiến cho nó trở thành một thông điệp tích cực trong việc Mỹ tiếp tục duy trì mối quan hệ đang tốt đẹp với phía Triều Tiên.

Những thảo luận về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên chỉ mới được Tổng thống Donald Trump tiến hành kể từ cuối năm 2017. Mới chỉ hơn 1 năm cho tất cả quá trình này. Đến nay, những nhìn nhận tích cực của cả hai nước trước tương lai và thái độ cởi mở làm việc của hai bên đã là những thành công nhất định. Sẽ còn rất nhiều việc cho hai bên trong thời gian sắp tới.

 

Mỹ, Hàn hủy hai cuộc tập trận quy mô lớn sau thượng đỉnh Trump - Kim

Mỹ và Hàn Quốc sẽ hủy hai cuộc tập trận chung quy mô lớn vốn được dùng để răn đe Triều Tiên và thay thế bằng các cuộc tập trận nhỏ hơn,

 

Ông Trump ca ngợi Việt Nam, tin tưởng Triều Tiên

Ngày hôm qua 1/3, trong một tweet của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa khẳng định việc đàm phán với lãnh đạo Triều Tiên là thực chất, giúp 2 bên hiểu nhau. Ông cũng ca ngợi Việt Nam là nơi tuyệt vời.

 

Ông Trump hiểu vì sao ông Kim không thể chấp nhận yêu cầu của Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông hiểu vì sao Chủ tịch Kim Jong-un không thể đồng ý với đề nghị phi hạt nhân hóa toàn toàn của Mỹ.